Ảnh minh họa
Hoạt động xuất khẩu duy trì ổn định
Theo số liệu của Vibiz.vn, kim ngạch xuất khẩu xăng dầu các loại của Việt Nam năm 2017 đạt hơn 2 triệu tấn, trị giá 1,04 tỷ USD; giảm 1% về lượng nhưng tăng 24,5 % về trị giá so với năm 2016.
Về dầu thô, nước ta xuất khẩu hơn 6,8 triệu tấn ứng với 2,87 tỷ USD, giảm 0,6 % về lượng nhưng tăng 21,8 % về trị giá so với năm 2016.
Các mặt hàng xăng dầu khí xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Campuchia. Do ngành dầu khí nước này còn non yếu, trong khi nhu cầu dầu mỏ ở mức 1,7 triệu tấn/năm.
Vẫn tồn tại nghịch lý xuất thô, nhập tinh
Được xem là một quốc gia có tiềm năng về trữ lượng dầu khí lớn, Việt Nam đứng thứ 28 trên tổng số 52 nước trên thế giới có tài nguyên dầu khí. Tính đến hết năm 2013, trữ lượng dầu thô xác minh của Việt Nam vào khoảng 4,4 tỷ thùng đứng thứ nhất trong khu vực Đông Nam Á, còn lượng khí xác minh của Việt Nam vào khoảng 0,6 nghìn tỷ m3, đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên với với nguồn nhân lực còn hạn chế nên năng lực cung cấp của ngành chưa đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng. Nước ta chủ yếu xuất khẩu dầu thô, nhập khẩu dầu tinh phục vụ cho nhu cầu nội địa. Một số nhà máy lọc dầu đã đi vào hoạt động như nhà máy lọc dầu Dung Quất, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn… nhưng mới chỉ cung cấp được khoảng 35% nhu cầu trong nước.
Trong khi đó, nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ xăng, dầu, khí ngày càng tăng, không chỉ trong ngắn hạn mà cả trong dài hạn do sự bùng nổ dân số, các ngành công nghiệp tiếp tục phát triển, đặc biệt là sự tăng tốc của ngành giao thông do nhu cầu đi lại ngày càng nhiều… Mỗi năm thị trường Việt Nam vẫn đang thiếu hụt trung bình khoảng 0,8 triệu tấn xăng và 1,8 triệu tấn dầu DO. Nguồn xăng dầu thiếu hụt này sẽ được nhập khẩu về Việt Nam từ các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Hàn Quốc và Trung Quốc… Đây thực sự là một nghịch lý đối với một quốc gia có trữ lượng dầu khí lớn như Việt Nam.
Theo số liệu Vibiz.vn, trong năm 2017 nhìn chung nhập khẩu các mặt hàng nhóm ngành xăng - dầu - khí đều đạt mức tăng trưởng dương, với kim ngạch nhập khẩu gần 12,86 triệu tấn xăng dầu, trị giá 7,04 tỷ USD, tăng 9,4% về lượng và tăng 38,3% về trị giá so với năm 2016. Nhập khẩu khí đốt hóa lỏng cũng ghi nhận mức tăng trưởng cao, với lượng nhập đạt 1,3 triệu tấn, trị giá 711 triệu USD, tăng 10,7% về lượng và 43,8% so với năm 2016. Giá nhập bình quân đạt 521,49 USD/tấn, tăng 29,89%. Kim ngạch nhập khẩu dầu thô chỉ đạt 1,2 triệu tấn, trị giá 476,5 triệu USD, tuy nhiên so với cùng kỳ lại có sự tăng trưởng vượt bậc, tăng 171,2% về lượng và 199,3% về trị giá so với năm 2016.
Năm 2018 đáp ứng cơ bản nhu cầu trong nước
Theo tính toán, với sự phát triển và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam, tổng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trên cả nước từ năm 2018 đến năm 2022 trung bình đạt khoảng 6,5 triệu tấn xăng và 8,5 triệu tấn dầu DO.
Với nhu cầu tiêu thụ trên, hiện Việt Nam có NMLD Dung Quất đang hoạt động với công suất 6,5 triệu tấn dầu thô/năm. Dung Quất đưa ra thị trường một năm khoảng 2,746 triệu tấn xăng và 3,068 triệu tấn dầu DO. NMLD Dung Quất đang tiến hành dự án nâng cấp mở rộng để nâng công suất chế biến 8,5 triệu tấn dầu thô/năm, dự kiến dự án sẽ hoàn thành vào năm 2021.
Nguồn cung xăng dầu nội địa lớn thứ 2 là NMLD Nghi Sơn vận hành thương mại vào 2018. Với công suất thiết kế 10 triệu tấn dầu thô/năm, dự kiến NMLD Nghi Sơn cung cấp khoảng 2,3 triệu tấn xăng và gần 3,7 triệu tấn dầu DO. Ngoài ra, các nhà máy Condensate như PV Oil Phú Mỹ, Sài Gòn Petro, Nam Việt Oil, Đông Phương có công suất thiết kế khoảng 690.000 tấn xăng/năm.
Như vậy, năm 2018, dự kiến tổng nguồn cung xăng của 2 NMLD lớn nhất Việt Nam đạt khoảng 6 triệu tấn/năm và gần 7 triệu tấn dầu DO/năm. Sản lượng này tương ứng khoảng 92% xăng và 82% dầu DO nhu cầu tiêu thụ nội địa. Con số thiếu hụt trung bình 0,8 triệu tấn xăng và 1,8 triệu tấn dầu DO mỗi năm vẫn tiếp tục sẽ được nhập khẩu từ các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Với thế mạnh là nhà cung cấp hàng đầu những phân tích và dự báo chuyên sâu về ngành xăng dầu khí, Chuyên trang cơ sở dữ liệu về các ngành kinh tế và kinh doanh Vibiz.vn phối hợp cùng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh đưa ra báo cáo về doanh nghiệp xuất nhập khẩu ngành xăng dầu khí 2017. Nội dung cung cấp trong báo cáo đa dạng, toàn diện từ tình hình xuất nhập khẩu chung (kim ngạch, mặt hàng, thị trường, top các doanh nghiệp xuất nhập khẩu), đến chi tiết xuất nhập khẩu các sản phẩm như: Xăng dầu các loại, dầu thô, khí đốt hóa lỏng. Đồng thời kết hợp đi sâu phân tích những thuận lợi, khó khăn, cơ hội phát triển của ngành nói chung, cũng như thế mạnh, thách thức đối với từng loại sản phẩm.
Link báo cáo tại:
http://vibiz.vn/upload/17604/20180416/BaO-CaO-XDK_compressed.pdf
hoặc
http://vibiz.vn/bao-cao-gan-day/-vibiz-report-doanh-nghiep-xuat-nhap-khau-viet-nam-2017_nganh-xang-dau-khi.html