Theo các thống kê, 100% doanh nghiệp quan tâm đến bảo hộ sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu. Tuy nhiên, chỉ 10% trong số đó quan tâm bảo hộ về kiểu dáng công nghiệp hay sáng chế. Không thể phủ nhận vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ hiện nay đã có những bước tiến đáng kể, tuy nhiên vẫn còn nhiều việc phải làm để nâng cao năng lực cho doanh nghiệp về bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Theo thống kê của Amazon, doanh nghiệp đã đăng kí bảo hộ nhãn hiệu sẽ tăng trưởng về doanh số gấp 13 lần. Để thúc đẩy doanh nghiệp chủ động đăng ký bảo hộ về nhãn hiệu, Amazon đã tạo ra những thuận lợi cho các nhãn hiệu đã được bảo hộ như trang bán hàng nổi bật, phim câu chuyện thương hiệu và quá trình sản xuất được đăng tải. Các công cụ trực tiếp bảo vệ doanh nghiệp trước các vi phạm sở hữu trí tuệ cũng được kích hoạt.
Ông Trịnh Khắc Toàn - Giám đốc miền Bắc Amazon Global Selling cho biết: "Chúng tôi có những công cụ như tạo ra những báo cáo về các vi phạm bản quyền giúp cho doanh nghiệp hoàn toàn có thể report thậm chí loại bỏ những danh mục hàng bán mà được phát hiện là vi phạm bản quyền".
Theo luật sư, những doanh nghiệp có sản phẩm đặc thù, gia tăng doanh số nhanh thì bắt đầu nên lưu ý thêm đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ với những nội dung khác như kiểu dáng công nghiệp hay sáng chế.
Ông Nguyễn Quang Hiếu - Luật sư điều hành Công ty Luật Refiny chia sẻ: "Do chi phí cao, nếu như họ có sản phẩm thực tế và mức độ cạnh tranh lớn thì lúc ấy đăng ký sở hữu công nghiệp và sáng chế".
Theo Bộ Công Thương, thực tế chi phí doanh nghiệp phải bỏ ra khi đăng ký nhãn hiệu quốc tế theo đúng quy trình không quá cao. Chỉ từ 300-350 USD/nhãn hiệu tại Mỹ. Tuy nhiên, doanh nghiệp thường phát sinh chi phí cao do thuê luật sư hoặc quá trình thẩm định chưa đạt và bị kéo dài. Bộ Công Thương vì vậy thiết kế chương trình Go Export để hỗ trợ hoàn toàn miễn phí cho các doanh nghiệp.
Ông Lê Đức Anh - Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương nêu ý kiến: "Chúng tôi đã hỗ trợ cho một số doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam và giúp họ có thể hiện diện trên sàn quốc tế sau khi họ lên được sàn quốc tế thì họ đã được vào danh sách lựa chọn tiêu chuẩn như Amazon choice của hệ thống Amazon. Điều đó giúp cho thương hiệu của doanh nghiệp được bảo vệ, bán hàng được tốt hơn".a
Sự đồng hành xuyên suốt của đội ngũ chuyên môn trong thời gian dài hạn sẽ giúp doanh nghiệp cắt giảm được chi phí tư vấn và vận hành đáng kể. Bên cạnh đó, những rủi ro do không am hiểu thị trường, quy định đăng ký quyền sở hữu nhãn hiệu của doanh nghiệp cũng sẽ được giảm thiểu.
Việc bảo vệ thương hiệu khi xuất khẩu trực tuyến không chỉ là một bước đi chiến lược để bảo vệ quyền lợi và hình ảnh của doanh nghiệp Việt Nam mà còn là cách thức hiệu quả để mở rộng thị trường. Doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt cơ hội này để nâng cao sức cạnh tranh và tạo dựng uy tín tại các thị trường lớn, từ đó nâng cao doanh số xuất khẩu.