Doanh nghiệp F&B thích ứng với xanh hoá

Doanh nghiệp F&B thích ứng với xanh hoá

Thích ứng với xu hướng "xanh hóa”, nhiều doanh nghiệp sản xuất thực phẩm, nước giải khát đang tìm cách cải tiến dây chuyền công nghệ. 

Nguồn:Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp

Nhiều quốc gia châu Âu đã đặt ra những quy định liên quan đến môi trường khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu, bao gồm chính sách tăng trưởng xanh châu Âu, thỏa thuận xanh châu Âu, kèm theo các chương trình như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), chiến lược từ trang trại đến bàn ăn (Farm to Fork), kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn…

Nhiều quốc gia châu Âu đã đặt ra những quy định liên quan đến môi trường khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu.

Theo quy định mới về CBAM, các nhà xuất khẩu sẽ phải báo cáo lượng khí thải có trong hàng hóa nhập khẩu, nếu lượng khí thải này vượt quá tiêu chuẩn của EU, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phải mua “chứng chỉ khí thải” theo mức giá carbon hiện nay tại EU.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh - Võ Trí Thành đánh giá, sản xuất thực phẩm, nước giải khát là ngành cạnh tranh khốc liệt, để có sự tăng trưởng đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư cơ sở vật chất và linh hoạt trong chiến lược kinh doanh.

Không chỉ đầu tư công nghệ, giải pháp xanh, hệ thống nhà máy sản xuất giảm khí thải carbon, mà còn phải chuyển đổi sản xuất bao bì xanh. Các nguyên liệu đầu vào đều phải thân thiện với môi trường, đồng thời có thể thu gom, tái chế bao bì dễ dàng.

“Để khẳng định vị thế trên thị trường, doanh nghiệp cần tập trung đầu tư công nghệ sản xuất, khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh của địa phương như nguồn nguyên liệu, nhân lực…. Đồng thời, chú trọng nghiên cứu phát triển những dòng sản phẩm cao cấp có lợi cho sức khỏe để đón đầu thị trường tiêu thụ phân khúc này”, ông Võ Trí Thành nhấn mạnh.

Là một trong những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm, có hoạt động sản xuất, chế biến tại nhà máy và tạo ra phát thải khí CO2, Công ty cổ phần Thực phẩm G.C (GC Food) đang áp dụng nhiều hình thức sử dụng năng lượng tái tạo như pin năng lượng mặt trời, sử dụng xe nâng bằng điện để thay thế cho xe sử dụng dầu, bổ sung nhiều cây trồng tại nhà máy, giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch từ xăng dầu…

Ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT GC Food cho biết, công ty xuất khẩu hàng hóa sang một số nước châu Âu. Các nhà nhập khẩu dù chưa bắt buộc phải báo cáo lượng khí thải, nhưng đã có yêu cầu phải cung cấp danh mục các hoạt động mà doanh nghiệp đang thực hiện nhằm giảm thiểu phát thải carbon ra môi trường.

“Tuy nhiên, trong thời gian tới, việc giảm phát thải khí carbon sẽ phải chứng minh bằng những số liệu cụ thể, chứ không đơn thuần là liệt kê những hoạt động mang tính chủ quan”, ông Nguyễn Văn Thứ nói.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Quản lý kinh doanh, Donaldson Filtration cho hay các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm đồ uống đang đầu tư công nghệ, giải pháp xanh trong các nhà máy, sử dụng các sản phẩm máy móc có tuổi thọ dài hơn, ít phát thải hơn. Từ đó góp phần tiết giảm chi phí sản xuất.

Cụ thể, những sản phẩm lọc khí dùng trong sản xuất thực phẩm và đồ uống đang nhận được nhiều đơn đặt hàng của các doanh nghiệp Việt Nam. Chẳng hạn, sản phẩm của công ty ông Tùng nhờ đáp ứng các tiêu chuẩn của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), chứng Tuân thủ Tiêu chuẩn Châu Âu (CE)… nên những tháng đầu năm đơn hàng tăng 20% so với cùng kỳ.

Theo quy định mới về CBAM, các nhà xuất khẩu sẽ phải báo cáo lượng khí thải có trong hàng hóa nhập khẩu.

“Chúng tôi vẫn nhìn thấy những tín hiệu tích cực từ thị trường thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam nhờ dân số tăng trưởng nhanh và nền kinh tế vĩ mô ổn định. Do vậy chúng tôi đang tập trung vào công nghệ để đi sâu vào lĩnh vực F&B”, ông Tùng nhấn mạnh.

Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang