Làm sao để phát triển thương hiệu từ một cơ sở kinh doanh nhỏ?

Làm sao để phát triển thương hiệu từ một cơ sở kinh doanh nhỏ?

Hiện doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh doanh và xây dựng thương hiệu, tuy nhiên câu chuyện thành công của cơ sở cà phê Long Triều đã khiến nhiều người tin tưởng vào tương lai lớn mạnh của những thương hiệu Việt có sản phẩm tốt.


Cái khó bó cái khôn

Theo các chuyên gia, thực trạng hiện nay của khối DNNVV khi đang gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu, đặc biệt khi sức tiêu thụ của thị trường giảm sút, nhiều DN phải chủ động thu hẹp sản xuất, hoạt động cầm chừng do chưa được người tiêu dùng biết tới, chưa có vốn đầu tư sản xuất, quảng bá thương hiệu, chưa mở rộng được kênh phân phối...

Xuất phát từ một cơ sở kinh doanh nhỏ và chưa có thương hiệu, ông Nguyễn Xuân Tồn - Giám đốc hãng cà phê Long Triều cũng rất vất vả với bài toán xây dựng thương hiệu và phân phối sản phẩm.

Sản phẩm của 19 doanh nghiệp vừa và nhỏ đã bắt đầu có mặt trên toàn Hệ thống siêu thị Big C cả nước

Sản phẩm của 19 doanh nghiệp vừa và nhỏ đã bắt đầu có mặt trên toàn Hệ thống siêu thị Big C cả nước

Câu chuyện khởi nghiệp từ rang xay cà phê bột đến với gia đình ông Tồn cũng rất tự nhiên từ cách đây gần 20 năm. Theo đó, khi mới lập gia đình, vợ ông có mở một quán cà phê tại nhà, vì muốn có nguồn hàng ổn định cho vợ bán, nên ông Tồn đã tự sản xuất cà phê rang xay làm sẵn. Nhiều người uống cà phê tự làm thấy ngon nên đặt hàng, dần dần gia đình ông thành cơ sở sản xuất cà phê rang xay và đem đi bỏ mối cho khách, được nhiều khách hàng ủng hộ.

"Thế nhưng, trong một thời gian dài khách mua hàng chỉ biết tên tôi chứ không hề biết tên sản phẩm mà tôi đang bán. Do đó, tôi bắt đầu nghĩ sản phẩm của mình phải có thương hiệu để khách hàng nhận diện chứ chỉ bán dựa vào việc quen mặt thì khó phát triển. Từ đây, quyết định lấy tên 2 người con là Long và Triều đặt tên cho sản phẩm và xin tranh vẽ của người bạn làm logo" - ông Tồn chia sẻ.

Sau khi có thương hiệu và logo, ông Tồn bắt đầu phát triển sản phẩm và đem hàng đi bán ở các kênh phân phối. Sản phẩm của ông Tồn khá thuận lợi ở kênh truyền thống do đã có mối quen biết từ trước, tuy nhiên kênh phân phối hiện đại lại là bài toán khó với doanh nghiệp của ông.

Theo ông Tồn, chỉ khi vào được kênh phân phối hiện đại thì sản phẩm mới có thể đem hàng đúng chất lượng đến tận tay người tiêu dùng. Còn bán ở chợ, quán cà phê, nhiều khi họ còn pha thêm tạp chất sẽ khiến mất vị cà phê đúng chuẩn của Long Triều.

Trước thực tế trên, khi đang loay hoay tìm giải pháp tháo gỡ thì thêm một lần nữa cơ hội lại đến với ông một cách tình cờ. Ông được Big C hỗ trợ đưa hàng vào siêu thị, đến nay, sản phẩm của ông đã được bày bán trên hầu hết hệ thống của nhà bán lẻ này.

Thương hiệu mới của các doanh nghiệp SME dễ dàng được người tiêu dùng chấp nhận khi được giới thiệu trực tiếp tại BigC

Thương hiệu mới của các doanh nghiệp SME dễ dàng được người tiêu dùng chấp nhận khi được giới thiệu trực tiếp tại BigC

Bên cạnh đó, thông qua chương trình “Đồng hành cùng thương hiệu Việt”, những DNNVV như Long Triều còn được hỗ trợ thiết kế bao bì, quảng bá thương hiệu rộng rãi ra cả nước, khu vực...

Nhờ sự hỗ trợ này, cơ sở sản xuất cà phê rang xay Long Triều đã phát triển lớn mạnh hơn trước. Khởi nghiệp từ cơ sở sản xuất chỉ 30 m2, đến nay đã phát triển lên tới 4.000 m2 với dây chuyền sản xuất được chứng nhận quản lý theo tiêu chuẩn ISO 2000. Đồng thời, hiện Long Triều có sản lượng tiêu thụ cà phê ở mức 10 - 11 tấn/tháng, một ao ước của nhiều DNNVV ở Việt Nam. Đồng thời, từ khi được phân phối ở hệ thống Big C, thương hiệu của ông đã được khách hàng cả nước biết đến, ưa chuộng và tin dùng.

Mở rộng tầm nhìn

Theo ông Nguyễn Xuân Tồn, DNNVV muốn xây dựng được thương hiệu phải có sự đồng hành giúp đỡ của các hệ thống phân phối, nhà quản lý... Có như vậy, doanh nghiệp mới đứng vững trên thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.

Ông Nguyễn Xuân Tồn - Giám đốc hãng cà phê Long Triều chia sẻ về câu chuyện xây dựng thương hiệu của công ty

Ông Nguyễn Xuân Tồn - Giám đốc hãng cà phê Long Triều chia sẻ về câu chuyện xây dựng thương hiệu của công ty

Đồng thời, trong bối cảnh biên giới quốc gia dần mờ nhạt trên bản đồ kinh tế, sự phát triển và sống còn của doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV phụ thuộc rất nhiều vào tầm nhìn của doanh nghiệp đó.

Theo bà Nguyễn Phi Vân, cố vấn nhượng quyền quốc tế, muốn tồn tại và phát triển bền vững, các doanh nghiệp cần mở rộng tầm nhìn đến thị trường quốc tế, để có thể lớn mạnh ngay trên sân nhà.

Đem so sánh câu chuyện của DNNVV với câu chuyện những người buôn thúng bán bưng ở một bến phà nọ, do không theo dõi “thời sự” nên không biết có dự án xây cây cầu bắc qua sông, để rồi cuối cùng khi cầu khánh thành, họ phải trở về với mảnh vườn quen thuộc vì không còn khách mua, bà Phi Vân cho rằng: “Không có doanh nghiệp lớn nào mà không bắt đầu khởi nghiệp từ doanh nghiệp nhỏ. Doanh nghiệp nhỏ không có nghĩa là nhỏ hoài, mà phải có tư duy lớn, từ đó huy động nguồn lực, xây dựng thương hiệu vươn ra thị trường khu vực và thế giới” - bà Vân nhấn mạnh.

Thấu hiểu thực tế đó, Central Group Việt Nam và Big C Việt Nam đã phát động chương trình "Đồng hành cùng thương hiệu Việt" từ tháng 10/2016 hướng đến các DN sở hữu quy mô vốn và nhân sự nhất định, nhưng có ý tưởng sản phẩm sáng tạo, đột phá.

Sau 4 tháng triển khai, đến nay, chương trình không chỉ giúp công ty Long Triều mà còn thu hút 20 DNNVV khác tham gia, đồng thời đạt được nhiều bước chuyển mình tích cực về nhận diện thương hiệu, bao bì, phân phối...

Những bước khởi động mạnh mẽ, thiết thực mà chương trình "Đồng hành cùng thương hiệu Việt" đã hỗ trợ DNNVV trong thời gian qua sẽ là nền tảng để Central Group Việt Nam và Big C cùng nghĩ, cùng làm với doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu trong tương lai.

Chương trình "Đồng hành cùng thương hiệu Việt" do Big C Việt Nam (Central Group Việt Nam) phát động từ tháng 10/2016 hướng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ đào tạo về thị trường bán lẻ, hỗ trợ tài chính; hỗ trợ về phân phối và hậu cần, hỗ trợ về truyền thông tiếp thị. Chương trình được thiết kế đặc biệt cho các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam, có quy mô vốn và nhân sự nhất định, thuộc tất cả các ngành thực phẩm và phi thực phẩm; hoặc các doanh nghiệp có những ý tưởng sản phẩm sáng tạo, đột phá.

Hiện có 67 sản phẩm của 19 nhà cung cấp nhỏ và vừa xuất hiện trên kệ của hệ thống siêu thị toàn quốc. Các sản phẩm được trưng bày bắt mắt, ở khu vực riêng để khách mua hàng dễ thấy, dễ chọn lựa.

Theo Dân trí

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang