Tăng trưởng tín dụng, thận trọng nợ xấu

Tăng trưởng tín dụng, thận trọng nợ xấu

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các tổ chức tín dụng (TCTD) đã và đang tích cực đẩy mạnh tín dụng, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Song, trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn... ngân hàng không khỏi lo ngại tín dụng tăng nhanh sẽ đi kèm rủi ro nợ xấu mới phát sinh.

Nguồn:Thời báo ngân hàng

Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, Tổng giám đốc một NHTMCP có hội sở ở TP. Hồ Chí Minh cho biết, việc “định lượng” rủi ro tín dụng ngày càng khó. Đơn cử, khi ngân hàng cho khách hàng vay mua dự án bất động sản, chứng minh thu nhập để trả nợ theo phương pháp “tích sản tích lũy”. Qua thẩm định và xét duyệt cho vay, ngân hàng thu thập hồ sơ chứng từ là sổ đỏ, hợp đồng mua bán nhà, thẩm định giá trị tài sản... để làm căn cứ cho vay. Mặc dù nhìn thấy giá trị tài sản lớn, nhưng vẫn phải xác minh nguồn tiền trả nợ vay, xác định được nguồn thu nhập, dòng tiền của khách hàng có tương thích với thanh toán kỳ hạn nợ gốc và lãi vay? Cho vay có tài sản đảm bảo là một điều kiện có tính định lượng của tín dụng, nhưng ngân hàng phải xác định được khách hàng vay có thu nhập cố định như tiền lương, tiền công, cho thuê nhà; thu nhập không thường xuyên hoạt động kinh doanh…

Thông thường chủ đầu tư sẽ cam kết hỗ trợ chi phí lãi vay cho khách hàng mua dự án, nhưng sự trầm lắng của thị trường bất động sản trong thời gian dài vừa qua không khỏi khiến nhiều ngân hàng lo ngại, bởi khi chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính, người mua nhà sẽ không được hỗ trợ nữa (đơn cử như dự án Aqua City của Tập đoàn NovaLand gần đây). Trong khi đó giá bất động sản không tăng như kỳ vọng của người mua nhà, đồng thời họ gặp khó khăn về tài chính thì người mua có xu hướng bàn giao lại tài sản cho ngân hàng để xỷ lý nợ. Mà một khi thị trường đã ảm đạm thì ngân hàng càng khó khăn trong xử lý tài sản đảm bảo là bất động sản. Lúc đó, ngân hàng có nguy cơ gặp rủi ro kép nếu cho cả chủ đầu tư và người mua nhà vay vốn.

Vietcombank đồng ý với việc giảm tỷ lệ cho vay tối đa đối với một khách hàng để hạn chế tập trung vốn theo Luật Các TCTD

Vietcombank đồng ý với việc giảm tỷ lệ cho vay tối đa đối với một khách hàng để hạn chế tập trung vốn theo Luật Các TCTD

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 công bố tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 6/2024 đạt mức 6% so với cuối năm 2023, trong khi nguồn vốn huy động tính đến ngày 24/6 có tốc độ tăng 1,5%. Theo số liệu thống kê của Bộ này, tính đến cuối tháng 4/2024, nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD là 816,9 nghìn tỷ đồng tương đương 4,93% tổng dư nợ, tăng 8,61% so với cuối năm 2023. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống các TCTD 6,95% tổng dư nợ - cao hơn mức 6,91% cuối năm 2023; và cao hơn nhiều so với mức 4,21% cuối năm 2022. Theo các NHTM, nguyên nhân nợ xấu mới phát sinh do khách hàng gặp khó khăn về tài chính vì tình hình kinh tế chưa ổn định sau dịch bệnh Covid-19, làm ảnh hưởng đến khả năng trả nợ. Nhiều khách hàng đã được cơ cấu lại nợ do tác động của Covid-19 theo Thông tư 02/2022/TT-NHNN, nhưng vẫn còn khó khăn về tài chính, không có khả năng trả nợ.

TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, mặc dù chính sách gia hạn nợ mà không chuyển nhóm nợ (theo Thông tư 02 trong một năm qua và mới đây NHNN ban hành Thông tư 06/2024/TT-NHNN kéo dài thời hạn áp dụng Thông tư 02 đến cuối năm 2024) là một giải pháp tích cực để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng mới để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Các khoản nợ được gia hạn trong một năm qua theo Thông tư 02 của toàn hệ thống TCTD tính đến cuối tháng 6/2024 khoảng 255.000 tỷ đồng, tuy nhiên trong đó có bao nhiêu phần trăm tỷ lệ nợ xấu vẫn là câu hỏi của tương lai.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank cho rằng, việc thực hiện gia hạn nợ mà không chuyển nhóm nợ sẽ đẩy lùi nợ xấu về tương lai. Đây là giải pháp tạm thời hỗ trợ doanh nghiệp và người đi vay vốn ngân hàng nhưng sẽ gây áp lực cho ngân hàng trong xử lý lý nợ sau này.

Cũng chính bởi vậy, trong cuộc họp gần đây, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú chỉ đạo các TCTD thực hiện chính sách gia hạn nợ có chọn lọc và đảm bảo hiệu quả cho khách hàng phục hồi để trả nợ vay cho ngân hàng. Lãnh đạo NHNN cũng đặt vấn đề, nếu chính sách gia hạn nợ không đạt được hiệu quả như mong muốn sẽ chọn chính sách khác hỗ trợ doanh nghiệp.

Các NHTM cho rằng, họ đang đứng trước áp lực tăng trưởng tín dụng và giữ chất lượng tín dụng trong bối cảnh nhu cầu vốn vay tăng cao từ tháng 5 và 6, trong khi nguồn vốn huy động đang bị các kênh đầu tư khác như trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán… cạnh tranh quyết liệt. Thời gian qua, các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động một số kỳ hạn để cơ cấu lại nguồn vốn tiếp tục cho vay với lãi suất thấp trong bối cảnh sức khỏe doanh nghiệp và hộ kinh doanh còn yếu đang là một thách thức rất lớn cho các ngân hàng.

Mặc dù các ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng tín dụng và tích cực xử lý nợ xấu, song theo các chuyên gia, “giải pháp căn cơ nhất” vẫn là kinh tế phục hồi. Chỉ có như vậy thì rủi ro nợ xấu mới giảm. Muốn vậy, cần có các chính sách đồng bộ để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế.

Tuy nhiên cũng có chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần có lộ trình phát triển đội ngũ doanh nghiệp có quy mô phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế. Những doanh nghiệp này sẽ có khả năng huy động nguồn lực trên thị trường vốn, mà không quá phụ thuộc vào kênh tín dụng ngân hàng, từ đó từng bước trả ngân hàng lại đúng vị trí là trung gian tài chính chuyên cung cấp vốn ngắn hạn trong nền kinh tế.

Thời báo ngân hàng
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang