TS. Nguyễn Quốc Thập: Cần mở rộng cơ chế bán điện trực tiếp cho các nhà máy điện khí LNG

TS. Nguyễn Quốc Thập: Cần mở rộng cơ chế bán điện trực tiếp cho các nhà máy điện khí LNG

Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cho rằng, cần mở rộng cơ chế bán điện trực tiếp cho các nhà máy điện khí LNG, tạo cơ sở điều tiết giá khí LNG theo thị trường.

Nguồn:Petrotimes

Tại Diễn đàn "Chuỗi phân phối khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) toàn cầu và vị thế của Việt Nam" vừa diễn ra, TS. Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam (Hội DKVN) bày tỏ lo ngại về mục tiêu phát triển thị trường LNG, bởi nhìn thấy còn nhiều khó khăn, vướng mắc từ các dự án điện khí hiện nay.

“Để các dự án LNG về đích như quy hoạch, còn rất nhiều việc phải làm và cần sự đột phá về tư duy. Luật Điện lực ra đời đã tạo bước chuyển nhận thức mới về điện khí LNG, tuy nhiên cơ chế trên tinh thần mở, chuyển Chính phủ ban hành các quy định cụ thể. Các nghị định, thông tư mới đang được dự thảo để ban hành trong thời gian tới, nhưng khi thực hiện cần đồng bộ các bộ luật liên quan bởi luôn có yêu cầu tuân thủ khung pháp lý hiện hành”, TS. Thập chỉ ra.

Theo ông Thập, cần mở rộng cơ chế bán điện trực tiếp cho các nhà máy điện khí LNG, nhà sản xuất được ký trực tiếp với các nhà máy, khu công nghiệp tiêu thụ. Bởi với yêu cầu các sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam sang một số quốc gia phải chứng minh xuất xứ, sản xuất từ nguồn điện sạch, từ đó cũng hình thành nhu cầu sử dụng năng lượng sạch của các nhà sản xuất. “Tức là hãy để thị trường trực tiếp quyết định giá điện khí LNG”, ông Thập cắt nghĩa.

Chủ tịch Hội DKVN cũng cho biết, hiện giá dầu Brent thế giới được dự báo sẽ giữ ổn định ở mức 75-85 USD/thùng. Giá khí LNG được tính theo giá dầu (từ 12-15%), dao động tùy vào mức đàm phán nếu có hợp đồng mua LNG dài hạn. Muốn có điều này phải có hợp đồng mua bán điện dài hạn với tối thiểu cam kết từ 70% trở lên.

Trong bối cảnh Việt Nam đang muốn thu hút công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao, các nhà đầu tư yêu cầu lớn về điện sạch và ổn định, thì chỉ có điện khí LNG đáp ứng được tiêu chí. Do đó, để giải quyết bài toán về giá, TS. Nguyễn Quốc Thập đề nghị mở rộng đối tượng mua bán điện trực tiếp, để thị trường tự quyết định.

Thông tin về chính sách tiêu biểu của các nước trong lĩnh vực LNG, ông John Rockold, Trưởng Nhóm công tác Điện và Năng lượng, đồng Chủ tịch Tiểu ban Năng lượng AmCham cho biết, với sự phát triển của công nghệ, giá thành LNG trong tương lai sẽ hạ xuống thấp. Việc sử dụng LNG sẽ giúp giảm 30% khí thải ra môi trường và sạch hơn than đá 60%.

Về vấn đề giá, ông Đào Nhật Đình, chuyên gia năng lượng cho rằng, chưa thể dự báo khả quan là giá khí sẽ có cơ sở giảm, nhất là khi giá thành LNG trong sản xuất điện. Tuy nhiên, các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, điện gió ngoài khơi với đặc tính không ổn định, không chạy quanh năm, cần phải có giải pháp để thị trường điện khí LNG được khai thông.

TS. Nguyễn Quốc Thập: Cần mở rộng cơ chế bán điện trực tiếp cho các nhà máy điện khí LNG

Trong bối cảnh Việt Nam đang muốn thu hút công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao, các nhà đầu tư yêu cầu lớn về điện sạch cùng tính ổn định, do đó cần phát triển điện khí LNG.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh khẳng định, tham vọng của Quy hoạch Điện VIII là rất lớn, yêu cầu có nguồn điện đủ và ổn định, giá rẻ. Tuy nhiên, trong bức tranh trung hạn 5-7 năm tới, việc kéo giá khí LNG xuống vẫn còn khó khăn, chỉ có thể hy vọng ở công nghệ. Phát triển ngành công nghiệp điện khí LNG là mục tiêu, tầm nhìn lớn của đất nước, thời gian qua chúng ta đã rất nỗ lực hoàn thành khuôn khổ pháp lý cho thị trường LNG. Và trong chặng đường này Việt Nam không thể đi một mình mà cần hợp tác với các đối tác chiến lược trên toàn cầu, đảm bảo nguồn cung LNG dài hạn và chuyển giao công nghệ.

Còn nhiều gian nan...

Dẫn ra một số vướng mắc của các dự án điện khí LNG điển hình ở nước ta, ông Lã Hồng Kỳ, Ban Chỉ đạo Dự án năng lượng quốc gia liệt kê: Dự án NMNĐ Nhơn Trạch 3&4; Dự án NMNĐ Ô Môn IV; Dự án NMNĐ Dung Quất I, III; Dự án NMNĐ Miền Trung I, II; Dự án LNG Quảng Ninh…

Theo ông Kỳ, hiện trong kế hoạch thực hiện quy hoạch, một số đường dây đấu nối đồng bộ để giải tỏa công suất cho các dự án nhà máy điện lớn chưa được giao chủ đầu tư, ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện các dự án đường dây và việc đàm phán các thỏa thuận đấu nối giải tỏa công suất cho một số dự án điện khí.

Các chủ đầu tư đã được giao dự án đều gặp khó khăn, vướng mắc trong thu xếp vốn vay do phải đáp ứng các yêu cầu của tổ chức tín dụng do còn một số vướng mắc liên quan đến sản lượng Qc dài hạn ổn định hoặc chuyển ngang cam kết sản lượng mua khí từ hợp đồng mua khí sang hợp đồng mua điện; vấn đề chuyển ngang giá khí sang giá điện.

Ngoài ra, các chủ đầu tư nước ngoài còn yêu cầu bảo lãnh của Chính phủ như: Bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ, bảo lãnh thanh toán và chấm dứt hợp đồng của EVN, bảo lãnh rủi ro tiến độ đường dây truyền tải điện…

Đối với các chuỗi dự án khí, đòi hỏi tính đồng bộ cả về kỹ thuật và hiệu quả đầu tư của từng dự án thành phần, tính hiệu quả của từng dự án thành phần phụ thuộc vào nhiều yếu tố, khó lường trước, gây tâm lý e ngại cho các nhà đầu tư. Các dự án này thường có thời gian thực hiện kéo dài, do nhiều chủ đầu tư khác nhau (bao gồm cả chủ đầu tư nước ngoài) thực hiện, chịu sự điều chỉnh của nhiều bộ luật liên quan. Vì vậy, trong quá trình triển khai khó lường hết được những vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ tổng thể của cả chuỗi dự án.

Do đó, ông Lã Hồng Kỳ cho rằng, để các dự án nhà máy nhiệt điện khí tiếp tục được triển khai đúng tiến độ, ngoài việc xác định cơ cấu nguồn điện phù hợp, cần phải tập trung xây dựng cơ chế, chính sách để giải quyết các khó khăn, thách thức nêu trên.

Petrotimes
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang