Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) ngày hôm nay (7/3/2018) vừa công bố Bảng xếp hạng FAST500 - Top 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2018.
Thứ hạng của các doanh nghiệp trong bảng xếp hạng này được sắp xếp dựa trên tiêu chí tăng trưởng kép (CAGR) về doanh thu và hiệu quả kinh doanh. Bên cạnh đó, các tiêu chí như tổng tài sản, tổng lao động, lợi nhuận sau thuế và uy tín doanh nghiệp trên truyền thông... cũng được sử dụng như yếu tố bổ trợ để xác định quy mô cũng như vị thế của doanh nghiệp trong ngành hoạt động.
Khảo sát của Vietnam Report cho thấy, giai đoạn 2013 – 2017, tốc độ tăng trưởng doanh thu kép trung bình của Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam đạt 46,4%, tăng lên so với 42,4% của giai đoạn trước, cho thấy doanh nghiệp tăng trưởng khá ổn định và vững vàng. Đây là tín hiệu đáng mừng, đem đến kỳ vọng đạt mức tăng trưởng cao hơn trong giai đoạn kế tiếp.
Một thông tin thú vị là dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng kép giai đoạn 2013-2016, theo kết quả khảo sát, chính là lĩnh vực nông nghiệp với mức tăng trưởng đạt 63,7%. Kế đến là ngành bán lẻ; khoáng sản, xăng dầu và viễn thông, tin học, công nghệ thông tin… Lĩnh vực bất động sản có mức tăng trưởng kép đạt 46,9%, nhỉnh hơn so với ngành thép và đứng sau ngành in ấn, xuất bản.
Những lĩnh vực này được dự đoán sẽ trở thành “miền đất hứa” thu hút đầu tư mạnh mẽ cho nền kinh tế cả nước.
Đánh giá về những ngành có tiềm năng tăng trưởng tốt trong 3 năm tiếp theo, nông nghiệp sạch vẫn tiếp tục dẫn đầu, sau đó mới đến công nghệ thông tin, công nghệ sạch, bán lẻ, du lịch – khách sạn. Điều này cũng thể hiện xu thế phát triển trong tương lai khi doanh nghiệp dần đẩy mạnh đầu tư đổi mới công nghệ sạch, thân thiện môi trường, tích hợp trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cùng định hướng phát triển du lịch thành ngành công nghiệp mũi nhọn của đất nước.
Các doanh nghiệp cũng cho rằng, tăng trưởng của thị trường trong nước và khu vực là yếu tố đóng góp nhiều nhất đến tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp trong giai đoạn 5 năm từ 2013 đến 2017. Chính tiềm năng phát triển của thị trường trong nước, thị trường khu vực cùng với những cải thiện từ môi trường đầu tư, kinh doanh và thủ tục chính sách đã tạo nên thuận lợi cho tăng trưởng của doanh nghiệp trong vài năm gần đây.
Ngoài ra, việc mở rộng thị trường hiện có, phát triển các dòng sản phẩm mới và phát triển các phân khúc thị trường mới cũng là những yếu tố được doanh nghiệp chú trọng và đã đạt hiệu quả đáng ghi nhận trong thời gian qua.
Năm 2018, doanh nghiệp nhận định ba rào cản bên ngoài lớn nhất ảnh hưởng đến tăng trưởng là chi phí đầu vào tăng, sự trỗi dậy của các đối thủ cạnh tranh và vấn đề thủ tục hành chính. Trong đó, doanh nghiệp đặc biệt quan tâm đến vấn đề chi phí đầu vào, chủ yếu do giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao và cạnh tranh ngày càng gia tăng trong các ngành kinh doanh.
Nhiều chuyên gia cũng nhận định, năm 2018 là năm sẽ có sự cạnh tranh khốc liệt đối hàng loạt ngành nghề do dư địa thị trường hấp dẫn, mở rộng nhiều chính sách ưu đãi trong nước thu hút các doanh nghiệp ngoại. Đồng thời, xu hướng trong thời gian tới sẽ là sự liên kết giữa các doanh nghiệp lớn nhằm tạo nên giá trị cộng hưởng.
Chính vì vậy, các doanh nghiệp FAST500 cho rằng hai nhóm đối thủ cạnh tranh lớn nhất phải “kiêng dè” trong năm nay là các doanh nghiệp nội địa lớn đứng đầu và các tập đoàn đa quốc gia từ các nước phát triển đang tích cực gia nhập thị trường Việt Nam.
Theo Dân trí
Nội dung đang cập nhật...
Giấy phép số: 218/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp
Địa chỉ: Tầng 3, nhà D, Khách sạn La Thành, số 226 Vạn Phúc, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại: 0877459777 - Email: nhat.cao@bcsi.edu.vn
Website: www.bcsi.edu.vn
Copyright © 2016 by BCSI