Ngay sau khi Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước - SCIC đăng ký bán toàn bộ hơn 24,1 triệu cổ phần nắm giữ tại CTCP Nhựa Bình Minh (BMP), một doanh nghiệp nhựa của Thái Lan đã “nhảy” vào đăng ký tham gia đấu giá.

Doanh nghiệp Thái này không đâu xa lạ mà chính là The Nawaplastic Industries (Saraburi) Co., Ltd, cổ đông lớn nắm giữ hơn 16,7 triệu cổ phiếu BMP, tương đương hơn 20,4% vốn điều lệ tại Nhựa Bình Minh.

Cụ thể, ngày 2/3 vừa qua, doanh nghiệp Thái này đã có văn bản gửi ban tổ chức chào bán cạnh tranh về việc đăng ký tham gia mua cổ phần tại Nhựa Bình Minh. Đơn vị này muốn mua toàn bộ hơn 24,1 triệu cổ phần BMP được đem ra đấu giá, tương đương 29,51% vốn điều lệ của Nhựa Bình Minh. Như vậy, nếu đấu giá thành công số cổ phần mà SCIC rao bán, người Thái sẽ sở hữu 49,91% vốn góp tại Nhựa Bình Minh.

Người Thái muốn thâu tóm thêm một thương hiệu Việt

The Nawaplastic Industries là một thành viên của Tập đoàn SCG của Thái Lan - chuyên sản xuất ống nhựa PVC. Công ty này đã hiện hữu tại các doanh nghiệp nhựa của Việt Nam từ lâu như Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong, Nhựa Bình Minh.

Trước đó, SCIC đã đăng ký bán hơn 24,1 triệu cổ phiếu BMP tại Nhựa Bình Minh bằng hình thức chào bán cạnh tranh với giá khởi điểm 96.500 đồng/cổ phiếu. Giá đặt mua phải đảm bảo không thấp hơn giá khởi điểm và giá sàn của cổ phiếu BMP tại ngày 9/3 do HOSE công bố. Dự kiến, số tiền mà Nhà nước thu về từ đợt bán vốn Nhựa Bình Minh này sẽ không thấp hơn 2.300 tỷ đồng.

Trước khi đăng ký mua toàn bộ lô cổ phiếu BMP, The Nawaplastic Industries cũng là cổ đông lớn tại CTCP Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong nắm giữ 24% vốn công ty này. Tuy nhiên, người Thái đã quyết định bán toàn bộ vốn tại Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong để chuyển sang Nhựa Bình Minh.

Người Thái muốn thâu tóm thêm một thương hiệu Việt

Theo tính toán, trong thời gian The Nawaplastic Industries thoái vốn, thị giá NTP dao động từ 69.300-71.800 đồng/cổ phiếu, ước tính số tiền doanh nghiệp Thái có thể thu về vào khoảng 1.500 tỷ đồng.

Trước những đợt thoái vốn liên tiếp tại doanh nghiệp lớn của Nhà nước, người Thái dành sự quan tâm đặc biệt với mức giá “không thể từ chối” cho các doanh nghiệp này.

Đơn cử việc tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi thông qua Công ty TNHH Vietnam Beverage do ThaiBev (thuộc sở hữu của TTC Holdings) nắm giữ 49% vốn chi 110.000 tỷ đồng (xấp xỉ 4,8 tỷ USD) mua lô cổ phần tại bia Sài Gòn - Sabeco để trở thành cổ đông nắm giữ trên 51% vốn tại "ông lớn" nắm giữ 41% thị phần bia tại Việt Nam này.

Người Thái muốn thâu tóm thêm một thương hiệu Việt

Ngoài ra, thông qua F&N Bev Manufacturing và F&N Dairy Investments (2 đơn vị thuộc Tập đoàn F&N của Singapore nhưng đã bị TTC Holdings mua lại), người Thái còn nắm 19,06% vốn Vinamilk.

Vào tháng 4/2016, Tập đoàn Central Group - thuộc sở hữu của gia tộc tỷ phú Thái Chirathivat cũng đã chi tới 1,14 tỷ USD để mua lại toàn bộ hệ thống 33 siêu thị, trung tâm thương mại Big C Việt Nam.

Trong khi đó, cùng năm 2016, Singha Group, tập đoàn sản xuất bia đến từ Thái, đã chi 1,1 tỷ USD để trở thành đối tác chiến lược của Masan, thông qua việc nắm giữ 25% cổ phần của Masan Consumer Holding và 33,3% cổ phần Masan Brewery.

Theo Quang Thắng / Zing News

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang