Lo ngại căng thẳng vùng Vịnh leo thang, người dân Qatar đổ xô mua hàng tích trữ

Lo ngại căng thẳng vùng Vịnh leo thang, người dân Qatar đổ xô mua hàng tích trữ

Người dân Qatar đã vội vã tới các siêu thị để mua lương thực tích trữ sau khi các quốc gia vùng Vịnh cắt đứt quan hệ ngoại giao với Doha ngày 5/6.


Một người dân mua nước tích trữ ngày 5/6. Ảnh: AFP

Bất chấp giới chức Qatar trấn an người dân rằng không cần hoảng sợ trước quyết định này, nhiều người vẫn đổ xô tới các siêu thị xếp hàng dài để mua đồ tích trữ. Siêu thị Carrefour ở trung tâm thương mại City Center, một trong những khu mua sắm nhộn nhịp nhất ở thủ đô Doha, nhanh chóng chật ních người đến mua hàng. 

Người dân xếp lương thực thiết yếu như gạo, sữa, thịt gà vào các xe đẩy tại siêu thị. Anh Azir, một người Sri Lanka, một trong hàng trăm người đến mua hàng ở siêu thị nói:  “Tôi đang ngủ thì người nhà gọi từ Sri Lanka… Tôi đến đây vì cuộc khủng hoảng”.

 

Người dân ở Doha kéo đến các siêu thị mua đồ ngày 5/6. Ảnh: AFP

Qatar phụ thuộc rất lớn vào nguồn lương thực nhập khẩu từ các nước Vùng Vịnh. Qatar nhập khẩu nhiều thực phẩm từ Saudi Arabia trong đó có gà, và người dân nhanh chóng bàn tán trên mạng xã hội rằng họ sẽ phải ăn gà từ Oman. 

Ernest, đến từ Lebanon, thì nói rằng mình phải đến siêu thị mua đồ vì những người khác cũng chạy đi mua đồ tích trữ. "Đây là một vòng luẩn quẩn và tôi cần phải mua được pasta", anh Ernest nói khi đang dùng không chỉ một mà đến hai chiếc xe đẩy để chất đồ trong siêu thị.

Câu chuyện tương tự diễn ra ở một trong những siêu thị của hệ thống Monoprix, nơi nhân viên siêu thị cho biết ngày 5/6 là một trong những ngày bận rộn nhất của họ. Tại siêu thị Al-Meera gần đó, người dân cũng đổ xô tới mua sắm. 

Chỉ là "thẻ vàng"

Một số người ví sự căng thẳng hiện nay giữa Qatar và các nước vùng Vịnh như "thẻ vàng" trong bóng đá. "Đây chỉ là thẻ vàng... Họ có thể làm gì chứ? Qatar là một trong những nước giàu nhất thế giới", anh Denis, công dân Đức, nói.

Để trấn an người dân, Chính phủ Qatar đã ra tuyên bố rằng các tuyến vận chuyển hàng hải và đường hàng không vẫn sẽ mở cửa cho hàng nhập khẩu. “Chính phủ Qatar sẽ thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để ngăn chặn những nỗ lực gây ảnh hưởng và làm hại xã hội và nền kinh tế Qatar”, tuyên bố cho biết. 

Sau sự cố cắt đứt quan hệ ngoại giao này, rất có thể lĩnh vực xuất khẩu của Qatar sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, trong số đó có các mặt hàng như máy móc, thiết bị điện tử hay vật nuôi chuyển bằng đường bộ tới Saudi Arabia. 

Theo số liệu của Liên hợp quốc, xuất khẩu của Qatar sang Saudi Arabia đạt 896 triệu USD trong năm 2015.
 
Việc các nước vùng Vịnh cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar cũng là tin xấu đối với ngành dịch vụ trong nước, có thể gây ảnh hưởng tới các khách sạn, lái xe taxi tại Doha. 

Người Saudi Arabia thường tới Qatar vào dịp Eid al-Fitr cuối tháng lễ Hồi giáo Ramadan. Nhưng với lệnh cấm du lịch mà Riyadh vừa ban hành, thu nhập của nhiều lái xe taxi phụ thuộc vào du khách sẽ bị giảm đáng kể. 

Vào ngày 5/6, một loạt các quốc gia bao gồm Bahrain, Saudi Arabia, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Yemen, Libya và CH Maldives đã đồng loạt cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar với lý do quốc gia này bảo trợ cho các tổ chức khủng bố. Saudi Arabia đóng cửa các tuyến đường biển và đường không với Qatar và kêu gọi các nước vùng Vịnh thực hiện điều tương tự.

Theo Báo tin tức

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang