Xây dựng chính sách, giải pháp đột phá phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển. Ảnh: HẢI NAM.
Tăng trưởng kinh tế khoảng 2,5-2,6%, nhiều thách thức
Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, 8 xu hướng mới của nền kinh tế hiện nay là, kinh tế thế giới phục hồi nhưng không đồng đều, rủi ro lại gia tăng (về mặt kinh tế, địa chính trị); phát triển về lối sống xanh hóa hơn; chính sách tiền tệ (CSTT) và tài khóa thay đổi rất lớn với nhiều CSTT chưa từng có tiền lệ được vận dụng thời gian qua; dịch bệnh trở thành xúc tác cho chuyển đổi số nhanh hơn, tổng kết sơ bộ 2 năm bằng 20 năm; cạnh tranh về chiến lược và bảo hộ thương mại; biến đổi khí hậu khắc nghiệt hơn…
Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong thập niên này ở cả thế giới và Việt Nam đang chậm lại. Tăng trưởng khoảng 2,5-2,6%, thấp hơn giai đoạn trước là 3,3-3,5%.
Nhận định chung, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho hay, bối cảnh mới hiện nay là những khó khăn, thách thức nghiệt ngã chưa từng thấy do những biến động dữ dội của địa chính trị và kinh tế thế giới, những rủi ro về biến đổi khí hậu, những đòi hỏi bức bách về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số từ những yếu kém nội tại và những bất cập về cơ chế chính sách.
Trên thế giới, chiến tranh đang diễn ra ngay giữa lòng châu Âu, Trung Đông và xung đột cục bộ diễn ra tại nhiều nơi khác. Ở thời điểm hiện tại, các dự báo về tăng trưởng kinh tế thế giới không mấy lạc quan, thậm chí đã có những cảnh báo về một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, vỡ "bong bóng chứng khoán" trong một tương lai gần.
"Điều cảnh báo này xuất phát từ những động thái gần đây trên thị trường tài chính tiền tệ quốc tế như việc Warren Buffett bán lượng cổ phiếu lớn trị giá tới 75,5 tỷ USD, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và ngân hàng trung ương nhiều nước giảm lãi suất, nhưng Nhật Bản ngược dòng tăng lãi suất để phục hồi giá trị đồng yên, những bất ổn mới của kinh tế Mỹ… Trật tự kinh tế thế giới cũ đang thay đổi và tại các diễn đàn chính thức, lãnh đạo một số quốc gia đã đề xuất kịch bản cho một trật tự kinh tế thế giới mới", ông Tuấn nói.
Còn trong nước, xuất khẩu và dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng cao. Tuy nhiên, hơn 70% kim ngạch xuất khẩu vẫn thuộc về khu vực FDI, sự kết nối giữa khu vực FDI với doanh nghiệp trong nước và giữa các tập đoàn lớn của Việt Nam với doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn lỏng lẻo.
Với bối cảnh trên, ông Tuấn cho rằng, nếu các vướng mắc, rào cản pháp lý không kịp tháo gỡ sẽ "chôn chân" các doanh nghiệp trước các cơ hội, thách thức mới.
Dây chuyền hàn tự động của THACO Trường Hải. Ảnh: NAM HẢI.
Đâu là giải pháp trọng tâm?
Trước bối cảnh này, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, doanh nghiệp chỉ cần Chính phủ đồng hành, giúp đỡ, hỗ trợ. Chính sách pháp luật nằm trong tay Chính phủ và có thể giải quyết và hỗ trợ thị trường.
Vậy, cần ưu tiên chính sách nào? TS Cấn Văn Lực kiến nghị bên cạnh giải pháp huy động vốn (theo Ngân hàng Thế giới - WB, Việt Nam cần tới 368 tỷ USD trong giai đoạn 2022-2040 (6,8% GDP/năm) để phát triển kinh tế xanh, hướng giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050), thì cần Nhà nước hoàn thiện khung chính sách, cơ chế thử nghiệm (sandbox) cho phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và các mô hình kinh doanh mới; quan tâm phát triển thị trường tài chính, nhất là thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường cổ phiếu, quỹ đầu tư, thị trường vốn đầu tư mạo hiểm...
Mặt khác, có chính sách, giải pháp đột phá phát triển nguồn nhân lực và khoa học - công nghệ trong bối cảnh mới; ưu tiên thích đáng phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), an ninh mạng và lựa chọn mô hình phát triển công nghiệp bán dẫn phù hợp…
Còn TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cũng tán thành ưu tiên những chính sách cho kinh tế xanh, kinh tế số và phát triển AI… Ông nói thêm, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm kiếm cơ hội; chấp nhận cạnh tranh cùng kết nối với đối tác giỏi nhằm học hỏi và chia sẻ; chuyển động cùng cách mạng công nghiệp 4.0; đối thoại và ứng xử theo luật (bảo đảm hợp đồng kinh doanh và bảo vệ quyền lợi).
Là một doanh nghiệp đi đầu về công nghệ, ông Lê Hồng Việt, Tổng Giám đốc Công ty TNHH FPT Smart Cloud cho hay, theo báo cáo gần đây nhất của Google & Bain Co., nền kinh tế số của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Quy mô và số lượng giao dịch tăng vọt của nền kinh tế số tạo ra số lượng dữ liệu khổng lồ, điều này đòi hỏi doanh nghiệp cần có một nền tảng linh hoạt để lưu trữ, xử lý dữ liệu, một công cụ mạnh mẽ để khai thác dữ liệu. AI là một trong những lời giải hàng đầu để giải quyết bài toán này.
Dẫn chứng từ báo cáo IBM năm nay, AI giúp 35% số doanh nghiệp tăng tối thiểu 5% doanh thu, có những đơn vị chạm mốc 20%, ông Việt cho rằng: "Doanh nghiệp Việt Nam có thể thoát khỏi vùng an toàn, khai phá những lĩnh vực kinh doanh mới nhờ ứng dụng AI. AI giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động, rút ngắn tốc độ ra quyết định và cải thiện trải nghiệm của khách hàng. Điều này giúp các doanh nghiệp Việt có thể đạt được những bước nhảy vọt về năng suất lao động để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Các mô hình tính toán hiệu năng lớn trong phát triển thuật toán AI cần tới những siêu máy tính và hạ tầng dữ liệu tiên tiến".
Để phát triển AI, việc đầu tư nghiên cứu và tự chủ về chip bán dẫn là một "vấn đề nóng" giữa các quốc gia. "Thị trường bán dẫn toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng 2 con số trong những năm tới để đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Việt Nam đã và đang xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035. Chiến lược sẽ đề ra tầm nhìn, khẳng định quyết tâm, mục tiêu, lộ trình, các nhiệm vụ giải pháp cũng như các chính sách ưu đãi đặc biệt của Việt Nam nhằm phát triển công nghiệp điện tử nói chung và công nghiệp bán dẫn nói riêng", ông Việt nói.
Ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) nhận định, Việt Nam có lợi thế trong khai thác những lợi ích to lớn mà AI có thể mang đến. Bao gồm: Dân số trẻ, được đào tạo và có hiểu biết về công nghệ, trong đó 70% công dân dưới 35 tuổi; nền kinh tế internet phát triển nhanh thứ hai ở Đông Nam Á với tổng giá trị hàng hóa được dự báo sẽ tăng ở mức 29% hằng năm cho đến năm 2025; các chính sách hỗ trợ nhằm thúc đẩy triển khai và cải tiến công nghệ số, chẳng hạn như chính sách về cách mạng công nghiệp 4.0, chiến lược AI.
Tuy nhiên, ông Thịnh lưu ý, AI cũng mang đến một số thách thức cho nền kinh tế và mỗi doanh nghiệp, như: Sự biến mất hoặc suy giảm mạnh của nhiều ngành, lĩnh vực kinh doanh; trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế rất nhiều lập trình viên, giáo viên, diễn viên, nhân viên marketing, kỹ sư, tổng đài viên…; sự cạnh tranh gay gắt theo mức độ ứng dụng AI trong sản phẩm, dịch vụ.
Vì thế, cần xác định những khâu, những quy trình có thể ứng dụng AI để tăng năng lực cạnh tranh, giảm giá thành; khả năng khởi nghiệp (startup) với AI; lan tỏa lợi ích AI, thúc đẩy ứng dụng AI trong doanh nghiệp, người dân, khu vực công.