Làm thế nào để ngành cao su Việt Nam tận dụng tốt các cơ hội thị trường?

Làm thế nào để ngành cao su Việt Nam tận dụng tốt các cơ hội thị trường?

Để tận dụng tốt các cơ hội từ thị trường sau Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), các doanh nghiệp ngành cao su Việt Nam phải có chiến lược phát triển bền vững.

 


Nhận định này được các chuyên gia đưa ra tại hội thảo Cơ hội từ CPTPP và kế hoạch hành động vì ngành cao su bền vững do Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 14/6.

Người dân chăm sóc cây cao su. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN

Ông Trần Ngọc Bình, Phó Trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực Tp. Hồ Chí Minh, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, ngành cao su có nhiều cơ hội nhưng cũng đối mặt nhiều áp lực cạnh tranh sau khi CPTPP đi vào thực thi. Cụ thể, đối với cao su thiên nhiên sau khi CPTPP có hiệu lực, thuế nhập khẩu vào các nước thành viên lập tức về 0%. 

Đây là cơ hội cho để cao su thiên nhiên Việt Nam mở rộng thị trường nhưng cũng chịu áp lực cạnh tranh gay gắt khi các nước sản xuất cao su tự nhiên đẩy mạnh xuất khẩu vào Việt Nam. Còn đối với sản phẩm cao su, các nước thành viên CPTPP có lộ trình cắt giảm khác nhau cho từng nhóm sản phẩm và loại bỏ hoàn toàn thuế quan trong vòng 16 năm. 

Theo ông Trần Ngọc Bình, để tận dụng các mức thuế ưu đãi theo cam kết, các doanh nghiệp cần nắm rõ và thực hiện đúng các quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa. Ngoài ra, để nâng cao giá trị cho gỗ cao su nguyên liệu và sản phẩm từ gỗ cao su, doanh nghiệp cần chứng minh nguồn gốc hợp pháp của gỗ thông qua các quy định, chứng chỉ quản lý rừng trồng một cách chặt chẽ và xuyên suốt. 

Tiến sĩ Trần Thị Thúy Hoa, Trưởng Ban tư vấn phát triển ngành cao su (VRA) cho biết, xu hướng chung của ngành cao su thế giới là cam kết phát triển bền vững theo các tiêu chí cải thiện năng suất, nâng cao chất lượng, hỗ trợ phát triển rừng bền vững, quản lý nguồn nước, tôn trọng nhân quyền và các quyền lao động… 

Trong xu hướng đó, ngành cao su Việt Nam muốn tận dụng hiệu quả các ưu đãi từ hội nhập để mở rộng thị trường cần tập trung xây dựng thương hiệu ngành cao su Việt Nam kết hợp với việc thực hiện nguyên tắc chất lượng, uy tín và tiêu chí phát triển bền vững. 

Theo đó, các doanh nghiệp phải đảm bảo duy trì chất lượng sản phẩm theo quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia hoặc cao hơn. Cùng đó, xây dựng uy tín thông qua việc tuân thủ pháp luật, thực hiện tốt chính sách về người lao động và trách nhiệm xã hội. 

Hơn nữa, hiệp hội ngành nghề cũng cần đẩy mạnh hợp tác công tư trong quản lý hướng tới phát triển bền vững, có trách nhiệm để ngành cao su duy trì hiệu quả kinh tế lâu dài, đóng góp hữu hiệu về cải thiện điều kiện xã hội và môi trường./.

Theo TTXVN

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang