Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa thông báo tăng mạnh thuế đối với một số hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc với trị giá 18 tỷ USD. Đợt tăng thuế mới dự kiến sẽ có hiệu lực trong khoảng thời gian từ nay tới năm 2026. Trước bối cảnh đó, chuyên gia kinh tế khuyến nghị doanh nghiệp (DN) Việt Nam, nhất là những DN tham gia xuất khẩu (XK) tích cực thực hiện các giải pháp để tận dụng dư địa thị trường, góp phần thúc đẩy XK theo hướng bền vững.
|
Chính phủ Mỹ dự kiến tăng thuế mạnh đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, trong đó có pin xe điện, chip máy tính, các sản phẩm y tế… Ảnh: NC st |
Ngày 14/5 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố loạt thuế nhập khẩu mới nhắm vào nhiều ngành hàng chiến lược đến từ Trung Quốc như: xe điện, chip máy tính và sản phẩm y tế, trong đó thuế xe điện tăng gấp 4 lần và lên mức hơn 100%. Thuế đối với tế bào quang điện dùng để chế tạo các tấm pin mặt trời được nâng từ 25% lên 50%. Thuế đối với một số sản phẩm thép, nhôm sẽ được nâng từ 0% lên 25%...
Cùng với quyết định áp thuế thêm với các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, Tổng thống Mỹ cũng giữ nguyên mức thuế đánh vào 300 tỷ USD sản phẩm Trung Quốc do người tiền nhiệm ông Donald Trump đưa ra trước đó nhằm bảo vệ sản xuất trong nước.
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, động thái này cho thấy căng thẳng thương mại giữa hai cường quốc kinh tế là Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục gia tăng. Căng thẳng thương mại giữa 2 nước này nổ ra năm 2018, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đánh thuế 50 tỷ USD đối với hàng hóa Trung Quốc XK vào Mỹ, để ngăn chặn những gì họ cho là hành vi thương mại không công bằng và hành vi vi phạm tài sản trí tuệ.
Cùng quan điểm, TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin thương mại thuộc Bộ Công Thương nhìn nhận, việc Mỹ quyết định đánh thuế thêm với hàng hóa của Trung Quốc với mức thuế suất cao cho thấy, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gay gắt hơn.
Theo một số chuyên gia kinh tế, việc Mỹ đánh thuế thêm đối với một số hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ ảnh hưởng nhiều chiều tới kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
TS. Lê Quốc Phương chỉ ra, về mặt tích cực, khi Mỹ tăng thuế với một số sản phẩm của Trung Quốc, hàng hóa nhập khẩu từ quốc gia này vào thị trường Mỹ sẽ giảm. Đặc biệt, nếu những mặt hàng bị đánh thuế lại là những sản phẩm Việt Nam có thế mạnh thì đây là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy XK vào thị trường Mỹ. Bởi lâu nay, hàng Trung Quốc được xem là “đối thủ nặng ký” của Việt Nam ở thị trường Mỹ.
“Tuy nhiên, cơ hội chỉ thực sự đến khi Việt Nam có những mặt hàng XK tương ứng (mặt hàng mà Mỹ tăng đánh thuế Trung Quốc) để XK vào Mỹ; đồng thời, mặt hàng đó phải có sức cạnh tranh với việc đáp ứng tốt các yêu cầu kỹ thuật cũng như có giá cả cạnh tranh”, ông Phương phân tích.
Một diễn biến cần lường trước là các mặt hàng của Trung Quốc không XK được sang Mỹ thì họ sẽ tìm cách để XK sang các nước khác, trong đó có Việt Nam, gây áp lực với hàng hóa sản xuất trong nước. “Cùng với đó, nguy cơ hàng hóa Trung Quốc tràn vào Việt Nam, giả danh xuất xứ hàng Việt Nam để XK sang Mỹ cũng có thể xảy ra”, ông Phương cảnh báo.
Đồng quan điểm, TS. Võ Trí Thành cho rằng, căng thẳng thương mại giữa hai cường quốc kinh tế có thể tác động bất lợi đến XK của Việt Nam vì trong quá khứ đã có những lo ngại về khả năng hàng Trung Quốc dán nhãn “Made in Việt Nam” để tránh thuế của Mỹ. Nếu Việt Nam không kiểm soát chặt chẽ vấn đề này, rất có thể Mỹ sẽ áp dụng những biện pháp trừng phạt tương tự như đối với Trung Quốc. Điều này rất nguy hiểm vì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Việt Nam, trong đó có những DN làm ăn chân chính.
Từ những phân tích trên, các chuyên gia thương mại khuyến nghị, một mặt, Việt Nam cần phải siết chặt kiểm soát với hàng hóa nhập khẩu để chống gian lận thương mại, xử lý nghiêm sai phạm. Mặt khác, cần đẩy mạnh XK những hàng hóa Việt Nam có thế mạnh.
“Đối với những mặt hàng khác chúng ta chưa có thế mạnh XK thì cần nhanh chóng có những động thái mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa để tạo dựng nền tảng và thúc đẩy XK như ngành công nghiệp công nghệ bán dẫn”, ông Phương gợi ý.
Nêu định hướng ứng xử trong bối cảnh đó, TS. Thành gợi ý, để tận dụng được cơ hội, trước hết các DN cần minh bạch, nghiêm túc thực hiện các cam kết quốc tế. Hai là, khi có vấn đề, chúng ta phải giải trình theo đúng thông lệ, cam kết quốc tế. “DN muốn có thị trường, sức cạnh tranh thì cần phải kinh doanh đàng hoàng, minh bạch, liêm chính”, TS. Thành nhấn mạnh.