Doanh nghiệp không nên chỉ trông chờ “cởi trói”, cần chủ động hướng đến cái mới, phải “chơi thật”

Doanh nghiệp không nên chỉ trông chờ “cởi trói”, cần chủ động hướng đến cái mới, phải “chơi thật”

Để gỡ nút thắt cho DN tư nhân phát triển, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, điều quan trọng nhất là cả chính sách và DN phải hướng đến cái mới.


Sau 30 năm Việt Nam thực hiện cải cách chuyển sang kinh tế thị trường, thực lực cơ cấu của nền kinh tế vẫn cải thiện chậm. Sản xuất GDP dựa chủ yếu vào thành phần kinh tế nhà nước (đóng góp 28%) và kinh tế hộ gia đình (đóng góp 32%). Tuy nhiên, cả hai thành phần chủ yếu tạo GDP này đều có sức cạnh tranh yếu, khó là trụ cột bảo đảm cho nền kinh tế năng lực hội nhập và cạnh tranh quốc tế thành công. Trong khi đó, kinh tế tư nhân trong nước, tuy về nguyên tắc phải là lực lượng đóng góp chủ yếu vào GDP thì sau 30 năm đổi mới, chỉ đóng góp chưa đến 10%.

“Tình trạng nền kinh tế hiện nay, nhìn từ góc độ cơ cấu các thành phần là đáng báo động. Đây là kết quả của một chiến lược phát triển nền kinh tế nhiều thành phần “có vấn đề”: phân biệt đối xử, không tôn trọng nguyên tắc thị trường, xác định vai trò, chức năng của các lực lượng kinh tế sai lệch kéo dài, làm méo mó môi trường kinh doanh thông qua các chính sách thiên lệch”, ông Thiên chỉ rõ.PGS. TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đánh giá: Kinh tế tư nhân 30 năm đáng lẽ đã phải "nở" ra rất nhanh nhưng thực tế theo thống kê năm 2018, khu vực này mới chỉ sản xuất ra được 7,8% GDP. Như vậy, với nền kinh tế mở cửa của Việt Nam mà khu vực tư chỉ đóng góp dưới 10% GDP, trong khi khu vực kinh tế nước ngoài (FDI) đóng góp tới 20% GDP, khoảng cách hai khu vực này khá xa nhau.

Đề cập sự “chậm lớn” của doanh nghiệp tư nhân (DNTN), GS. TS. Ngô Thắng Lợi - Trưởng Bộ môn Kinh tế Phát triển, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, nhận định, sức sống của các doanh nghiệp nhỏ và vừa không lâu bền thể hiện qua số lượng doanh nghiệp giải thể hàng năm liên tục tăng. Nguyên nhân chủ yếu do năng lực của bản thân khu vực tư nhân còn nhiều điểm yếu: quy mô doanh nghiệp quá nhỏ, quy trình công nghệ lạc hậu và rất lạc hậu, trình độ quản lý thấp, lao động hầu hết là chưa qua đào tạo…

Cần có các chính sách để hạn chế những đặc quyền, đặc lợi của các doanh nghiệp nhà nước để đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng. Trong đó, các chính sách nên tập trung vào việc tôn trọng quyền được kinh doanh và quyền tài sản của các doanh nghiệp tư nhân. Nghĩa là, các cơ quan quản lý cũng như các tổ chức kinh tế phải thực sự coi trọng doanh nghiệp tư nhân, không được xem thường họ với bất kỳ quy mô nào, các chính sách phải hướng vào doanh nghiệp tư nhân với tinh thần cải cách thủ tục, tiết kiệm thời gian, tiền bạc, không gây khó khăn cho họ, tạo điều kiện thuận lợi nhất giúp các doanh nghiệp có niềm tin, tạo động lực và sức bật cho phát triển.

Bên cạnh đó, cần thực hiện nhanh quá trình “cởi trói” cho DNTN thông qua cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh và bảo vệ hợp pháp của nhà đầu tư, tuyệt đối không đặt ra các rào cản, các điều kiện đầu tư kinh doanh bất hợp lý gây cản trở hoạt động của DNTN, quán triệt và thực hiện nghiêm nguyên tắc chính phủ kiến tạo, lấy doanh nghiệp làm động lực để thúc đẩy nền kinh tế.

Bên cạnh chính sách "cởi trói" cho doanh nghiệp tư nhân (DNTN), bản thân DNTN phải hướng đến cái mới, phải "chơi thật". TS. Võ Trí Thành nói: “Khi hướng đến cái mới, chúng ta không chỉ bắt kịp với những nước đi trước mà còn có cơ hội để đi cùng với thế giới. Trước kia chúng ta không biết rất nhiều điều thì thế giới lại biết; chúng ta biết ‘đôi điều’ thì thế giới lại biết ‘nhiều điều’. Gần như không có điều gì chúng ta biết mà thế giới lại không biết nên chúng ta thua và luôn cố gắng bắt kịp. Thế nhưng, có rất nhiều điều chúng ta không biết và thế giới cũng không biết nên ta có thể đi cùng”.

TS. Võ Trí Thành cho rằng, để hội nhập được, quan trọng nhất đối với các DN tư nhân là phải "chơi thật", bán được hàng và đứng vững được trên thị trường trong nước và thế giới.

"Điều này đòi hỏi các DN phải phát triển thực chất dựa trên năng lực của chính mình, thắng thật chứ không phải thắng giả vờ dựa trên những ưu đãi của Chính phủ. Khi nào các DN Việt Nam còn nhờ đến những ưu đãi này, nghĩ rằng mình kinh doanh ngành nghề gì thì được gì từ nhà nước thì khi ấy các DN chưa thể phát triển bền vững", ông Thành nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh cách mạng 4.0, các DN Việt cần nhanh chóng “tư duy lại, thiết kế và xây dựng lại”, ưu tiên và tận dụng nguồn lực để bắt kịp với sự chuyển dịch công nghệ, học hỏi kinh nghiệm để phát triển.

Về ứng phó với bất định, rủi ro, theo TS Võ Trí Thành, nguyên tắc chính là biến cái “bất định” thành cái “xác định”. DN cần học hỏi, chuẩn bị, sử dụng các công cụ phòng chống rủi ro và chấp nhận sai lầm. Nếu như các DN nhà nước với bộ máy cồng kềnh, lợi ích nhóm lớn rất khó chấp nhận sai lầm thì các DN tư nhân có lợi thế hơn trong việc dễ dàng đương đầu với rủi ro.

“Chấp nhận sai lầm cũng là một yếu tố quan trọng để từ đó các DN có thể rút ra những bài học kinh nghiệm và có được thành công. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế hội nhập như hiện nay, các DN tư nhân cần dám nghĩ, dám làm, không nên chờ đợi vào các ưu đãi từ Chính phủ. Yếu tố quyết định nhất đối với thành công của DN tư nhân không phải từ Chính phủ mà là chính bản thân họ”, ông Thành nêu quan điểm.

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang