Đại diện Cục Quản lý cạnh tranh nêu rõ, việc ban hành Luật Cạnh tranh đã tạo hành lang pháp lý quan trọng nhằm duy trì môi trường cạnh tranh bình đẳng, công bằng; bảo đảm lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng và tăng cường hiệu quả kinh tế. Tại Việt Nam, Luật Cạnh tranh được ban hành năm 2004 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1.7.2005. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực thi, một số quy định của Luật Cạnh tranh đã phát sinh những vướng mắc, bất cập. 

Việc xây dựng hệ thống pháp luật bảo đảm cạnh tranh minh bạch, bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế là một trong những nội dung quan trọng đã được đề cập trong văn kiện của Đảng nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, việc xây dựng và ban hành Luật Cạnh tranh được coi là trụ cột trong hệ thống pháp luật kinh tế công. 

Nhìn lại quãng thời gian hơn 10 năm kể từ khi Luật Cạnh tranh được ban hành và thực thi, đại diện Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, so với nhiều quốc gia trên thế giới, Luật Cạnh tranh của Việt Nam được ban hành chưa lâu và các cơ quan cạnh tranh của Việt Nam cũng còn rất non trẻ, cần tiếp tục học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác để xây dựng và củng cố bộ máy hoạt động, đào tạo nhân lực…

Tại Hội thảo, các chuyên gia đến từ Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản đã chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi về: Xác định thị trường liên quan; xác định sức mạnh thị trường; kiểm soát tập trung kinh tế; cơ chế xử lý nhanh trong các vụ việc cạnh tranh… Qua những bất cập trong quy định của Luật Cạnh tranh Việt Nam hiện nay, các chuyên gia đưa ra nhiều ý kiến góp ý đối với định hướng sửa đổi, bổ sung đối với Luật Cạnh tranh cho phù hợp với tình hình của Việt Nam.

Theo ĐBND

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang