UBND TP. Hồ Chí Minh vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính góp ý dự thảo “Đề án mở rộng cơ sở thuế và chống xói mòn nguồn thu ngân sách nhà nước”. Theo đó, TP. Hồ Chí Minh đề xuất cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung vào đối tượng chịu thuế một số hàng hóa, dịch vụ như: Điện thoại di động, camera, nước hoa, mỹ phẩm, dịch vụ kinh doanh game, dịch vụ thẩm mỹ.
Lý giải về đề xuất này, UBND TP. Hồ Chí Minh cho rằng, nước hoa, dịch vụ thẩm mỹ là hàng hóa, dịch vụ thuộc nhóm khá cao cấp. Do vậy, việc áp thuế TTĐB sẽ giúp điều tiết thuế vào thu nhập của một bộ phận dân cư có thu nhập từ mức khá trở lên.
Riêng đối với điện thoại di động, theo UBND TP. Hồ Chí Minh, đây là hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc nhưng đưa vào diện chịu thuế TTĐB để điều tiết thu nhập của một bộ phận dân cư có thu nhập từ khá trở lên, có nhu cầu và khả năng thu nhập thường xuyên sử dụng các sản phẩm thế hệ mới.
Theo tính toán của một số chuyên gia tài chính, nếu tính thêm thuế TTĐB giá điện thoại sẽ tăng mạnh do phải chịu các loại thuế: Thuế nhập khẩu (với điện thoại nhập khẩu), thuế TTĐB và thuế giá trị gia tăng. Đáng chú ý, tăng thuế tiêu thụ sẽ làm tăng giá tính thuế giá trị gia tăng nên giá điện thoại sẽ tăng mạnh.
PGS.TS Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh bày tỏ quan điểm về vấn đề này: “Việc coi di động là mặt hàng xa xỉ là vô lý. Hiện, các cháu học sinh, các bà tiểu thương đều dùng điện thoại, hầu như ai cũng có ít nhất 1 cái. Chính phủ đang hô hào phát triển kinh tế theo hướng cách mạng công nghiệp 4.0. Và ai cũng phải có smartphone để có thể hội nhập”.
Cũng theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Văn Nam, cần tìm các mặt hàng không khuyến khích tiêu dùng như rượu bia, thuốc lá… để đánh thuế TTĐB thay vì điện thoại. Ngay cả mặt hàng mỹ phẩm trong đề xuất đánh thuế TTĐB của TP. Hồ Chí Minh cũng cần phải xem xét vì đó là vật thiết thân của phụ nữ, thậm chí cả nam giới. Nhiều tiêu chí cũ để xác định đánh thuế TTĐB đã không còn phù hợp với xã hội hiện đại.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Nam, không quan trọng là tiền nhiều hay ít mà cơ quan quản lý phải lọc ra các mặt hàng cần đánh thuế, dựa theo các tiêu chuẩn được xã hội và thế giới chấp nhận. Chẳng hạn quần áo lông thú cần đánh thuế vì mục tiêu bảo vệ môi trường…
“Kể cả với những chiếc điện thoại đắt tiền mà một số ít người sử dụng cũng không nên đánh thuế TTĐB bởi rất khó để xác định đó có phải là "khoe mẽ" hay không. Phải dựa trên tiêu chuẩn là mặt hàng không khuyến khích tiêu dùng”, ông Nguyễn Văn Nam nói.
Thậm chí, những đề xuất này theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Thanh Bình (Học viện Chính sách và Phát triển) về bản chất chỉ là tận thu.“Thuế TTĐB phải đánh vào hàng hóa xa xỉ, không khuyến khích tiêu dùng, những hàng tiêu tốn ngoại tệ nhập khẩu hoặc ảnh hưởng xấu tới môi trường. Ví dụ, nhiều nước đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô vì đây là mặt hàng vừa xa xỉ vừa ảnh hưởng tới môi trường. Tuy nhiên, khi áp dụng thuế TTĐB, ta phải phân tích chỉ rõ được tác động xấu. Ví dụ như rượu bia, thuốc lá tác động xấu tới sức khỏe, cộng đồng cần đánh thuế TTĐB”, ông Nguyễn Thanh Bình nói.
Chuyên gia kinh tế này đặt câu hỏi điện thoại di động là hàng thiết yếu hay xa xỉ, có ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe không? Theo ông Thanh Bình, đây là hàng tiêu dùng bình thường, có ích cho cộng đồng và không thể đánh thuế tiêu thụ đặc biệt được. Trong khi ấy, với điện thoại di động, Nhà nước cung cấp tần số, sóng cho các thuê bao sử dụng mà lại đánh thuế là không hợp lý. Đề xuất trên vừa trái với thông lệ, lại trái với phân tích về đặc tính của hàng chịu thuế TTĐB.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico, thuế TTĐB dùng để đánh vào những hàng hóa có tính chất đặc biệt như hàng xa xỉ hay độc hại hoặc không được khuyến khích tiêu dùng. Trong số các mặt hàng xa xỉ hiện đang chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nổi bật có mặt hàng ô tô. Ngoài thuế nhập khẩu với xe nhập khẩu (trừ xe có nguồn gốc ASEAN), ô tô đang chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (40 - 150%), thuế giá trị gia tăng (10%).
Mặt hàng di động rất nhiều năm nay đã không chịu thuế TTĐB, kể cả khi nó là mặt hàng đặc biệt với người có thu nhập cao từ hàng chục năm trước. Nhưng hiện nay, điện thoại cũng trở thành một mặt hàng bình dân và thiết yếu. Cho nên, nếu đánh thuế tiêu thụ đặc biệt vào thời điểm này sẽ là bất hợp lý và nghịch lý.
"Nếu đánh thuế TTĐB vào điện thoại di động, máy ảnh… tức là đánh thuế tiêu thụ đặc biệt vào các mặt hàng bình dân. Còn nếu với mục đích điều tiết thu nhập của người có thu nhập khá, đã có Luật thuế thu nhập cá nhân", luật sư Trương Thanh Đức nói.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, các mức thuế ở Việt Nam hiện phù hợp với thông lệ quốc tế, các mức thuế suất không hề nhỏ so với các nước như thuế giá trị gia tăng ở mức 10%, thuế thu nhập doanh nghiệp 20%...
“Vấn đề bây giờ là phải khắc phục sự quản lý lỏng lẻo, thậm chí yếu kém. Có nhiều khoản thu hiện ta chưa đưa vào khuôn khổ. Ví dụ rất nhiều nhà hàng hiện không xuất hóa đơn, nếu khách hỏi thì mới viết hóa đơn, không thì thôi. Đây là việc chưa quản lý được trong khi nguồn thu từ thuế giá trị gia tăng là rất lớn. Ta cần làm chặt được những vấn đề này chứ không nên tận thu”, ông Thanh Bình nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế PGS. TS Ngô Trí Long bày tỏ: Cơ quan nhà nước muốn có nguồn thu thì phải nuôi dưỡng nguồn thu từ người dân, không nên đánh thuế TTĐB với điện thoại di động. Kể cả những dòng điện thoại di động đắt tiền cũng chỉ có rất ít người sử dụng. Nếu đánh thuế có thể nảy sinh buôn lậu.