Quốc hội Hàn Quốc liên tiếp điều trần về bê bối chính trị

Quốc hội Hàn Quốc liên tiếp điều trần về bê bối chính trị

Ngày 9/1, Ủy ban đặc biệt của Quốc hội Hàn Quốc phụ trách điều tra vụ bê bối liên quan đến Tổng thống bị luận tội Park Geun-hye quyết định thúc đẩy kéo dài điều trần về vụ việc này trong bối cảnh hầu hết các nhân chứng chính không tham dự.


 

Toàn cảnh phiên điều trần của Tòa án Hiến pháp ở Seoul ngày 22/12. Ảnh: EPA/TTXVN

Quốc hội Hàn Quốc đã tiến hành cuộc điều trần thứ 7 về vụ bế bối vào ngày 9/1, nhưng trong số 20 nhân chứng mà ủy ban đặc biệt triệu tập chỉ có 3 người có mặt. Trong số các nhân chứng không tham dự cuộc điều trần này có 2 cựu thư ký của tổng thống Park Geun-hye từng trợ giúp bà trong gần 2 thập kỷ qua, cùng Bộ trưởng Thể thao và Văn hóa đương nhiệm, và cựu trợ lý cấp cao của tổng thống phụ trách giám sát cơ quan tình báo, cơ quan công tố và cảnh sát.

Tại cuộc điều trần được truyền hình trực tiếp toàn quốc, Chủ tịch ủy ban trên, Nghị sĩ Kim Sung Tae cho biết các nghị sĩ sẽ thúc đẩy kéo dài cuộc điều tra của quốc hội, ban đầu dự kiến kết thúc trong tuần này. Quyết định này cần được sự đồng ý của 4 đảng chính trị chính.

Nhóm điều tra độc lập triệu tập các lãnh đạo tập đoàn Samsung 

Cùng ngày, tổ công tố độc lập phụ trách điều tra vụ bê bối trên đã triệu tập hai lãnh đạo chủ chốt của tập đoàn Samsung vì các cáo buộc hối lộ, gồm người đứng đầu văn phòng chiến lược tương lai của tập đoàn, ông Choi Ji-sung, và phó phụ trách văn phòng này Chang Chung Ki. Ông Choi đã đến trình diện tại văn phòng của tổ công tố đặc biệt.

Người phát ngôn tổ công tố đặc biệt cho biết ông Choi Ji-sung được coi là nhân vật số 2 của tập đoàn Samsung dưới sự lãnh đạo của Phó Chủ tịch công ty Samsung Electronics Lee Jae-yong, người kế thừa của Chủ tịch Lee Kun-hee đã phải nhập viện điều trị bệnh tim 2 năm rưỡi qua. 

Văn phòng chiến lược tương lai của Samsung, thực chất là bộ phận kiểm soát tập đoàn gia đình lớn nhất Hàn Quốc này, bị nghi đã hối lộ Tổng thống Park và người bạn thân của bà là Choi Soon-sil để được ưu ái trong vụ sáp nhập quan trọng nhất của tập đoàn hồi tháng 7/2015.

Vụ sáp nhập giữa Samsung C&T và Cheil Industries nhằm tạo ra công ty nắm giữ tập đoàn để tiến tới chuyển giao quyền lãnh đạo tập đoàn từ Chủ tịch Lee Kun-hee cho người con trai duy nhất là Lee Jae-yong. Cơ quan Hưu trí Quốc gia (NPS) của Hàn Quốc đã phê chuẩn việc sáp nhập trên bất chấp sự phản đối mạnh của các cổ đông nước ngoài cho rằng tỷ lệ trao đổi không công bằng. Khi đó NPS là cổ động lớn nhất của Samsung C&T. Người đứng đầu NPS Moon Hyung-pyo đã bị bắt giữ ngày 31/12/2016 để phục vụ công tác điều tra.

Tổng thống Park bị nghi đã ra lệnh cho cựu Bộ trưởng Y tế và Phúc lợi xã hội - người hiện đang bị giam giữ để điều tra - gây sức ép với NPS để phê chuẩn vụ sáp nhập trên. Samsung đã quyên góp khoản tiền lớn nhất cho hai quỹ phi lợi nhuận do bà Choi quản lý, đồng thời quyên góp hàng triệu USD cho một trung tâm thể thao mùa Đông được cho là do bà Choi và một người cháu gái của bà điều hành.

Theo TTXVN

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang