Công tác phòng chống lao tại Bình Thuận năm 2024 đạt nhiều kết quả tích cực; đặc biệt là mở rộng sàng lọc, phát hiện lao tiềm ẩn trong cộng đồng. Song song với đó, sự gia tăng số ca lao các thể, lao kháng thuốc và siêu kháng thuốc là bài toán khó.
Tình hình bệnh lao phổi tại Bình Thuận từ năm 2022 - 2024 có sự biến động về số lượng người mắc lao các thể và lao tiềm ẩn. Tổng số bệnh nhân lao phát hiện và thu nhận điều trị tăng dần qua từng năm, từ 2.031 bệnh nhân năm 2022 lên 2.511 bệnh nhân năm 2023 (tăng 23,7%); tiếp tục tăng lên 2.921 bệnh nhân năm 2024, tương ứng tăng 16,3% so với năm 2023. Theo báo cáo của chương trình chống lao quốc gia, năm 2024, số lượng phát hiện bệnh lao các thể là 2.921 người, chỉ chiếm tỷ lệ 57%, còn 43% số người mắc lao trong cộng đồng chưa được phát hiện kịp thời.
Trong đó, số ca lao các thể có sự gia tăng. Số bệnh nhân lao kháng thuốc, siêu kháng thuốc tại Bình Thuận là 59 người, tăng 47,5% so với năm 2023 (40 người) và 28,26% so với năm 2022 (46 người). Tính đến ngày 1/1/2025, có 68 bệnh nhân đang được quản lý điều trị và tái khám định kỳ. Dự kiến, số bệnh nhân lao kháng thuốc, siêu kháng thuốc 65 người năm 2025, 65 người năm 2026. Bên cạnh đó, số lượng bệnh nhân lao tiềm ẩn có sự gia tăng đột biến trong giai đoạn 2022-2024. Năm 2022, số bệnh nhân lao tiềm ẩn chỉ ở mức 212, nhưng tăng lên 598 năm 2023 và tiếp tục tăng mạnh lên 1.194 năm 2024, tương ứng tăng 99,7% so với năm 2023. Điều này thể hiện nỗ lực trong việc mở rộng chương trình sàng lọc và phát hiện lao tiềm ẩn, góp phần quan trọng vào việc kiểm soát nguồn lây.
Đáng chú ý, lao tiềm ẩn năm 2024 phát hiện 1.781 bệnh nhân nhưng thu dung điều trị 1.194 bệnh nhân đạt 67,04%. Tính đến nay (15/1/2025), số lượng bệnh nhân lao các thể, lao tiềm ẩn đang quản lý điều trị tại tỉnh Bình Thuận là 2.380 bệnh nhân gồm 1.301 người lao các thể và 1.079 người lao tiềm ẩn.
Từ số liệu trên cho thấy sự gia tăng số lượng bệnh nhân lao phổi, lao kháng thuốc và siêu kháng thuốc là một vấn đề đáng lo ngại, gây ra nhiều khó khăn cho công tác điều trị và quản lý bệnh lao. Bệnh nhân lao phổi và lao kháng thuốc, siêu kháng thuốc là nguồn lây nhiễm nguy hiểm trong cộng đồng, nếu không được phát hiện, quản lý và can thiệp kịp thời. Tuy nhiên, sự gia tăng này cũng cho thấy công tác sàng lọc, phát hiện lao tiềm ẩn đang được chú trọng hơn.
Cứ 1 người mắc lây 10 - 15 người
Bác sĩ chuyên khoa II (chuyên ngành lao phổi) Lê Hồng Vũ - Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh Bình Thuận, nhấn mạnh rằng: Lao tiềm ẩn không lây nhiễm trực tiếp. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, theo thời gian, lao tiềm ẩn tiến triển thành bệnh lao hoạt động, trở thành nguồn lây nhiễm mới trong cộng đồng trong những năm tiếp theo. Cứ 1 người mắc lao phổi có thể lây lan cho 10 - 15 người qua các hành vi như khạc nhổ bừa bãi, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Do đó, việc phát hiện sớm và điều trị dự phòng cho bệnh nhân lao tiềm ẩn là yếu tố then chốt để ngăn chặn sự lây lan của bệnh.
Theo bác sĩ Vũ, nguyên nhân gia tăng bệnh lao phổi chủ yếu do tăng cường khám sàng lọc lao chủ động trong cộng đồng và lồng ghép phát hiện lao trong dự án bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản (COPD và HPQ). Bệnh viện cũng không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu chẩn đoán lao và lao kháng thuốc, thu hút người bệnh đến điều trị. Sau đại dịch Covid-19, bệnh lao phổi bùng phát với tỷ lệ mắc cao; chủ yếu lây lan qua đường hô hấp. Đây là đường lây nhanh nhất và gần nhất không loại trừ người khỏe mạnh. Người khỏe mạnh cũng sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh lao nếu tiếp xúc với người mắc bệnh.
Bệnh viện Phổi tỉnh Bình Thuận là đơn vị tuyến tỉnh chuyên ngành lao và bệnh phổi, đóng vai trò là tuyến cuối trong điều trị các trường hợp lao phổi nặng như lao kháng thuốc, lao siêu kháng thuốc, lao màng não… từ các tuyến dưới chuyển lên. Đây là nơi thực hiện chẩn đoán và phát hiện sớm người mắc bệnh lao, đưa vào điều trị kịp thời để ngăn ngừa lây lan trong cộng đồng. Đồng thời, bệnh viện còn tiếp nhận và xử lý các trường hợp bệnh nhân đang điều trị lao gặp biến cố bất lợi hoặc tác dụng phụ của thuốc, đảm bảo người bệnh tuân thủ phác đồ điều trị, từ đó giảm tỷ lệ bỏ trị, thất bại, tái phát và đặc biệt là nguy cơ siêu kháng thuốc.
Bác sĩ Vũ chia sẻ: Để xây dựng một môi trường sống không còn bệnh lao, góp phần thực hiện thành công chiến lược chấm dứt bệnh lao vào năm 2030 tại Việt Nam theo Quyết định 374 của Thủ tướng Chính phủ (17/3/2014), Bệnh viện Phổi tỉnh Bình Thuận đẩy mạnh hoạt động phát hiện chủ động tại cộng đồng, tập trung vào các nhóm nguy cơ cao thông qua sàng lọc tích cực tại các cơ sở y tế. Việc này nhằm tối đa hóa khả năng phát hiện bệnh nhân lao trong cộng đồng, đưa vào điều trị sớm để cắt đứt nguồn lây, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng; qua đó giảm gánh nặng kinh tế cho cả bệnh nhân và xã hội.