“Kinh tế vỉa hè” và sự nhếch nhác của đô thị

“Kinh tế vỉa hè” và sự nhếch nhác của đô thị

Như nhiều nước trên thế giới, “kinh tế vỉa hè” đã trở thành nét văn hóa đặc trưng của nhiều thành phố lớn tại Việt Nam, là không gian kinh doanh của hàng triệu người.

Nguồn:Lao động và xã hội

Mặc dù vậy, bên cạnh sự tiện lợi, không gian vỉa hè bị chiếm dụng để bán hàng, nhất là quán ăn cũng đi liền với sự nhếch nhác, thiếu vệ sinh và cản trở giao thông.

Vỉa hè - một phần tất yếu của cuộc sống đô thị

“Kinh tế vỉa hè” và sự nhếch nhác của đô thị - 1

Du khách quốc tế khám phá nét độc đáo của “kinh tế vỉa hè”. Ảnh: Mạnh Dũng.

Vỉa hè không chỉ là nơi để người dân di chuyển mà còn trở thành nơi kinh doanh của hàng triệu người. Tại Việt Nam, cảnh người bán hàng rong trên vỉa hè đã tồn tại từ lâu, gắn liền với hình ảnh bận rộn, tấp nập của cuộc sống đô thị.

Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng… các món ăn đường phố như phở, bún, bánh mì, xôi, chè không chỉ là tiện lợi mà còn là một phần không thể thiếu trong văn hóa và đời sống ẩm thực của người dân, vừa gần gũi, dân dã, đơn giản và chân thật.

Từ những gánh hàng rong bán phở ở Hà Nội đến xe bánh mì trên các con phố TPHCM, những món ăn bình dân nhưng đầy hương vị độc đáo đã thu hút không chỉ người bản địa mà cả du khách quốc tế. Rất nhiều khách quốc tế khi đến Việt Nam lựa chọn trải nghiệm ẩm thực đường phố để hiểu hơn về nét văn hóa độc đáo này.

Nhà nghiên cứu văn hóa Phùng Hoàng Anh cho rằng, vỉa hè Hà Nội có đời sống văn hóa đa nghĩa, phức tạp và đa chiều. Với sự phát triển nhanh chóng của Thủ đô, vỉa hè cũng rất đa dạng với những công năng sử dụng khác nhau. “Kinh tế vỉa hè” không chỉ mang tính kinh tế mà còn phản ánh sự giao thoa của văn hóa và phong tục tập quán.

Trong đời sống đô thị, vỉa hè không chỉ là không gian thương mại mà còn là nơi gặp gỡ, giao lưu xã hội. Tại những quán nước chè, cà phê vỉa hè, người dân có thể trò chuyện, bàn bạc công việc, hoặc đơn giản là thư giãn sau giờ làm việc. Nhiều người còn xem đây là một phần không thể thiếu của cuộc sống đô thị, giúp kết nối con người với nhau.

Từ góc độ nghiên cứu xã hội học, TS Nguyễn Văn Đáng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, “kinh tế vỉa hè” là nét văn hóa đặc thù của xã hội đang phát triển.

Đặc biệt, ở quốc gia có truyền thống văn hóa tiểu nông như Việt Nam, “kinh tế vỉa hè” càng đặc trưng hơn. Chưa kể, người dân đô thị lâu nay vẫn quen với việc mua sắm tiện lợi ngay trên vỉa hè, lề đường. Để đáp ứng nhu cầu này, một bộ phận người lao động làm đã tìm đến vỉa hè để mưu sinh.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho biết: “Trong “kinh tế vỉa hè” có cả câu chuyện về văn hóa, lịch sử truyền thống. Nếu ở Hà Nội thiếu vắng bóng dáng của những người kinh doanh buôn bán gắn liền với vỉa hè thì sẽ mất đi cái rất riêng của thành phố”.

Dưới góc độ người tiêu dùng, ông Lê Văn Quân (phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Tôi rất thích ăn phở và các món ăn đường phố. Đây là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân Hà Nội. Các quán ăn vỉa hè vừa tiện lợi, giá cả phải chăng, vừa mang lại không khí gần gũi. Vỉa hè không chỉ là nơi bán đồ ăn mà còn là không gian giao lưu, gặp gỡ bạn bè. Ngoài thưởng thức phở, tôi còn thường xuyên ngồi cà phê vỉa hè vì giá rẻ và thoải mái”. 

Nhếch nhác, không đảm bảo an toàn vệ sinh

“Kinh tế vỉa hè” và sự nhếch nhác của đô thị - 2

Các cửa hàng kinh doanh tận dụng vỉa hè làm chỗ đỗ xe, gây cản trở giao thông. Ảnh: Thùy Hương

Dù mang lại nhiều lợi ích về kinh tế và văn hóa, “kinh tế vỉa hè” cũng đặt ra không ít thách thức, đặc biệt là về mỹ quan đô thị và vệ sinh môi trường.

Dạo quanh các con phố hàng ăn nổi tiếng ở Hà Nội như: Tống Duy Tân, Hàng Buồm, Đường Thành, Tạ Hiện, Bát Đàn, Tô Hiệu, Phạm Ngọc Thạch... không hiếm gặp cảnh các cửa hàng ăn uống với bàn ghế đặt sát nhau trên vỉa hè gây cản trở người đi bộ;

Chưa kể bát đũa, cốc chén, giấy ăn vứt bừa bãi, vừa không đảm bảo vệ sinh vừa gây mất mỹ quan đường phố. Một số quán không có hệ thống xử lý nước thải khiến dầu mỡ, nước thải lênh láng mặt đường rất  mất vệ sinh, ảnh hưởng chất lượng sống người dân.

Nhiều năm qua, Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp dọn dẹp và quy hoạch lại vỉa hè nhưng gặp không ít khó khăn vì lượng người kinh doanh đông. Ngoài ra, nhiều người dân đã quen với việc mua bán trên vỉa hè nên các biện pháp này chưa nhận được sự đồng thuận từ người dân. Sự phát triển quá mức của “kinh tế vỉa hè” cũng làm gia tăng vấn đề ùn tắc giao thông, đặc biệt là vào giờ cao điểm. Các quầy hàng chiếm dụng vỉa hè, lòng đường khiến người đi bộ phải đi xuống lòng đường, gây cản trở phương tiện. 

Theo kiến trúc sư, chuyên gia quy hoạch đô thị Đặng Thị Minh, vỉa hè vốn là không gian công cộng dành cho người đi bộ nhưng bị lấn chiếm bởi hoạt động kinh doanh khiến nhiều người phải đi xuống lòng đường. Điều này không chỉ làm mất mỹ quan đô thị mà còn gây cản trở giao thông.

Để giải quyết vấn nạn này cần có sự tham gia của các bên liên quan trong việc tái cấu trúc không gian vỉa hè. Những khu vực buôn bán trên vỉa hè nên được quy hoạch rõ ràng, giúp bảo tồn nét văn hóa mà không ảnh hưởng xấu đến giao thông và cảnh quan.

TS Võ Trí Thành đánh giá, việc sử dụng vỉa hè cho hoạt động văn hóa, kinh doanh những năm qua khá tự do, thiếu cách thức quản lý phù hợp đã ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, gây ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm.

Vì vậy, các thành phố lớn, trong đó có Hà Nội, TPHCM đã tổ chức các đợt ra quân “giành lại vỉa hè cho người đi bộ” nhằm lập lại trật tự kỷ cương, dọn dẹp vỉa hè một cách quyết liệt. Tuy nhiên, sau một thời gian, tất cả lại... đâu vào đấy. 

“Kinh tế vỉa hè” và sự nhếch nhác của đô thị - 3

Nhiều hàng quán tại Hà Nội vừa luộm thuộm, vừa xả rác ra lòng đường làm mất vệ sinh, mất mỹ quan đô thị.  Ảnh Đình Huy

Với những trải nghiệm của mình về thức ăn đường phố tại một số quốc gia trên thế giới và thực tế tại Việt Nam, TS Nguyễn Văn Đáng cho rằng với nhu cầu xã hội, việc xử lý hàng rong vỉa hè bằng mệnh lệnh hành chính là khó khả thi.

Bên cạnh đó, vấn đề vệ sinh thực phẩm là một trong những mối quan tâm hàng đầu đối với kinh doanh vỉa hè, đặc biệt là quầy hàng ăn uống. Do không có sự kiểm soát chặt chẽ về vệ sinh, nhiều quầy hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm, gây nguy cơ xấu cho sức khỏe người tiêu dùng. Đây cũng là lý do khiến chính quyền nhiều đô thị thực hiện các chiến dịch kiểm tra và dẹp bỏ quầy hàng không đảm bảo vệ sinh.

Mặc dù thích các món ăn đường phố, song chị Nguyễn Vân Anh (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn luôn lo ngại về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đối với những món ăn bán trên đường phố.

“Nhiều quán không đảm bảo vệ sinh nên dù thích nhưng tôi cũng khá dè chừng khi thưởng thức các món ăn. Ngoài ra, việc buôn bán tràn lan trên vỉa hè đôi khi gây ùn tắc giao thông và xả rác thải. Nếu vỉa hè được tổ chức lại gọn gàng và sạch sẽ, chắc chắn sẽ tốt hơn cho cả người bán lẫn người mua. Chính quyền cần có biện pháp kiểm tra thường xuyên để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng”, chị Vân Anh chia sẻ.

“Kinh tế vỉa hè” là một phần không thể thiếu của đời sống đô thị, góp phần vào sự phát triển kinh tế và bảo tồn văn hóa ẩm thực địa phương. Tuy nhiên, để “kinh tế vỉa hè” phát triển bền vững và hòa nhập vào đời sống đô thị hiện đại cần có những giải pháp quản lý hiệu quả từ phía chính quyền, cùng sự hợp tác của người dân. Nhờ đó, vỉa hè không chỉ là nơi kinh doanh mà còn là không gian sống động, phản ánh tinh thần và bản sắc của đô thị.

Lao động và xã hội
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang