Doanh thu dệt may, đồ gỗ, thủy sản... tăng cao
Trái ngược với tình hình của năm trước, những tháng vừa qua, công nhân tại Công ty CP Dệt may Đầu tư thương mại Thành Công liên tục làm thêm ngoài giờ để hoàn thành kịp đơn hàng xuất khẩu. Tăng giờ làm đồng nghĩa với thu nhập của họ cũng gia tăng khiến không khí vui tươi, phấn khởi tràn ngập phân xưởng. Không khí này phản ánh hoạt động của Dệt may Thành Công đã tăng tốc trở lại. Chỉ riêng trong quý 2.2024, Dệt may Thành Công đạt doanh thu thuần 847 tỉ đồng, tăng 19%và lãi sau thuế 72 tỉ đồng, gấp hơn 31 lần so với cùng kỳ năm trước và là mức lợi nhuận cao nhất trong vòng 7 quý gần đây. Tổng cộng sau 6 tháng đầu năm, Dệt may Thành Công có doanh thu tăng trưởng 12% lên 1.781 tỉ đồng và lãi trước thuế 170 tỉ đồng, tăng 95% so với 6 tháng đầu năm 2023.
Ông Nguyễn Như Tùng, Phó chủ tịch Hội Dệt may VN, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may Đầu tư thương mại Thành Công, khiêm tốn nói, mức tăng trưởng từ đầu năm đến nay khá cao do so sánh với nền khá thấp của năm 2023. Dù vậy, dự tính cả năm 2024, công ty sẽ tăng trưởng vượt kế hoạch đề ra về lợi nhuận và sẽ quay lại mức đỉnh cao như năm 2022. Bản thân Dệt may Thành Công trong nhiều năm qua vẫn luôn đạt tốc độ phát triển luôn ở mức cao hơn trung bình của toàn ngành. Ví dụ, nếu tốc độ tăng trưởng của ngành dệt may VN là 15%/năm thì Dệt may Thành Công sẽ tăng từ 20 - 25%/năm. Chính vì vậy, sau cú sốc giảm sâu của năm 2023 khi kinh tế thế giới đi xuống, Dệt may Thành Công cũng đã tăng tốc trở lại.
Tương tự, Công ty CP chế biến gỗ Đức Thành báo lãi sau thuế quý 2.2024 đạt gần 15,5 tỉ đồng, tăng 91% so với cùng kỳ năm trước. Mức lãi tăng cao nhờ công ty cải tiến quy trình sản xuất, tinh gọn nhân sự, tiết kiệm chi phí…Tổng cộng sau 6 tháng đầu năm nay, Công ty gỗ Đức Thành đạt lợi nhuận sau thuế gần 25 tỉ đồng, tăng 60% so với 6 tháng đầu năm 2023. Theo bà Lê Hải Liễu, Chủ tịch HĐQT Công ty CP chế biến gỗ Đức Thành, chia sẻ tại Đại hội cổ đông thường niên 2024 vừa diễn ra, nếu trước đây công ty nhận mọi đơn hàng thì giờ là lúc chọn lọc đơn hàng, chỉ làm những đơn hàng tốt, có biên lợi nhuận cao. Bước sang năm 2024, Công ty gỗ Đức Thành đặt mục tiêu doanh thu 365,57 tỉ đồng, tăng 18% và lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 75,1 tỉ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ năm trước.
Sản xuất gỗ tại Công ty TNHH Đông Dương, huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Phạm Hùng
Nhìn lại hơn 3 thập niên phát triển, Công ty gỗ Đức Thành đã trở thành một thương hiệu Việt phát triển hàng đầu về nhóm sản phẩm đồ gia dụng, nhà bếp, đồ chơi trẻ em. Sản phẩm của công ty đang có mặt ở hơn 50 quốc gia trên khắp các châu lục. Công ty cũng liên tục mở rộng sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường cũng như tăng nguồn thu cho công ty; tăng cường đầu tư vào nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng…
Không ngoại lệ, từ mức đi lùi 10% về doanh thu trong năm vừa qua, nửa đầu năm nay Công ty CP Thực phẩm Sao Ta cũng đã hồi phục và đạt doanh số chung 95 triệu USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó thành phẩm tôm chế biến tăng gần 20% và tôm tiêu thụ tăng 25,6%… Doanh số của công ty vẫn tăng hai con số và dự kiến cả năm 2024 sẽ tăng thấp nhất là 15%. Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Sao Ta, chia sẻ sự cạnh tranh trên thị trường vẫn luôn khốc liệt trong khi chi phí nuôi tôm của doanh nghiệp (DN) trong nước ngày càng cao. Dù vậy, đơn hàng cho những tháng còn lại của năm nay vẫn tốt. Công ty đã có nền tảng thuận lợi là vùng nuôi mở rộng, chủ động được nguyên liệu và đây cũng là cơ sở để khách hàng có niềm tin và duy trì đơn đặt hàng.
Nhiều ngành đang trở lại thời đỉnh cao
Số lượng DN đã công bố kết quả kinh doanh trong 6 tháng đầu năm nay với kết quả tích cực chiếm đa số. Nổi bật là ngành gỗ và sản phẩm gỗ có kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đạt 7,5 tỉ USD (nếu tính cả lâm sản ngoài gỗ là gần 8 tỉ USD), tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2023; riêng nhóm đồ gỗ đạt 5,066 tỉ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Mỹ là thị trường lớn nhất chiếm khoảng 53% tổng kim ngạch của nhóm sản phẩm này và mức tăng hơn 27% so với cùng kỳ năm trước.
Sản xuất gỗ Nam Hòa. Ngọc Thắng
Kết quả này là nỗ lực sau nhiều thập niên của các DN. Hiện ngành gỗ VN đã mở rộng thị trường xuất khẩu đến 170 quốc gia trên thế giới, thâm nhập sâu hơn vào các thị trường quan trọng như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản và hiện diện nhiều hơn tại các thị trường mới nổi như Trung Đông, Ấn Độ... Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), nhận xét ngành gỗ VN tăng trưởng cao chủ yếu do các thị trường lớn từ đầu năm đến nay tăng trưởng tốt hơn. Đồng thời, thị trường lớn như Mỹ cũng không có biến động về chính sách như thuế nhập khẩu, thuế phòng vệ thương mại… Bên cạnh đó, nếu nhìn về quá trình phát triển dài hạn của ngành gỗ thì phải kể đến nội lực của DN trong nước có sự bền bỉ cực cao trong quá trình phát triển vừa qua. Chẳng hạn, nếu như 2023 là một năm cực kỳ khó khăn cho nhiều ngành sản xuất, xuất khẩu của VN thì nhiều DN trong ngành cũng thu hẹp sản xuất. Tuy nhiên số lượng đơn vị đóng cửa, rời bỏ thị trường thì không nhiều. Nếu so sánh với các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thì quy mô của công ty VN không bằng, hiệu suất kinh doanh hay quản trị cũng yếu hơn; nhưng xét về số lượng thì DN trong nước chiếm nhiều hơn. Từ đó cũng giúp cho kim ngạch xuất khẩu có mức ngang ngửa giữa khối DN trong nước và DN FDI. Với tốc độ tăng trưởng hiện tại, ước tính cả năm 2024 ngành gỗ sẽ xuất khẩu đạt trên 16 - 17 tỉ USD, tương đương với mức cao đạt được vào năm 2021.
"Nếu không có đại dịch Covid-19, ngành gỗ VN có thể xuất khẩu đạt đến 20 tỉ USD vào năm 2025. Còn với tình hình như hiện nay thì con số này có thể sẽ chậm lại 1 - 2 năm sau đó. Ngành gỗ đã tạo công ăn việc làm cho hơn 600.000 người lao động trên cả nước. Tuy nhiên, do quy mô nhỏ nên các DN nội cần phải chủ động hơn để phát triển thêm chuỗi cung ứng, có thiết kế hay quản trị công ty tốt hơn, vì thị trường của ngành gỗ và sản phẩm gỗ rất tiềm năng. Hiện ngành gỗ VN đứng thứ hai về xuất khẩu trên thế giới nhưng vẫn chưa được 10% doanh số thị trường toàn cầu. Do đó nếu DN trong nước có quyết tâm sẽ tiếp tục phát triển được, nhất là hiện nay thông qua thương mại điện tử thì việc giao dịch, mua bán cũng có nhiều thuận lợi", ông Nguyễn Chánh Phương cho hay.
Tương tự với dệt may, ngành cũng chiếm vị trí xuất khẩu số 2 thế giới. Ông Nguyễn Như Tùng phân tích, giá trị xuất khẩu của ngành dệt may VN đã lên mức cao và sự cạnh tranh cũng ngày càng gay gắt nên tốc độ tăng trưởng sẽ khó đạt 2 con số trong những năm tới. Tuy nhiên, cơ hội cho từng nhóm hàng vẫn còn rất nhiều. Thậm chí, 4 tháng đầu năm nay, hàng may mặc (quần áo…) của VN bán vào thị trường Mỹ lần đầu tiên vượt Trung Quốc. Đây là tín hiệu khả quan, đặc biệt là để các DN tự tin hơn khi cả ngành dệt may VN vẫn luôn đi sau cường quốc này. Bên cạnh đó, VN đã tham gia nhiều hiệp định thương mại và sản phẩm may mặc cũng sẽ có nhiều lợi thế để mở rộng thị trường. Chưa kể, căng thẳng về địa chính trị của nhiều cường quốc thế giới cũng đẩy các đơn hàng như dệt may dịch chuyển sang những nước ổn định nhiều hơn. "Từ nay đến cuối năm, nếu không có nhiều biến động bất thường thì khả năng cả ngành dệt may VN có thể đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 44 tỉ USD. Khi đó dệt may sẽ vượt qua mức xuất khẩu năm 2022 và sẽ đạt kỷ lục mới", ông Nguyễn Như Tùng dự báo.
Bức tranh sáng của sản xuất công nghiệp
Trong bức tranh sản xuất nhiều năm qua, điểm sáng nhất là VN đã trở thành quốc gia xuất khẩu mặt hàng điện tử lớn thứ 12 trên thế giới, từ vị trí thứ 47 vào năm 2001, và đứng thứ 3 trong ASEAN. Riêng từ năm 2019, nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện vươn lên vị trí thứ 2 của VN và mới đây đã soán ngôi đầu trong các ngành xuất khẩu cả nước. Cụ thể, tính đến hết ngày 15.7, số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này đạt 36,32 tỉ USD, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm trước và đạt vị trí thứ 1 về giá trị. Đáng chú ý, nhóm hàng này đã có kim ngạch vượt trội so với các nhóm hàng tiếp theo.
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Channel Well Technogy Việt Nam, KCN Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội. Phạm Hùng
TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế quản lý T.Ư, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh nhận định: Sự phục hồi của kinh tế VN từ đầu năm đến nay khá rõ nét. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo quay trở lại trở thành động lực tăng trưởng cho thị trường. Đáng kể là bức tranh xuất khẩu của nhiều ngành hàng đã tăng khá tốt, thậm chí từ mức âm của năm trước đã vượt lên ngoạn mục. VN vẫn giữ vững được ngôi vị xuất khẩu các mặt hàng chủ lực trong bối cảnh nhiều thị trường vẫn còn khó khăn là sự khích lệ lớn cho DN. Đây cũng là kết quả của nhiều năm nỗ lực của cộng đồng doanh nhân, DN và chính sách khuyến khích xuất khẩu của VN. Trong đó, công nghiệp điện tử VN luôn có cơ hội bứt phá, tăng giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng nhờ đầu tư nghiêm túc, đầu tư chuyên sâu của một số DN trong nước. Việc một số tập đoàn sản xuất lớn dịch chuyển đầu tư, mở nhà máy lớn tại VN và liên tục mở rộng, đã tạo cơ hội lớn cho ngành công nghiệp điện tử tham gia sâu vào chuỗi giá trị. Điều này cũng chứng tỏ hiệu quả từ các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mà VN đã tham gia ký hết.
"Cần lưu ý là các thị trường xuất khẩu lớn nhất và quan trọng nhất của VN đều đạt mức tăng trưởng rất tốt từ đầu năm đến nay. Tín hiệu tích cực của nửa đầu năm nay còn có thể giúp VN điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm ở mức cao khoảng 6,5%. Bởi thông thường theo chu kỳ kinh doanh, các hoạt động trong quý 3 và quý 4 hằng năm đều sẽ tốt hơn so với quý đầu năm", TS. Võ Trí Thành nhận định và lưu ý, tăng trưởng của sản xuất công nghiệp có phần đóng góp lớn từ khối DN nước ngoài. Khu vực DN trong nước vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Do đó cũng không nên chủ quan trong thời gian tới.
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Channel Well Technogy Việt Nam, KCN Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội. Phạm Hùng
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) (Trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, mặc dù ngành điện tử, linh kiện là ngành có sự tham gia lớn của các công ty FDI nhưng điều đó cũng tạo đà phục hồi cho các DN có tham gia liên kết và lan tỏa những ngành khác. Với các chỉ số sản xuất, xuất khẩu sau 7 tháng đầu năm nay lạc quan, khả năng kinh tế VN sẽ đạt tăng trưởng vượt mức 6,5% cho cả năm 2024. Tuy nhiên, ngoài việc tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu, Chính phủ lẫn DN cần phải kích thích thị trường tiêu dùng nội địa. Vì sản xuất và tiêu dùng trong nước mới là động lực tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế.