Sàn giao dịch hàng hóa Việt Nam: Không thể rập khuôn mô hình nước ngoài

Sàn giao dịch hàng hóa Việt Nam: Không thể rập khuôn mô hình nước ngoài

Cùng với sự ra đời của thị trường chứng khoán, sàn giao dịch hàng hóa trở thành một phương thức kinh doanh hiện đại mà nhiều nước đã và đang phát triển áp dụng thành công hàng trăm năm qua.


Ngày 16/7 tới đây, Sàn Giao dịch Hàng hóa Việt Nam sẽ chính thức đi vào hoạt động để kết nối liên thông với các sàn giao dịch hàng hóa trên thế giới. Là một nước có thế mạnh cung ứng hàng hóa nông sản nhưng hầu hết các sàn giao dịch của Việt Nam trước đây đều hoạt động lay lắt.

Nguyên nhân thì nhiều, trong đó có sự thiếu năng lực để xây dựng một sàn giao dịch hàng hóa phù hợp với đặc trưng sản xuất trong nước.

Sàn giao dá»ch hàng hóa Viá»t Nam: Không thá» rập khuôn mô hình nÆ°á»c ngoài

Sàn giao dịch hàng hóa hoạt động hiệu quả sẽ thúc đẩy các ngành nông nghiệp như cà phê phát triển mạnh hơn. Ảnh minh họa

Từ câu chuyện vươn ra toàn cầu của cà phê Ethiopia

Cà phê được trồng ở Ethiopia từ nhiều thế kỷ nhưng đến năm 2008, hơn 95% người trồng cà phê nước này vẫn thuộc diện sản xuất nhỏ lẻ, khó tiếp cận thông tin thị trường và thường xuyên bị ép giá. Nếu một doanh nghiệp muốn mua cà phê Ethiopia với số lượng lớn ngay tại nguồn cung cấp, doanh nghiệp đó phải nhờ một người đại diện lấy mẫu thử từ từng bao tải cà phê một để nếm hương vị và đánh giá chất lượng. Với cách làm thủ công này, rất ít sản phẩm cà phê Ethiopia tiếp cận được thị trường toàn cầu.

Nhưng câu chuyện trên đã thay đổi khi chính phủ nước này quyết tâm xây dựng sàn giao dịch hàng hóa với mục đích dân chủ hóa quyền buôn bán trên thị trường cho nông dân trồng cà phê, đậu, bắp, lúa mì và một số hàng hóa khác.

Nòng cốt của Sàn Giao dịch Hàng hóa Ethiopia (ECX) là một hệ thống phân hạng cà phê “ẩn danh” mà qua đó, các chuyên gia thử cà phê sẽ thử vị hàng mẫu trước và xếp hạng từng lô cà phê được giao bán. Có cả một thiết kế thị trường rất chặt chẽ được đưa vào các quy định, đó là thiết kế thị trường được lồng vào trong cách tổ chức hệ thống xếp hạng chất lượng. Chẳng hạn, việc thử cà phê là thử “bịt mắt”; người thử không được biết họ đang thử cà phê của ai. Bằng không, họ có thể bị người bán hối lộ.

Việc tiêu chuẩn hóa cà phê trong thực tế còn cải thiện chất lượng của việc thu hoạch cà phê. Hạt cà phê đạt chất lượng cao nhất khi trái đã chín đỏ, nhưng người mua hạt không thể phân biệt bằng mắt đâu là hạt từ trái chín hay trái còn xanh vì thế trước đây, người nông dân Ethiopia thường gặt một loạt trái chín lẫn trái xanh, miễn sao thuận tiện cho mình. Từ khi có sàn giao dịch với chuyên gia nếm cà phê chuẩn xác, người nông dân bắt đầu tập thói quen thu hoạch cà phê khi trái đạt chất lượng cao nhất để có giá bán tốt nhất.

Kết quả là khách hàng quốc tế có thể mua hạt cà phê Ethiopia với số lượng lớn từ xa mà không phải nếm thử cà phê tại chỗ, và từ nhiều người bán khác nhau mà không phải lo ngại về uy tín hay nguồn gốc của họ.

Theo ông Edward George - Giám đốc nghiên cứu tại Ngân hàng liên châu Phi Ecobank thì Sàn Giao dịch Hàng hóa Ethiopia đã nhanh chóng thu hút một số lượng lớn nông dân tham gia giao dịch. Với khoảng 60% sản lượng cà phê của Ethiopia giao dịch thông qua sàn, hiện thu nhập của nông dân trồng cà phê đã tăng 60% so với trước khi có ECX và nhiều mối lái trung gian phải rời ngành kinh doanh này.

Nhìn lại thực tế Việt Nam

Tại Việt Nam, từ năm 2005, Luật Thương mại đã đặt nền móng đầu tiên về các quy định quản lý nhà nước đối với sàn giao dịch hàng hóa. Tuy nhiên sau 13 năm, việc xây dựng các sàn giao dịch hàng hóa nước ta vẫn ở bước khởi động. Từ năm 2006 đến nay, tổng giá trị giao dịch các hợp đồng qua các sở giao dịch hàng hóa, trong đó chủ yếu là giao dịch mặt hàng cà phê đạt chưa đến 8 ngàn tỷ đồng (khoảng 350 triệu USD), chỉ bằng khoảng 1% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam.

Nhiều người cho rằng nguyên nhân chính là do nông dân và giới kinh doanh nông sản trong nước không thay đổi được thói quen sản xuất mua bán nhỏ lẻ, ngại học hỏi cách giao dịch hiện đại.

Nếu nhìn vào Ethiopia sẽ thấy trước năm 2008, thực trạng sản xuất và mua bán cà phê nước này manh mún y như Việt Nam. Tuy nhiên sàn giao dịch hàng hóa nước này đã nhanh chóng đạt được thành công, trong khi các nước chung quanh cũng xây dựng sàn giao dịch và hầu hết đều thất bại giống Việt Nam.

Giám đốc nghiên cứu của Ecobank cho rằng Ethiopia đã địa phương hóa thành công sàn giao dịch của mình khi đặt các nhà kho và chuỗi cung ứng ở trung tâm chiến lược phát triển. Những người đứng đầu ngành cà phê đã tạo ra một mạng lưới các nhà kho, thông qua đó họ thiết lập một sàn giao dịch để buôn bán các hợp đồng này tại Addis Ababa.

Nhờ mạng lưới này, nông dân có thể vận chuyển cà phê tới một nhà kho địa phương, được phân loại và chứng nhận, sau đó nhận ngay một chứng từ mà họ có thể bán được trên sàn giao dịch. Ông Edward George cho biết nông dân nắm vững giá cả đang giao dịch trên sàn tại Addis Ababa, (được sàn giao dịch gửi bằng tin nhắn điện thoại và hiển thị giá cả trên các biển điện tử trên khắp vùng sản xuất nông nghiệp). Giới quản lý ngành cà phê đã tạo ra một hệ thống giúp nông dân dễ dàng biết được diễn biến thị trường.

Ông Edward George cho biết thêm rằng sàn giao dịch Ethiopia này hoàn toàn được nước này tự xây dựng, chính quyền đã không lấy bất cứ nguồn lực nào từ bên ngoài. Bản chất tự tạo dựng này là yếu tố quan trọng cho sự thành công của ECX.

Tại châu Phi – theo nhận định của ông Edward George, mỗi mô hình chỉ thích ứng với điều kiện cụ thể của riêng nó, nếu áp dụng một mô hình giống hệt nhau cho những địa phương khác nhau thì rất khó thành công. Điều này có lẽ đúng với cả Việt Nam.

Đa số các nước, trong đó có Việt Nam muốn nhập khẩu một mô hình sàn giao dịch từ Mỹ hoặc châu Âu rồi áp dụng rập khuôn, chứ không chú trọng sáng tạo và địa phương hóa cho phù hợp với quốc gia mình như Ethiopia đã làm. Muốn xây dựng sàn giao dịch để kinh doanh hàng hóa, ngành cà phê cũng như các ngành nông nghiệp khác phải đầu tư phát triển bến bãi kho hàng, đội ngũ tiếp thị ra quốc tế, phải có được những người kinh doanh am hiểu sâu về ngành hàng… Một khi sàn giao dịch hàng hóa hoạt động hiệu quả, thị trường sẽ có thêm sự tham gia trực tiếp của các định chế tài chính, quỹ đầu tư, nhà đầu tư… giúp huy động vốn nhanh chóng cho sản xuất. Quan trọng hơn, sàn giao dịch hàng hóa chính là trung gian để kết nối thị trường hàng hóa trong nước và quốc tế.

Đầu tháng 5 vừa qua Chính phủ đã ra Nghị định 51/2018 nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 158/2006 về hoạt động mua bán hàng hóa qua sàn giao dịch hàng hóa. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều người làm kinh doanh, để sàn giao dịch hàng hóa khởi sắc thì cùng với Nghị định, người thành lập sàn phải hiểu rõ cơ chế hoạt động của sàn, có những quy chế hoạt động phù hợp và chi tiết. Như vậy mới thuyết phục được nhiều thành phần cùng tham gia.

Theo DNSG

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang