Sản phẩm xanh, thân thiện môi trường “lên ngôi”

Sản phẩm xanh, thân thiện môi trường “lên ngôi”

95% người tiêu dùng có ý thức bảo vệ môi trường, 59% lựa chọn ăn rau xanh, ngũ cốc thường xuyên hơn; 61% tắt các thiết bị điện trong nhà khi không sử dụng.

Nguồn:Báo Dân Sinh

39% hạn chế dùng thực phẩm đóng gói, công nghiệp; 73% sử dụng thực phẩm được sản xuất hữu cơ và thuần tự nhiên; 44% hạn chế sử dụng túi nhựa” - theo khảo sát của Intage Việt Nam với thị trường Hà Nội, TPHCM.

Ngày càng nhiều người tiêu dùng ý thức được vai trò quan trọng của hành vi mua sắm đối với xu hướng sản xuất xanh và bền vững. Tiêu dùng xanh “lên ngôi” các doanh nghiệp không thể đứng ngoài cuộc.

95% người tiêu dùng có ý thức bảo vệ môi trường

Những sản phẩm làm ra từ sợi của cây chuối

Đã thành thói quen từ nhiều năm nay, bà Trần Thị Tuyết Thanh (TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) luôn mang theo những chiếc hộp và cái làn mỗi khi đi chợ.

“Trước đây, mỗi lần đi chợ về là tôi lại bỏ đi rất nhiều túi ni lông. Hôm ít đồ cũng dăm ba túi ni lông, còn hôm nào mua nhiều có khi đến cả chục túi. Từ khi tôi mang theo làn, hộp nhựa đi chợ, thì gần như không có túi ni lông thải.

Hộp nhựa tôi đựng thịt, cá, rau củ quả tôi bỏ vào làn. Dù mỗi lần đi chợ hơi lỉnh kỉnh nhưng được góp phần nhỏ bé của mình vào việc bảo vệ môi trường tôi rất vui”, bà Thanh chia sẻ.

Nhận thấy tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường, thời gian gần chị Phương Anh (Khu đô thị Times City- Hà Nội) đã mua chiếc xe kéo để đi chợ. Chị cho biết: “Trước đây mỗi lần đi chợ tôi thường "tha" về nhà hàng chục túi ni lông, nào túi đựng thịt, cá, cà chua, rau... nhưng bây giờ tôi mang theo vài chiếc hộp và xe kéo.

Thực phẩm sống tôi đựng vào hộp, còn rau, quả tôi đựng chung vào một túi ni lông to của siêu thị. Dù bất tiện một chút nhưng tôi thấy ý nghĩa vì đã góp một phần vào hoạt động bảo vệ môi trường".

Giám đốc nghiên cứu hành vi khách hàng của NielsenIQ Việt Nam Đặng Thúy Hà nhận định, người tiêu dùng ngày càng coi trọng yếu tố bền vững khi mua sắm.

Khảo sát năm 2023 của NielsenIQ cho thấy, 49% người tiêu dùng mang túi riêng, sử dụng túi tái chế; 47% chỉ mua đồ cần thiết, tránh lãng phí; 45% có ý thức phân loại rác tái chế và tiết kiệm điện. Kết quả này cho thấy người tiêu dùng đã có những hành động thực tế, hướng đến lối sống bền vững.

Khảo sát của Intage Việt Nam với thị trường Hà Nội và TPHCM cũng cho thấy, 95% người tiêu dùng có ý thức bảo vệ môi trường, 59% lựa chọn ăn rau xanh, ngũ cốc thường xuyên hơn; 44% tái sử dụng quần áo cũ thay vì mua mới;

61% tắt các thiết bị điện trong nhà khi không sử dụng; 39% hạn chế dùng thực phẩm đóng gói, công nghiệp; 73% sử dụng thực phẩm được sản xuất hữu cơ và thuần tự nhiên; 44% hạn chế sử dụng túi nhựa…

Đáng lưu ý, gần 90% người tiêu dùng ủng hộ những công ty kinh doanh đạo đức và có trách nhiệm xã hội; 43% có ấn tượng tốt về nhãn hàng, doanh nghiệp thân thiện với môi trường.

Doanh nghiệp không thể đứng ngoài cuộc

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, phát triển xanh, bền vững ngày càng được nhắc đến nhiều hơn, với nhiều cam kết và mang tính thị trường hơn. Những quy định mới về chuỗi cung ứng, thuế carbon… yêu cầu sản phẩm đến tay người tiêu dùng chất lượng hơn và đạt đủ tiêu chuẩn để có thể xuất khẩu.

Trên thế giới, sản xuất xanh và sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường ngày càng phổ biến và được dự báo tăng trưởng mạnh trong thời gian tới, do vậy doanh nghiệp Việt không thể đứng ngoài cuộc.

Ông Bùi Khánh Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty MUSA PACTA cho biết, bình thường người nông dân sau khi thu hoạch chuối thường vứt bỏ thân chuối hoặc chỉ làm thức ăn cho gia súc.

Nhưng với cách xử lý của MUSA, cây chuối trở thành nguyên liệu để sản xuất giấy các loại, sợi vải chuối, sản phẩm thủ công mỹ nghệ và nước dinh dưỡng cho cây trồng… Sản phẩm của công ty không chỉ tiêu thụ trong nước mà đã xuất khẩu đi nhiều thị trường nước ngoài. 

Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là với thương mại điện tử, các bao bì đóng gói gây ra lượng rác phát thải vô cùng lớn. Ông Nhâm Sỹ Nguyên, Trưởng phòng Kinh doanh chi nhánh Hà Nội của Công ty TNHH Bao bì TQT cho biết, đơn vị chuyên sản xuất, thiết kế, in ấn các loại giấy carton, bao bì carton, thùng giấy đóng hàng...

Trước xu thế phát triển xanh và bền vững, công ty đã chuyển đổi nguyên liệu sang loại thân thiện môi trường, tự phân hủy cao, kể cả với các sản phẩm từ nhựa, ni lông.

Công ty TNHH Aeon Việt Nam là nhà bán lẻ đầu tiên tại Việt Nam triển khai sáng kiến giúp khách hàng mượn túi môi trường với chi phí thấp và được hoàn phí khi trả túi.

Aeon Việt Nam có quầy thu ngân ưu tiên dành cho khách hàng từ chối sử dụng túi ni lông; sử dụng sản phẩm từ vật liệu thân thiện với môi trường như ly cốc bằng giấy, khay và tô bằng bã mía… tại khu vực ẩm thực tự chọn. 100% siêu thị của Aeon trên toàn quốc sử dụng túi ni lông sinh học phân hủy...

Hay như Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã đi đầu xu hướng này khi vừa mới phát triển nhà máy và trang trại đạt trung hòa carbon. Vinamilk công bố sẽ cắt giảm 15% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2027, tiến tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

 Cuối tháng 5/2024, ngành hàng không Việt Nam thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF). Chuyến bay do hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines thực hiện, mang số hiệu VN660 từ Singapore đến Hà Nội.

Ðây là bước tiến quan trọng của hàng không Việt Nam trong hành trình trở thành hãng hàng không xanh, góp phần thực hiện mục tiêu Net Zero vào năm 2050 như cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu (COP26).

SAF được sản xuất từ nguyên liệu tái tạo, như dầu ăn đã qua sử dụng, mỡ động vật thải… có thể giảm đến 80% lượng khí thải nhà kính và giảm thiểu các khí thải độc hại khác như NOx, SO2, bụi mịn... 

Chuyển đổi xanh là đòi hỏi bắt buộc của doanh nghiệp để đáp ứng theo xu hướng trên thị trường. Song, chuyển đổi xanh cũng đã và đang tạo ra những cạnh tranh, thách thức lớn cho doanh nghiệp như: Chi phí đầu tư cho công nghệ, chi phí đầu vào của sản xuất khiến giá thành sản phẩm tăng cao so với truyền thống…

Do đó, các doanh nghiệp đề nghị Nhà nước cần hoàn thiện hệ thống chính sách và thiết lập các cơ chế khuyến khích nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh tế xanh, chẳng hạn như giảm thuế, ưu đãi thuế và hỗ trợ tài chính. 

Báo Dân Sinh
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang