Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 10 đã tăng trở lại sau 3 tháng liên tục giảm. Điều này cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp đang có niềm tin vào triển vọng kinh tế của đất nước và chớp mọi cơ hội tốt để đầu tư, kinh doanh.
Tín hiệu tích cực về doanh nghiệp đăng ký thành lập mới
Theo Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tháng 10.2024 đã tăng trở lại sau ba tháng sụt giảm liên tiếp (tháng 7.2024 giảm 6,3%; tháng 8.2024 giảm 15,2%; tháng 9.2024 giảm 16,3%) với gần 14,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Trong đó, số vốn đăng ký hơn 153,5 nghìn tỉ đồng và số lao động đăng ký gần 80,5 nghìn lao động. So với tháng 9.2024 tăng 26,5% về số doanh nghiệp, tăng 65,4% về vốn đăng ký và tăng 27,8% về số lao động.
Tính chung 10 tháng năm 2024, cả nước có hơn 202,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Bình quân một tháng có hơn 20,2 nghìn gia nhập và tái gia nhập thị trường.
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động 10 tháng năm 2024 đạt hơn 61,1 nghìn doanh nghiệp, trung bình mỗi tháng có hơn 6,6 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Riêng tháng 10.2024 ghi nhận số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng cao (sau khi giảm trong tháng 9.2024) với gần 8,6 nghìn doanh nghiệp trên phạm vi cả nước, tăng 33,5% so với tháng trước.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng - chuyên gia kinh tế đánh giá con số tích cực về các doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại thị trường cho thấy tổng cầu của nền kinh tế đang có xu hướng tăng lên.
Những hoạt động liên quan đến đầu tư công, đầu tư nước ngoài, thị trường xuất nhập khẩu những tháng cuối năm đang rất sôi động.
Thị trường bất động sản được tháo gỡ thông qua 3 Luật mới, đang dần phục hồi tạo điều kiện thúc đẩy các ngành sản xuất công nghiệp, vật liệu xây dựng phát triển. Ngoài ra, đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, góp phần thúc đẩy nhanh hơn lưu thông hàng hóa.
"Đặc biệt trong thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã rất tích cực, chủ động có các biện pháp, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất. Điều này cho thấy môi trường kinh doanh ở Việt Nam hiện nay đang có rất nhiều điểm tích cực với hàng loạt ưu đãi. Khi môi trường thuận lợi sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp phấn chấn đầu tư” - PGS.TS Nguyễn Thường Lạng cho hay.
Nỗ lực hoàn thành mục tiêu doanh nghiệp gia nhập thị trường
Để hoàn thành mục tiêu số doanh nghiệp gia nhập thị trường (thành lập mới và quay trở lại hoạt động) năm 2024 tăng ít nhất 10% so với năm 2023 theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 5.1.2024 của Chính phủ, trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện một số biện pháp hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng cho rằng, cần tiếp tục triển khai các chương trình đầu tư công, đầu tư nước ngoài, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thất nghiệp.
Đặc biệt là có những chính sách ưu đãi về thuế, giảm thủ tục hành chính hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo Tổng cục Thống kê, cần tập trung đa dạng hóa quan hệ thương mại và đầu tư theo hướng tận dụng cơ hội từ sự mở rộng của khối BRICS để tăng cường quan hệ kinh tế với những thành viên mới như Ả Rập Xê Út và UAE, đồng thời duy trì và phát triển quan hệ với các đối tác truyền thống.
Ưu tiên đẩy mạnh cải cách cơ cấu và nâng cao năng suất lao động thông qua việc cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Đồng thời nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong nước để tận dụng tốt hơn cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong các ngành kinh tế, đồng thời phát triển các ngành công nghiệp xanh, năng lượng tái tạo để nâng cao hiệu quả và tính bền vững của nền kinh tế.