Kinh tế Trung Quốc: Còn nhiều lợi thế thúc đẩy tăng trưởng

Kinh tế Trung Quốc: Còn nhiều lợi thế thúc đẩy tăng trưởng

Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, có đóng góp trung bình 30% vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trung Quốc cũng đồng thời là thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới, có mối liên hệ lớn về thương mại, đầu tư và tài chính với nhiều nền kinh tế. Vì lẽ đó, sự phục hồi hay tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc luôn là chủ đề thu hút nhiều sự quan tâm của nhân sĩ các giới.

Nguồn:Tạp chí Thời Đại

Trao đổi với Đài CGTN, chuyên gia kinh tế, TS.Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam) - cho rằng, tình hình kinh tế Trung Quốc rất quan trọng với Việt Nam vì Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và đối tác đầu tư lớn thứ năm của Việt Nam, chưa kể mối quan hệ hợp tác về du lịch, giao lưu nhân văn mật thiết giữa hai nước.

Kinh tế Trung Quốc: Còn nhiều lợi thế thúc đẩy tăng trưởng

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh.

“Thời gian gần đây, kinh tế Trung Quốc phải đối mặt với với nhiều thách thức. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan thì trong bối cảnh điều kiện bên ngoài nhiều trắc trở, rủi ro khó đoán định như hiện nay, đây là vấn đề các nền kinh tế ‘mở’ nói chung đều gặp phải chứ không riêng gì Trung Quốc,” TS. Võ Trí Thành nói.

Chuyên gia Việt Nam cho rằng, ngoài các vấn đề dài hạn như dân số, chu kỳ tăng trưởng…, nền kinh tế Trung Quốc hiện nay đang có hai vấn đề lớn nhất: những điều chỉnh của thị trường bất động sản và nhu cầu nội địa chưa đủ lớn.

Theo TS. Võ Trí Thành, không ngạc nhiên khi Trung Quốc duy trì chính sách tiền tệ khá “lỏng” để hỗ trợ cho nền kinh tế ở giai đoạn này, vừa là để xử lý các vấn đề tài chính - bất động sản, vừa để tạo thêm sức mua trong nước. Theo ông, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra hàng loạt giải pháp trong các lĩnh vực để giải quyết khó khăn trước mắt và lành mạnh hoá cơ cấu kinh tế trong dài hạn.

TS. Võ Trí Thành đánh giá, trong những tháng cuối năm, vẫn còn nhiều lợi thế thúc đẩy kinh tế Trung Quốc tăng trưởng. Nổi bật nhất, thương mại hàng hoá Trung Quốc vẫn tiếp tục khẳng định khả năng phục hồi mạnh mẽ. Số liệu do Tổng cục Hải quan công bố vào ngày 10/9 cho thấy, tính theo Nhân dân tệ, tổng giá trị xuất nhập khẩu thương mại hàng hóa của Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm nay là 28,58 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thống kê những năm gần đây cho thấy, về thị trường xuất khẩu của Trung Quốc, tỷ trọng các nước phát triển và đang phát triển đã trở nên cân bằng hơn. Cụ thể, tỷ trọng của các nước phát triển trong ngoại thương của Trung Quốc đang giảm dần, trong khi tỷ trọng của các nước đang phát triển đang tăng lên. Từ năm 2020, ASEAN đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Nhiều doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc đã đến các nước ASEAN để phát triển thị trường, đầu tư và đưa các công ty vươn ra toàn cầu. Việc khai thác các thị trường đang phát triển với sức mua vẫn đang tăng nhanh như ASEAN phần nào giúp đảm bảo động lực cho ngoại thương Trung Quốc.

Ngành dịch vụ cũng được cho là lĩnh vực còn nhiều tiềm năng của Trung Quốc trong bối cảnh hiện nay. Lĩnh vực này đang có đà tăng trưởng tốt, các ngành dịch vụ hiện đại như sản xuất dịch vụ truyền tải thông tin, phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin tăng trưởng nhanh. Đặc biệt là về du lịch, các chuyến du lịch nội địa trên cả nước và tổng chi tiêu đi lại của khách du lịch nội địa Trung Quốc duy trì tốc độ tăng trưởng khả quan. Một ví dụ gần đây nhất là cơn sốt du lịch văn hoá tới các địa phương là nguyên mẫu đời thực của bối cảnh trong game “Hắc Thần Thoại: Ngộ Không” như Sơn Tây, Chiết Giang, Giang Tô…

“Việc mở rộng ngành dịch vụ cũng có thể giúp nhiều người có việc làm hơn, đặc biệt là những người trẻ tuổi. Việc phân bổ lại nguồn lực cho lĩnh vực dịch vụ đã giúp thúc đẩy năng suất trong hai thập kỷ qua và vẫn có thể tiếp tục như vậy trong những năm tới nếu các cải cách hỗ trợ được thực hiện,” chuyên gia Võ Trí Thành nhận định.

Các chính sách khuyến khích tiêu dùng sản phẩm công nghệ cao với số lượng lớn cũng bắt đầu phát huy tác dụng. Đáng chú ý là các chương trình ưu đãi để khuyến khích người tiêu dùng thay thế các thiết bị gia dụng cũ bằng các thiết bị mới, cũng như chương trình đổi xe cũ lấy xe năng lượng mới. Trung Quốc đã bán được hơn một triệu xe điện trong tháng 8 vừa qua, trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đạt được thành tích này chỉ trong một tháng, theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Rho Motion. Tính tới hết tháng 8, doanh số bán xe điện ở Trung Quốc đã tăng 33% so với năm ngoái và được dự báo sẽ còn tăng mạnh vào cuối năm.

Theo dự báo của nhiều cơ quan, trong đó có Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF), Trung Quốc vẫn có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP quanh 5% đặt ra từ đầu năm. Tính chung nửa đầu năm 2024, kinh tế tăng 5,0% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Với những điều tiết vĩ mô đang được tăng cường và hàng loạt biện pháp cải cách, hỗ trợ tích cực, Trung Quốc hoàn toàn có khả năng thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng hợp lý về lượng và cải thiện về chất lượng,” chuyên gia Võ Trí Thành bày tỏ.

Tạp chí Thời Đại
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang