Theo Bộ Công Thương, cả nước ước tính có hơn 700 siêu thị, khoảng gần 150 trung tâm thương mại, hàng nghìn cửa hàng tiện lợi... Đến năm 2020, theo quy hoạch, cả nước sẽ có khoảng 1.200 - 1.500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại. Một báo cáo của Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, thị trường bán lẻ Việt Nam có thể đạt doanh thu gần 180 tỷ USD vào năm 2020.
Với dân số hơn 93 triệu người, 60% người tiêu dùng trẻ với nhu cầu mua sắm cao, thị trường bán lẻ Việt Nam được xem là địa chỉ hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư. Thời gian qua, đã có một làn sóng các “đại gia” bán lẻ Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc... tham gia vào thị trường bán lẻ Việt Nam. Tuy nhiên, không phải cuộc "tấn công" nào cũng thành công, trong đó có cái tên Parkson.
Tòa nhà Parkson Thái Hà (Hà Nội) trước đây vẫn đóng cửa im ỉm từ cuối năm 2016 đến nay do chưa tìm được khách thuê mới.
Sau một thời gian dài hoạt động cầm chừng, Trung tâm thương mại (TTTM) Parkson Flemington trên đường Lê Đại Hành (quận 11, TP Hồ Chí Minh) đã thông báo đóng cửa sau 8 năm hoạt động. Đây là TTTM thứ 4 của hệ thống này đóng cửa trên cả nước (trước đó 2 TTTM Parkson tại Hà Nội và 1 TTTM tại TP Hồ Chí Minh cũng đã đóng cửa).
Parkson là thành viên của The Lion Group, thành lập từ những năm 1930 tại Malaysia. Hệ thống TTTM của tập đoàn này có mặt ở Malaysia, Trung Quốc, Indonesia, Myanmar, Campuchia... Vậy nguyên nhân nào dẫn đến sự đóng cửa hàng loạt của thương hiệu này tại thị trường Việt Nam?
Theo khảo sát, từ mấy năm nay, các TTTM của Parkson đã thường xuyên trong tình trạng vắng vẻ khách mua. Parkson Thái Hà (Hà Nội) trước thời điểm đóng cửa vào cuối năm 2016 luôn trong cảnh quạnh hiu. Thời điểm đó, chiến dịch mua sắm ăn theo ngày Black Friday cũng không giúp vực dậy sức mua tại TTTM này.
Đại diện một thương hiệu giày dép, túi xách bán hàng trong Parkson Thái Hà chia sẻ, có tháng cửa hàng đặt tại TTTM này không bán được sản phẩm nào nên đã đóng cửa, thanh lý mặt bằng cuối năm 2016.
Một nhân viên bán hàng từng làm việc cho Parkson từ khi thương hiệu này mở TTTM đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh cho biết: Thời đó khi nói đến TTTM thì Parkson rất có tiếng, chuyên bán hàng hiệu. Theo thời gian, thị trường mở nên cạnh tranh hàng hóa mạnh mẽ. Parkson kinh doanh từ đó kinh doanh ngày càng thua lỗ.
Theo số liệu do Parkson Retail Asia công bố, Parkson lỗ trong toàn bộ 4 quý của năm 2017, doanh thu cũng có chiều hướng đi xuống. Tổng cộng, Parkson đạt doanh thu khoảng gần 500 tỷ đồng trong năm qua và chịu lỗ hơn 60 tỷ đồng. Niên độ tài chính của Parkson bắt đầu từ tháng 7 và kết thúc vào tháng 6 năm sau. Trong 6 tháng đầu niên độ tài chính 2017 - 2018, Parkson đang tạm lỗ 24 tỷ đồng, doanh thu khoảng 233 tỷ đồng.
Cạnh tranh là điều khó tránh trong nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, điều quan trọng là doanh nghiệp có thay đổi để thích nghi được hay không. Điều này dường như Parkson Việt Nam chưa làm được.
Các TTTM ở Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt đễ giữ chân khách
.Chị Minh Anh, một tín đồ hàng hiệu tại TP Hồ Chí Minh nhận xét: Parkson vào mua trang sức, mỹ phẩm thì được nhưng thua xa các TTTM khác như Takashimaya, Vincom... vì thiếu tính giải trí, ẩm thực, quần áo giày dép... Bao năm hoạt động nhưng họ chỉ chú ý đến mỹ phẩm và thời trang. Trong khi ở các TTTM khác đã áp dụng cả khu vực giải trí, thực phẩm và rạp phim vào hệ thống để thu hút khách hàng. "Họ là thương hiệu đời đầu nên có phần lạc hậu", chị Minh Anh đánh giá.
Đồng tình với quan điểm này, chị Hiền Dịu (người tiêu dùng tại Hà Nội) cho biết, chị vào Parkson Thái Hà (Hà Nội) chỉ 1 lần và không bao giờ quay lại. "Vào đó người ta không cho chụp ảnh trong khi tôi đi chơi với bạn muốn chụp ảnh. Giá hàng hóa thì đều trên trời", chị Dịu chia sẻ.
Chia sẻ với phóng viên báo Tin tức, chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú cho biết, chuyện đóng cửa - mở cửa, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh là điều bình thường của doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường. Nhưng đằng sau việc đóng cửa là nguyên nhân gì thì cần xem xét để rút kinh nghiệm.
Là người từng mở những siêu thị, trung tâm thương mại quy mô nhỏ đầu tiên ở Hà Nội từ cuối những năm 90, ông Phú rất hiểu các doanh nghiệp bảo thủ, chậm thay đổi sẽ dần bị loại thải.
"Việc kinh doanh đơn điệu, chỉ bán hàng cao cấp là không phù hợp vì chỉ khoảng 10% dân số có tiền mua hàng cao cấp. Còn lại đa phần là thu nhập trung bình. Khi nào GDP Việt Nam lên mức 5.000 - 6.000 USD thì hãy tính đến bán hàng xa xỉ như vậy. Một chiếc quần bò mấy triệu thì ai có tiền mà mua", ông Phú phân tích.
Ông Phú so sánh, không phải doanh nghiệp nào cũng trường vốn chấp nhận thua lỗ mấy năm trời để xây dựng thương hiệu như Tràng Tiền Plaza. Tại Hà Nội từng có TTTM Grand Plaza rất hoành tráng trên đường Trần Duy Hưng đã phải đóng cửa do kinh doanh ế ẩm.
"Các TTTM có sự kết hợp linh hoạt giữa mua sắm với giải trí, ẩm thực đã chứng tỏ sức hút khách hàng. Như trường hợp AEON, Lotte đã làm được. Vào đó vừa có ăn uống cao cấp, ăn uống bình dân, KFC... nên vẫn sống tốt".
Bên cạnh đó, chuyên gia đề nghị doanh nghiệp xem xét thái độ phục vụ của nhân viên. Nếu không niềm nở, hướng dẫn khách nhiệt tình thì khách sẽ không quay lại.
Parkson có mặt tại Việt Nam vào cuối tháng 6/2005 với TTTM đầu tiên đặt tại TP.HCM (Parkson Lê Thánh Tôn, quận 1). Hiện Parkson còn lại 6 TTTM hoạt động tại Việt Nam (4 tại TP Hồ Chí Minh, 1 tại Hải Phòng và 1 tại Đà Nẵng).
Theo Tin tức
Nội dung đang cập nhật...
Giấy phép số: 218/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp
Địa chỉ: Tầng 3, nhà D, Khách sạn La Thành, số 226 Vạn Phúc, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại: 0877459777 - Email: nhat.cao@bcsi.edu.vn
Website: www.bcsi.edu.vn
Copyright © 2016 by BCSI