Giữ thương hiệu Việt thế nào khi thoái vốn doanh nghiệp nhà nước?

Giữ thương hiệu Việt thế nào khi thoái vốn doanh nghiệp nhà nước?

Theo các chuyên gia kinh tế, trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, để đảm bảo phát triển bền vững cần ưu tiên những nhà đầu tư có xu hướng giữ gìn và phát huy thương hiệu Việt.


Tại hội thảo "Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp - Góc nhìn chuyên gia" do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban 4) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ tổ chức sáng 12/6, nhiều ý kiến chuyên gia đã tập trung vào nội dung giữ gìn thương hiệu Việt sau khi cổ phần hóa. 

35146957102169013014315967927229341614735360nw.jpg

Chuyên gia góp ý đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa.

Theo PGS TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường – giá cả (Bộ Tài chính), khi cổ phần hóa (CPH), mục tiêu có nhiều nhưng chọn nhà đầu tư chiến lược có 2 mục tiêu quan trọng là nâng cao năng lực quản trị kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), giảm can thiệp của nhà nước và giữ gìn thương hiệu ngành nghề kinh doanh chính. Trong đó, ông Long đặc biệt quan tâm đến việc giữ gìn thương hiệu DN.

Ông Long dẫn chứng trường hợp CPH Hãng phim truyện Việt Nam VFS – một thương hiệu điện ảnh có tuổi đời gần 60 năm. Nhà đầu tư chiến lược là Tổng Công ty Vận tải thủy không hề có kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất phim và cũng không mặn mà phát triển mảng sản xuất phim.

"Vụ thoái vốn DNNN này làm dấy lên dư luận về tính nhất quán của quá trình thực hiện mục tiêu chính sách về bảo vệ ngành nghề kinh doanh chính, bảo vệ thương hiệu của DN sau CPH", ông Long nói.

Một ví dụ khác, thương hiệu kem đánh răng Dạ Lan nổi tiếng Việt Nam của công ty Sơn Hải, năm 1995 chiếm đến 30% thị phần. Sau đó công ty Sơn Hải bán thương hiệu này cho Công ty Colgate Palmolive của Mỹ với niềm tin Colgate sẽ giúp nâng cao giá trị của thương hiệu Dạ Lan. Sau khi tham gia liên doanh với Sơn Hải, Colgate trở thành chủ sở hữu 100% của công ty liên doanh này vào năm 1998. Trong vòng vài năm, thương hiệu kem đánh răng Dạ Lan biến mất trên thị trường.

Theo chuyên gia Ngô Trí Long, thương hiệu không chỉ đại diện cho DN mà còn đại diện cho quốc gia. Trong các nhà đầu tư chiến lược, có nhà đầu tư muốn giữ lại thương hiệu bản địa nhưng có nhà đầu tư lại không. Theo nghiên cứu tại thị trường châu Á, người tiêu dùng bản địa muốn sử dụng các sản phẩm nội địa hơn do giá cả cạnh tranh, phù hợp thị hiếu và sở thích của họ. 

"Do đó, Nhà nước phải có tiêu chí cụ thể để chọn đúng nhà đầu tư chiến lược, có trách nhiệm bảo vệ thương hiệu Việt để hậu CPH vẫn tiếp tục phát triển thương hiệu đó", chuyên gia đề nghị.

Chuyên gia cũng lưu ý, không phải nhà đầu tư nào cũng có ý định vứt bỏ các thương hiệu họ mua về. Theo ông John Santos, học giả tại Trường Kinh tế INSEAD (Pháp), nhiều nhà đầu tư tin rằng việc bảo vệ và duy trì thương hiệu nội địa là điều cần thiết cho các tập đoàn đa quốc gia để hòa nhập và thành công tại những thị trường mới nổi như Việt Nam. Việc đơn thuần mua lại một thương hiệu nội địa là không đủ, nhà đầu tư cần bổ sung nguồn lực tài chính để xây dựng và phát triển kinh doanh dựa trên những nền tảng địa phương mà họ được thừa hưởng từ thương vụ mua lại. 

“Ta thường dị ứng khi chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, lo rằng như vậy là sẽ mất hết. Nhưng không phải như vậy”, ông Long nói. Nhìn vào thương vụ Mondelez International thâu tóm thương hiệu bánh kẹo Kinh Đô của Việt Nam năm 2015. Tại thời điểm thương vụ diễn ra, nhiều ý kiến lo ngại từ cả người tiêu dùng và cổ đông của Kinh Đô rằng thêm 1 thương hiệu nữa của Việt Nam sẽ sớm biến mất trên thị trường.

Ba năm sau thương vụ sáp nhập, Mondelez Kinh Đô đang có bước tăng trưởng ổn định. Hầu hết các thương hiệu của Kinh Đô vẫn được duy trì tại thị trường Việt Nam như bánh mặn KFC, bánh quy Cosy, bánh trung thu Kinh Đô… Các sản phẩm của DN này không chỉ phát triển trong nước mà còn xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới.

"Cuộc hôn nhân" tốt đẹp của Mondelez và Kinh Đô không phải là trường hợp đầu tiên của Tập đoàn bánh kẹo nổi tiếng này. Trước đó Mondelez từng mua lại rất nhiều các thương hiệu bánh kẹo địa phương khác như bánh Lu (Pháp), Cadbury (Anh), Lacta (Hy Lạp)…

Vậy làm thế nào để Nhà nước có thể đánh giá được liệu nhà đầu tư tiềm năng có ý định hay khả năng bảo vệ thương hiệu hay không? "Vấn đề mấu chốt là nhà nước có thể dựa vào thông tin về truyền thống và lịch sử phát triển thương hiệu địa phương của nhà đầu tư trước đó để đánh giá và đoán định khả năng họ sẽ ứng xử thế nào với các thương hiệu được mua lại. Thực tế một số nhà đầu tư trân trọng và có kinh nghiệm tốt trong việc phát triển thương hiệu nội địa đến mức tên tuổi của họ không được gắn với thương hiệu mà khi nhắc đến thương hiệu đó người ta nhắc đến quốc gia xuất xứ của thương hiệu. Điều này chứng tỏ các nhà đầu tư đã rất thành công trong việc tiếp tục nuôi dưỡng và phát triển các thương hiệu được mua lại", chuyên gia Ngô Trí Long nhận định.
 
Bên cạnh đó, cần đánh giá nhà đầu tư tiềm năng trên phương diện liệu họ có phải là nhà quản lý tốt và có kế hoạch đầu tư, phát triển phù hợp để đảm bảo sự thành công của DN hay không. 

Trong số 12.000 DNNN thì nay còn 6.000 DN chưa CPH. Tuy nhiên, tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước vẫn rất lớn. Tính đến hết năm 2017, tỷ lệ vốn nhà nước thực bán qua CPH và thoái vốn chỉ chiếm 7,5% tổng số vốn nhà nước nắm giữ.

Do vậy, bên cạnh việc chọn lựa các nhà đầu tư chiến lược có năng lực thì để quá trình CPH, thoái vốn đạt hiệu quả cao hơn cho mục tiêu nâng cao chất lượng DN, chuyên gia đề nghị cần có cơ chế cho phép nhà đầu tư chiến lược nắm giữ một lượng cổ phần đủ lớn để có thể tạo ra sự ảnh hưởng có ý nghĩa tới hoạt động của DN. 

Theo Báo tin tức

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang