Ai hưởng lợi nếu áp thuế chống bán phá giá thép cán nóng Trung Quốc?

Ai hưởng lợi nếu áp thuế chống bán phá giá thép cán nóng Trung Quốc?

Nếu đề xuất áp thuế chống bán phá giá thép cán nóng Trung Quốc được áp dụng, các nhà sản xuất nội địa như Hòa Phát, Formosa sẽ độc quyền về giá và nguồn cung sản phẩm.

Nguồn:Viettimes

Ai hưởng lợi nếu áp thuế chống bán phá giá thép cán nóng Trung Quốc?

Việc Tập đoàn Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh gửi hồ sơ đến Bộ Công Thương đề nghị điều tra chống bán phá giá sản phẩm thép cán nóng (HRC) nhập từ Trung Quốc, Ấn Độ nhận nhiều ý kiến trái chiều từ các doanh nghiệp ngành thép trong nước. Câu hỏi được đặt ra là có nên áp thuế chống bán phá giá thép cán nóng Trung Quốc? Nếu quyết định này được áp dụng, ai sẽ là người hưởng lợi nhiều nhất?

Vì sao thép cán nóng Trung Quốc phủ sóng?

Theo khảo sát, giá bán thép cán nóng tại Việt Nam tháng 4 (giao hàng tháng 6) vào khoảng 550 USD/tấn; giá tháng 5 (giao hàng tháng 7) khoảng 570 USD/tấn. Giá thép cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam thường thấp hơn giá trong nước khoảng 20 USD/tấn.

So sánh với các quốc gia khác, giá thép cán nóng nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam thấp hơn 32 - 59 USD/tấn và thấp hơn 123 USD/tấn với giá nhập từ Hàn Quốc.

Sự chênh lệch cạnh tranh về giá này đã giúp thép cán nóng Trung Quốc chiếm độ phủ khá lớn so với các nước khác khi nhập vào Việt Nam. Theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan, tháng 5/2024, tổng lượng sản phẩm thép cán nóng nhập khẩu từ các thị trường đạt mức 1,1 triệu tấn, tăng 20% so với tháng 4. Riêng thép cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 75% với hơn 830 nghìn tấn.

giá..png

Lũy kế cả 5 tháng đầu năm, sản phẩm thép cán nóng từ các nước nhập vào Việt Nam đạt hơn 5 triệu tấn, kim ngạch đạt gần 3 tỷ USD, gần gấp đôi so với lượng sản xuất trong nước.

Trong đó, sản lượng thép cán nóng nhập từ Trung Quốc đạt gần 3,7 triệu tấn, chiếm gần 75% tổng lượng sản phẩm nhập vào Việt Nam với kim ngạch trị giá hơn 2,1 tỷ USD. Với mức kim ngạch này, giá thép cán nóng từ Trung Quốc thấp hơn các quốc gia khác từ 48 - 186 USD/ tấn.

Trái ngược với mức tăng trưởng của thép cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc, doanh nghiệp nội địa bị sụt giảm mạnh cả về sản xuất lẫn tiêu thụ. Báo cáo tình hình sản xuất – bán thép thành phẩm của Hiệp hội Thép Việt Nam tháng 4/2024 cho thấy, sản xuất trong nước đạt gần 396.000 tấn; sản lượng tiêu thụ nội địa đạt khoảng 492.000 tấn, lần lượt giảm 38,1% và 16,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Nhìn về lịch sử thị trường thép cán nóng hai năm gần đây, năm 2022, lượng nhập khẩu từ Trung Quốc đạt hơn 3 triệu tấn. Đến năm 2023, lượng nhập khẩu đã tăng lên hơn 5,72 triệu tấn, tăng hơn 47%.

Ở chiều ngược lại, năm 2022, thị phần sản phẩm thép cán nóng của Hòa Phát và Formosa đạt 45% trong tổng thị phần cả nước, nhưng đến năm 2023, thị phần sản xuất tại thị trường nội địa đã giảm xuống chỉ còn 30%.

"Hoà Phát, Formosa thường bán thép cán nóng với giá cao hơn giá nhập khẩu"

Nhóm các doanh nghiệp là khách hàng trong nước cho rằng lượng cung nội địa thực tế không đủ đáp ứng. Theo Dữ liệu Hải quan và Báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam ghi nhận, năm 2022 và 2023, tổng nhu cầu thép cán nóng tại Việt Nam ổn định ở mức hơn 11,5 triệu tấn/năm.

Trong đó, lượng sản phẩm mà Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh bán cho các doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam trong năm 2022, 2023 lần lượt là 4,9 triệu tấn và 3,4 triệu tấn. Như vậy, lượng thép cán nóng nội địa đang chỉ đáp ứng được 42,3% và 30% nhu cầu của toàn Việt Nam.

Trong 2 năm qua, các doanh nghiệp thép trong nước đã nhập khẩu thép cán nóng lần lượt là 6,6 triệu tấn và 8,2 triệu tấn, tăng 1,55 triệu tấn, xấp xỉ so với mức giảm của nguồn cung nội địa.

Căn cứ số liệu này, sau khi Hòa Phát và Formosa gửi đơn yêu cầu điều tra chống bán phá giá sản phẩm thép cán nóng Trung Quốc, 12 doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam đã có văn bản lập luận phản biện đối với khả năng khởi xướng điều tra.

12 doanh nghiệp phản đối chống bán phá giá gồm: Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen, Công ty Cổ phần Thép Nam Kim, Công ty Cổ phần Tôn Đông Á, Công ty Cổ phần Thép TVP, Công ty Tôn Phương Nam, Công ty Cổ phần Tôn Pomina, Công ty Cổ phần Sản xuất Thép Vina One, Công ty Cổ phần Sản xuất Kinh doanh Thép Việt Nhật, Công ty Cổ phần Kim khí Nam Hưng, Công ty Cổ phần Thép Bình Dương, Công ty TNHH Sản xuất Lê Phan Gia Bình Dương, Công ty Cổ phần Thép Việt Thành Long An.

Tập thể 12 doanh nghiệp cho rằng trong khi tổng nhu cầu thép cán nóng 2 năm qua gần như không đổi, nhưng nguồn cung giảm gần 1,5 triệu tấn, nên lượng nhập khẩu bắt buộc phải tăng 1,55 triệu tấn tương ứng với lượng giảm của cung nội địa để đáp ứng nhu cầu sản xuất.

Lý giải thêm về lượng nhập thép cán nóng từ Trung Quốc tăng lên so với các quốc gia khác, tập thể các doanh nghiệp chỉ ra đây là quy luật thị trường. Trong năm 2023, sản phẩm thép cán nóng do Trung Quốc sản xuất có chất lượng tốt, giá bán hợp lý nên được nhập nhiều hơn là hoàn toàn bình thường.

Trước đó, nhóm 7 doanh nghiệp (Hoa Sen, Tôn Đông Á, Thép TVP, Thép Nam Kim, Phương Nam, Tôn Pomina, Vina One) đã có văn bản lập luận thép cán nóng Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam không bán phá giá.

Theo quy định trong trường hợp biên phá giá >2%, hàng hóa nhập khẩu được xác định là có bán phá giá và ngược lại. Tuy nhiên, theo tính toán của các doanh nghiệp, biên độ phá giá thép nhập khẩu chỉ 1,26%. 7 doanh nghiệp thép cũng chỉ ra thực tế Hoà Phát và Formosa thường bán thép cán nóng cho các doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam với giá cao hơn giá nhập khẩu.

“Hóa đơn mua hàng đầy đủ có thể chứng minh dữ liệu về giá bán thép cán nóng từ các nhà sản xuất Việt Nam luôn cao hơn so với giá nhập khẩu 10 – 20 USD/tấn, cao điểm có thể chênh lệch tới 40 – 50 USD/tấn. Như vậy hoàn toàn không có chuyện các nhà sản xuất Việt Nam phải giảm giá bán, giảm lợi nhuận để có thể cạnh tranh với sản phẩm nhập từ Trung Quốc", nhóm 7 doanh nghiệp này thông tin.

chênh lệch.png

Chênh lệch giá bán thép cán nóng của Hòa Phát và giá nhập khẩu từ Trung Quốc trong năm 2023. Số liệu do nhóm 7 doanh nghiệp tôn mạ tổng hợp.

Nhóm các doanh nghiệp có ý kiến đối lập cũng nêu ra căn cứ bác bỏ tư cách nguyên đơn của Hòa Phát với luận điểm "Hòa Phát có sản xuất và bán nội địa, bán xuất khẩu 4 mác thép cán nóng mà các công ty con của Hòa Phát nhập khẩu từ Trung Quốc trong giai đoạn 1/1/2019 – 29/2/2024, do đó Hòa Phát không được xem là nhà sản xuất trong nước".

Với diễn biến trên, nếu đề xuất áp thuế chống bán phá giá thép cán nóng Trung Quốc được áp dụng, nhà sản xuất nội địa (Hòa Phát, Formosa) sẽ được độc quyền về giá cả và nguồn cung sản phẩm. Điều này gây bất lợi cho nhóm các doanh nghiệp tôn mạ và ống thép trong nước.

Bởi thép cán nóng là nguyên liệu chính sản xuất tôn thép mạ kẽm, mạ lạnh, mạ màu, ống thép, các sản phẩm thép khác được sử dụng trong nhiều ứng dụng của ngành xây dựng, cơ khí và các ngành công nghiệp khác. Bất kỳ diễn biến bất lợi nào xảy ra với nguồn nguyên liệu cũng có thể gây ảnh hưởng cực kỳ trầm trọng đến toàn ngành thép.

Do đó, nhóm các doanh nghiệp tôn mạ lo ngại “khả năng độc quyền và chi phối giá cả sẽ dẫn đến giá nguyên liệu bị đẩy lên quá cao khiến toàn ngành tôn mạ và ống thép sụp đổ, trong khi hiện nay chưa áp thuế chống bán phá giá mà các nhà sản xuất thép cán nóng Việt Nam đã đang bán cho các công ty trong nước với mức giá cực kỳ cao”.

thep-cuon-can-nong.jpg

Thép cán nóng là nguyên liệu chính sản xuất tôn thép mạ kẽm, mạ lạnh, mạ màu, ống thép, các sản phẩm thép khác. Ảnh: HPG.

Hòa Phát và Formosa là 2 doanh nghiệp duy nhất sản xuất được thép cán nóng tại Việt Nam với thị phần gần 80% ngành HRC nội địa, chỉ khoảng 20% còn lại được cung cấp bởi các công ty thương mại nhập khẩu.

“Với lợi thế này, các nhà sản xuất nội địa thường xuyên có những hành vi áp đặt giá bán, ấn định khối lượng mua tối đa cho khách hàng, hay còn gọi là mức trần sản lượng mà khách hàng có thể mua, hoàn toàn không có chuyện các công ty tôn mạ và ống thép được quyền mua thép cán nóng từ Hòa Phát và Formosa theo nhu cầu thực tế”, nhóm các doanh nghiệp tôn mạ bất bình lên tiếng.

Giá thành sản phẩm không phải yếu tố duy nhất được xem xét

Chia sẻ với VietTimes về góc nhìn nên hay không thực hiện quyết định áp thuế chống bán phá giá thép cán nóng Trung Quốc, các luật sư, chuyên gia đều cho rằng cần có sự cân đối lợi ích thận trọng giữa các bên liên quan.

Theo quan điểm của luật sư Nguyễn Tiến Lập, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, thành viên Văn phòng luật sư NHQuang và Cộng sự, việc các doanh nghiệp sản xuất thép cán nóng (Hòa Phát, Formosa) nộp đơn lên Bộ Công Thương yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với những mặt hàng nhập khẩu nhất định là quyền của họ trên cơ sở quy định của pháp luật.

Điều kiện đặt ra là 2 doanh nghiệp này phải chứng minh được mình đại diện cho một nhóm doanh nghiệp hay ngành hàng trong nước đã chịu thiệt hại thực tế phát sinh từ việc bán phá giá bất hợp lý cho mục đích đạt được lợi thế cạnh tranh.

Tuy nhiên, để ban hành quyết định áp thuế chống bán phá giá, Chính phủ, Bộ Công Thương sẽ tiến hành các thủ tục điều tra, xác minh các cáo buộc về bán phá giá theo các quy trình và thời gian do luật định.

luat-su-nguyen-tien-lap.jpeg

Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Thành viên Văn phòng luật sư NHQuang và Cộng sự.

Ngoài ra, bởi đây là một quyết định về chính sách, Bộ Công Thương còn phải cân nhắc vấn đề trên cơ sở cân đối lợi ích của doanh nghiệp nộp đơn, của thị trường bao gồm nhiều doanh nghiệp khác và cả người tiêu dùng.

“Về sâu xa, mặc dù đây nguyên lý chính sách cơ bản của WTO nhưng là vấn đề phức tạp và nhạy cảm thậm chí hàm chứa mâu thuẫn. Mục đích áp thuế chống bán phá giá là để bảo vệ cạnh tranh công bằng của doanh nghiệp và hỗ trợ các quốc gia bảo hộ sản xuất trong nước. Tuy nhiên, tác động phụ của nó là ảnh hưởng bất lợi đến lợi ích của người tiêu dùng trong việc mua hàng giá rẻ, tức hưởng sản phẩm có cùng chất lượng với giá thấp hơn”, luật sư Nguyễn Tiến Lập phân tích.

Về lâu dài, việc bán phá giá cũng gây áp lực buộc doanh nghiệp trong nước phải đổi mới sáng tạo để hạ giá thành sản xuất nhằm duy trì tính cạnh tranh. Do đó, khi quyết định chấp nhận đơn đề nghị áp thuế chống bán phá giá, Bộ Công Thương sẽ xem xét toàn diện đến cả các khía cạnh này.

Bên cạnh đó, ông Lập cho rằng các doanh nghiệp chịu sự tác động của việc áp thuế chống bán phá giá cũng có quyền chính đáng nêu lên thiệt hại của mình khi quyết định này được thi hành. Các doanh nghiệp có thể cung cấp thông tin và đưa ra bằng chứng để thấy rằng đề nghị áp thuế chống bán phá giá là không có cơ sở. Tức là ngay trong quá trình điều tra, xác minh, các doanh nghiệp này được sử dụng quyền yêu cầu Bộ Công Thương tham vấn theo đúng quy định của luật.

“Mục tiêu quan trọng nhất là bảo đảm thương mại công bằng, không có yếu tố gian lận để trục lợi. Trong đó, vấn đề giá thành của sản phẩm không phải yếu tố duy nhất được xem xét, hơn thế, đó là sự bảo đảm công bằng trong quan hệ thị trường giữa tất cả các bên liên quan”, luật sư Nguyễn Tiến Lập nhấn mạnh.

Cần phải đánh giá thận trọng tác động của quyết định áp thuế chống bán phá giá cũng là quan điểm của TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh.

Ông Thành cho rằng, câu chuyện cạnh tranh sòng phẳng, bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp là nguyện vọng hoàn toàn bình thường, chính đáng của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần chuẩn bị về dữ liệu, thông tin đầy đủ và xem xét các khía cạnh pháp lý.

võ trí thành.png

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh.

“Tuy nhiên, câu chuyện của một doanh nghiệp lại nằm trong tổng thể cả ngành và chuỗi cung ứng chung nên cần sự phối hợp, nhìn nhận của các bên liên quan, nhất là các doanh nghiệp trong cùng ngành và các vấn đề được – mất cần cân nhắc. Do đó, vai trò của Nhà nước sẽ nhìn nhận các tác động nhiều chiều trong một tổng thể.

Nếu đúng có sự cạnh tranh không lành mạnh, bán phá giá ở đây thì cần có các biện pháp để cân bằng lại thị trường, bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp. Còn việc doanh nghiệp nộp đơn là hoàn toàn bình thường”, TS. Võ Trí Thành nói.

Viettimes
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang