Ảnh minh họa
Theo ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: "Về vấn đề nhà ở xã hội, Nghị quyết giám sát về thị trường bất động sản nhấn mạnh rất nhiều đến khái niệm "có chỗ ở". Trong đó, đã giao rất nhiều nhiệm vụ cho anh Vương Duy Dũng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS tham mưu xây dựng những vấn đề chuyên gia kiến nghị, ví dụ như hình thành quỹ, phát triển phương thức như nhà cho thuê, vai trò của nhà nước trong việc xây dựng nhà ở xã hội. Chúng tôi đã gợi ý như thành lập doanh nghiệp nhà nước tham gia vào lĩnh vực này, mang tính chất bổ trợ".
Ý kiến của TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế: "Cách đây khoảng hơn 1 năm, Bộ Xây dựng cũng như nhóm nghiên cứu của chúng tôi có kiến nghị lên Chính phủ là phải có quỹ phát triển nhà ở xã hội. Ban đầu thì chúng ta đề xuất là khoảng 110 ngàn tỷ, sau đó là xuống khoảng 60 ngàn tỷ, quỹ này giống như gói 30 ngàn tỷ khi chúng ta giải cứu thị trường bất động sản giai đoạn 2013-2016, như thế thì nó mới hiệu quả".
TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, phát biểu: "Chúng ta nhìn nhà ở nói chung, đặc biệt là nhà ở xã hội đó là kết cấu, hạ tầng xã hội. Mà đã nói là kết cấu, hạ tầng thì vai trò của nhà nước là rất lớn, đặc biệt là nhà ở xã hội. Kết cấu mà cho người giàu thì tự lo được, nhưng hạ tầng cho người nghèo, người thu nhập thấp thì vai trò Chính phủ, đấy là cái phải nhìn chính sách tài khóa, ví dụ như quỹ là Nhà nước phải phát hành trái phiếu, mà tôi biết là Bộ Xây dựng cũng đang hướng theo điều đó, nó không đơn giản chỉ là quỹ 30 nghìn tỷ".
TS. Nguyễn Văn Khối - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, đề đạt: "Phân khúc nhà ở, Đảng và Chính phủ cùng toàn thể chúng ta đều phải ưu tiên cho những hộ chưa có nhà ở. Ở đây có 2 điểm, điểm thứ nhất là nhà ở xã hội cho 11 đối tượng. Bên cạnh đó cần quan tâm nhà ở phù hợp với thu nhập, cũng nên có cơ chế. Tất cả những vấn đề đó phải được đặt ra và phải có trách nhiệm của cơ quan thì mới đi đến hiệu quả và mục tiêu cho xã hội. Còn nếu chúng ta chỉ chung chung sẽ không ra được".
Theo ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: "Cá nhân tôi nhất trí với quan điểm thế này, đối với nhà ở xã hội thì quá thiên về mua. Cần có cơ chế nào bền vững hơn để đảm bảo có chỗ ở cho người dân nói chung, người dân có thu nhập thấp trong bối cảnh hiện nay có những ưu tiên. Như vậy, mọi chính sách hợp lý, cắt giảm chi phí thì tôi rất ủng hộ".
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, kiến nghị: "Vấn đề quan trọng nhất là phải tăng nguồn cung, bằng cách phát triển nhà ở xã hội và Chính phủ phải thay đổi cách thức về xây dựng nhà ở xã hội, Nhà nước phải là người cầm trịch trong lĩnh vực đó và có cơ chế hợp lý, để từ đó đáp ứng được các yêu cầu của thị trường và có được 1 triệu căn nhà ở đến năm 2030".
Trong tháng 9 vừa qua, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định số 927 ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 24-5-2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới. Trên tinh thần đó, những giải pháp, kiến nghị của các chuyên gia trong khuôn khổ diễn đàn bất động sản do Đài Hà Nội chủ trì tổ chức là những nội dung quan trọng, góp phần tháo gỡ những khó khăn vướng mắc đang gặp phải khi phát triển nhà ở xã hội.