Các ngành công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam thường được ví von như một ‘câu chuyện buồn’.
Còn nhớ, chỉ khoảng 2 tháng sau khi Thủ tướng đưa ra tuyên bố đầy hứng khởi ‘đất nước 100 triệu dân sẽ có ngành công nghiệp ô tô’ nhưng nhiều người vẫn hoài nghi việc mục tiêu nội địa hóa. Thất bại này, theo giới chuyên gia đánh giá, chính là do chúng ta đã thiếu ngành công nghiệp phụ trợ.
Tuy nhiên, tại Diễn đàn Kinh doanh “ Triển vọng hợp tác Indonesia - Việt Nam về công nghiệp ôtô và phụ tùng ôtô, xe máy", một câu chuyện hoàn toàn khác đã được chia sẻ bởi ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch thường trực của Hiệp hội doanh nghiệp Ngành công nghiệp hỗ trợ Thành phố Hà Nội (HANSIBA).
“Vào thứ 6, thứ 7 hàng tuần, Ban Điều hành Hiệp hội chúng tôi đi thăm từng doanh nghiệp sản xuất. Chương trình này đã được thực hiện từ 2 năm nay”, ông Vân mở đầu.
Từ đây, ông chia sẻ những gì thực tế xảy ra tại các doanh nghiệp ngành phụ trợ ô tô, xe máy tại Việt Nam: đã làm được gì, cung ứng cho những ai hay đã tạo ra những giá trị như thế nào…
Có lẽ nếu không có những chia sẻ này thì có lẽ công nghiệp phụ trợ Việt Nam vẫn sẽ bị phủ lên tàm màn đen mang tên 'thiếu và yếu' mà không hề có chút hy vọng nào.
“Chúng tôi biết được nhiều doanh nghiệp phụ trợ tiêu biểu như Công ty Công nghiệp Quang Minh, Công ty TNHH Công nghiệp Chí Cường, Công ty TNHH Nhật Minh…và nhiều các doanh nghiệp khác đã cung ứng được nhiều sản phẩm chi tiết cho các doanh nghiệp FDI như Yamaha, Honda: trục khuỷu cho xe máy, xe gắn máy, phanh để chân, các chi tiết nhựa như núm còi cho xe máy, ô tô…” – ông Vân chia sẻ.
Tinh thần của các doanh nghiệp phụ trợ Việt, muốn sản xuất ra được những chiếc linh kiện ô tô, xe máy ‘thuần Việt’ là một điều đáng ngợi khen. Có thể nói rằng bất chấp những khó khăn về vốn, lao động, công nghệ…thì đức tính cần cù, sáng tạo của người Việt vẫn được thể hiện rõ nét ở các doanh nghiệp này.
Những chiếc xe máy như thế này có trục khuỷu hoàn toàn thuần Việt!
Vị Phó Chủ tịch kể ra câu chuyện của Công ty Công nghiệp Quang Minh với ông chủ mang tên Lê Minh Giang. Vị này đã chấp nhận mua tới 3 tấn sắt inox với một chi phí không hề nhỏ về công ty mình chỉ để nghiên cứu xem làm sao để người Việt có thể làm ra được những linh kiện theo được tiêu chuẩn Nhật.
Tự mày mò tìm tòi và sáng tạo trong một thời gian, ông Giang và Công ty Quang Minh của mình đã làm nên được đúng 1 thanh trục linh kiện theo chuẩn tiêu chuẩn của Yamaha.
“Từ đó Yamaha quyết định nhập hàng của anh ấy đều đặn. Các xe máy Yamaha chạy ngoài kia như Sirius, Jupiter…thì các linh kiện như trục khuỷu, khung sắt, chúng ta có thể tự hào là hoàn toàn của người Việt” – ông Vân nói.
“3 tấn sắt inox nhập về, tự mày mò để sản xuất ra 1 thanh trục khuỷu không phải dễ nhưng kết quả là doanh nghiệp này đã đều đặn cung cấp cho các doanh nghiệp lớn như Yamaha. Tôi phải nói rằng doanh nghiệp Việt Nam đúng là những chiến sĩ thời bình đang cố gắng vượt qua mọi khó khăn”, ông Vân bình luận.
Tuy có nhiều điểm tích cực nhưng vị Phó Chủ tịch thường trực HANSIBA cũng phải thừa nhận rằng năng lực sản xuất của các doanh nghiệp phụ trợ Việt Nam vẫn còn rất yếu.
Theo lời ông Vân, “ở tỷ lệ 10% nội địa hóa ngành ô tô, chúng tôi làm việc với đại diện tập đoàn Toyota tại Việt Nam, bên họ cung cấp thông tin là các doanh nghiệp Việt Nam đã làm được một số chi tiết cho các nhà máy Toyota ở Vĩnh Phúc như đồ nhựa…”
Hiện doanh nghiệp Việt chỉ được tham gia vào những phần sản xuất đơn giản. Còn phần phức tạp hơn, dù các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc đã rất thiện chí, gặp các doanh nghiệp Việt để đề nghị muốn được nội địa hóa các sản phẩm họ sản xuất tại Việt Nam. Tuy nhiên, chính bản thân các doanh nghiệp Việt Nam đã chưa đáp ứng được.
“Ví dụ như năm 2020, Toyota dự định ra dòng xe Innova sản xuất ngay tại Việt Nam, Innova đời 2020. Ngay trước đó 5 năm, họ đã gặp gỡ khắp các doanh nghiệp Việt để thỏa thuận cung ứng các linh kiện cho họ. Thế nhưng, chính doanh nghiệp Việt đã không thể đáp ứng”, vị chủ tịch tiếc nuối.
Khung cảnh ô tô trên một đường phố tại Thái Lan
Các doanh nghiệp này sau khi không tìm được nhà cung ứng linh kiện Việt Nam đã chuyển sang các đối tác truyền thống của họ ở Thái Lan, Malaysia. Vì thế, là không khó hiểu khi mà ở ngay những nước trong khu vực, như Thái Lan thì đã có tới hơn 2000 doanh nghiệp phụ trợ ô tô và một ngành công nghiệp ô tô đủ có sức sản xuất đủ phục vụ cho gần 70 triệu dân Thái.
Ông Vân cho biết nền công nghiệp ô tô của các nước như Thái Lan, Malaysia đã đi trước Việt Nam nhiều chục năm. Khi họ đã vào chuỗi rồi thì họ hình thành nên những mối quan hệ trong hệ thống.
Vị này kết luận: “Nhận được thiện chí nhưng doanh nghiệp chúng ta vẫn còn quá nhiều khó khăn, về công nghệ, về máy móc, về nhân công. Không khó hiểu vì sao doanh nghiệp phụ trợ vẫn gặp khó khăn”.
Theo Trí thức trẻ