Cuối giờ chiều, chị Nguyễn Thị Nga ở quận Long Biên, Hà Nội, tranh thủ rẽ vào chợ mua rau. Chị đang mặc cả và mua 3 lạng măng tây với giá 120.000 đồng/kg thì một cô gái trẻ đang mang thai tất tả chạy lại nói với người bán hàng, “chị cân thiếu cho em rồi, mua 3 lạng măng mà chỉ có hơn 2 lạng.”
Người bán hàng ngẩn người ra trong giây lát, rồi khẳng định mình cân đủ. Song chị vẫn đưa thêm cho người khách hai cây măng.
(Ảnh minh họa. Nguồn: PV/Vietnam+)
Người mẹ trẻ vẫn chưa hài lòng và mang cân lại ở một hàng hải sản gần đó, kết quả cho thấy số măng vẫn chưa đủ 3 lạng.
Câu chuyện ở đây lại khá ngược đời, chị bán măng cân thiếu thì thản nhiên trước hành vi của mình, còn người khách hàng thì lại ngượng ngùng trước những con mắt của những người buôn bán bên cạnh về hành động “chi ly” của mình.
Cô gái thở dài và than thở như muốn thanh minh, “măng tây này đắt có phải rẻ đâu, mua 3 lạng thiếu hẳn một lạng.”
Chị Nga cũng ngán ngẩm. Chị nhìn lại cân của người bán hàng và phát hiện ra kim lệch chuẩn cả nửa lạng và nếu như không có cô gái kia, chị sẽ phải mua thiếu gần một lạng măng và mất đi khoảng 10.000 đồng.
“Mua rẻ thì phải thiếu”
Việc mua bán, giao dịch thương mại theo cách truyền thống, được xác lập trên cơ sở niềm tin và không có một cơ sở phát lý đảm bảo chất lượng, khối lượng, trọng lượng hàng hóa và thậm chí là cả chất lượng dịch vụ, do đó người tiêu dùng có thể gặp rủi ro bất cứ lúc nào.
Không chỉ với câu chuyện cân thiếu, chị Nga còn phàn nàn cả về thái độ bán hàng. Chị đơn cử: “Hôm trước, tôi mua dứa ở chợ. Khi mặc cả xong, tôi chọn một quả và nhờ chị bán hàng gọt. Chị bán hàng lúc đang bế cháu, mặt liền đanh và lớn giọng ‘mua thì lấy dứa gọt rồi, không thì thôi’.”
"Tôi cố gắng kiềm chế nói: 'Chị bán hàng thì nên vui vẻ và chiều khách.' Thấy vậy, một cô gái bán hoa quả bên cạnh liền chạy lại và gọt quả dứa giúp tôi. Tình huống đó, mua hay không mua đều dở. Tâm trạng của tôi thật sự rất khó chịu.”
Để tránh phiền hà và yên tâm hơn với chất lượng sản phẩm, chị Nga cho biết, mình đang dần hình thành thói quen mua thực phẩm tại các siêu thị và cửa hàng tiện ích.
Lâu nay, những người lao động phổ thông hay buôn bán nhỏ phần lớn là tự phát, tự học hỏi và tự rút ra kinh nghiệm trong giao tiếp.
Chị Nguyễn Thị Thu quê ở Hải Dương và làm công việc bán hàng rong. Chị rất mộc mạc và thành thật chia sẻ, nhiều khách hàng rất khó tính và hay kỳ kèo, mặc cả có khi còn thấp hơn cả giá nhập. Để buôn bán thuận lợi, một số người bán hàng lựa chọn phương án “giá nào cũng bán, song giá rẻ thì sẽ cân thiếu.”
“Rất ít người đi cân lại nên công việc phần lớn là trôi chảy,” chị Thu nói. Thói quen tùy tiện trong công việc, kinh doanh và giao tiếp… "được chăng hay chớ" còn khá phổ biến ở một bộ phận người lao động, nhất là tại khu vực phi chính thức.
Tùy tiện do thiếu hiểu biết
Việt Nam đang trên đà hội nhập quốc tế sâu rộng. Thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp lớn trong nước và nước ngoài đã “vươn vòi bạch tuộc” ra khắp các “ngõ ngách” phân khúc khách hàng. Họ cung cấp các quy trình dịch vụ văn minh, hàng hóa có sự đảm bảo về nguồn gốc, chất lượng, trọng lượng với sự đa dạng về mẫu mã, chủng loại và xuất xứ, thậm chí cả giá cả còn rất cạnh tranh.
Điều này khiến cho cơ hội kiếm tiền của người lao động tại khu vực phi chính thức đang nhỏ dần, do đó sức cạnh tranh cũng ngày càng khốc liệt.
Báo cáo “Xu hướng lao động toàn cầu, năm 2108” của Tổ chức Lao động Thế giới – ILO cho biết, tỷ lệ lao động phi chính thức trong khu vực Nam Á và Đông Nam Á còn giữ ở mức cao, đây là lực lượng lao động có việc làm song vẫn nghèo. Họ tập trung ở lĩnh vực nông nghiệp và cả phi nông nghiệp (như xây dựng, bán buôn và bán lẻ và dịch vụ cư trú và ăn uống…). Phương thức kinh doanh, làm việc tùy tiện, đại khái… không chỉ ở bộ phần người lao động mà nhiều nhà quản lý doanh nghiệp cũng chưa “thoát” ra được.
Một chủ doanh nghiệp nhỏ, chuyên cung cấp bữa ăn trưa cho học sinh đã than thở việc phải đóng cửa doanh nghiệp chỉ vì một sự cố “hy hữu”. Vào ngày thứ Sáu, một người nhân viên khi rửa khay thức ăn đã vô tình chồng hai cái lên nhau mà không biết. Vì thế, cái khay ở dưới đã không được rửa. Sau hai ngày nghỉ và đến thứ Hai, học sinh phát hiện ra khay thức ăn có giòi. Nhà trường ngay lập tức chấm dứt hợp đồng với công ty này. Chưa hết, câu chuyện lan đi nhanh chóng và các đối tác khác cũng lần lượt nói lời “chia tay.”
Vấn đề ở đây, người chủ doanh nghiệp này đã không chuẩn bị cho mình đầy đủ kiến thức, kỹ năng kinh doanh nên vẫn cho rằng sự cố đó là “một rủi ro”.
Người này kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, song lại không đánh giá hết được trách nhiệm của Công ty về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, do đó quy trình quản lý, huấn luyện và giám sát nhân viên không được sát sao.
Có rất nhiều lý do khiến cho doanh nghiệp nhỏ gặp thất bại trong kinh doanh, trong đó có một phần không nhỏ xuất phát từ sự yếu năng lực, thiếu thông tin và kỹ năng của người quản lý.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho hay, trong quý 1/2018, cả nước có 3.321 doanh nghiệp doanh nghiệp phải giải thể, trong đó 3.038 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng (chiếm 91,5%).
Chỉ ra các điểm yếu của doanh nghiệp nhỏ, giáo sư Nicholas Bloom và các cộng sự đã phát triển một công cụ điều tra đo lường chất lượng quản lý doanh nghiệp. Kết quả được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt nam công bố tại Báo cáo CPI năm 2017, “56% doanh nghiệp trong nước chỉ sử dụng chút ít các Báo cáo dữ liệu để đưa ra quyết định kinh doanh.”
Nhóm nghiên cứu của giáo sư Bloom còn chỉ ra, “Những doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất khẩu trực tiếp hay gián tiếp sẽ có trình độ quản lý cao, tiếp đến là những doanh nghiệp có khách hàng là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI. Trong nền kinh tế, các nhà quản lý yếu kém nhất chủ yếu tham gia bán buôn, bán lẻ cho thị trường trong nước hoặc cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho các cơ quan Nhà nước và các doanh nghiệp Nhà nước của Việt Nam”./.
Theo Vietnamplus/TTXVN