Ai quyết định thông tin?
Chỉ sau một thời gian ngắn, trước khi nhiều người kịp nhận ra, ảnh hưởng của kỹ thuật số đã bao trùm mọi lĩnh vực của đời sống. Và cũng chỉ trong vài năm ngắn ngủi, cục diện của truyền thông đã hoàn toàn thay đổi. Thông tin đang khan hiếm bỗng trở nên dồi dào, phong phú và đa dạng.
Trước đây, báo chí phụ trách việc đưa thông tin đến với công chúng. Chỉ duy nhất báo chí là cầu nối giữa doanh nghiệp với khách hàng cũng như các mối quan hệ đối tác tiềm năng của doanh nghiệp.
Rồi truyền thông xã hội xuất hiện. Chỉ với mội chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet, ai cũng có thể trở thành “nhà báo” với việc phát tán thông tin ở bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào. Những “nhà báo” này có thể là bất cứ ai, khách hàng trung thành, khách hàng tiềm năng hay thậm chí là doanh nghiệp đối thủ.
Theo bà Nguyễn Minh Hương – Tổng giám đốc Công ty Golden Communication Group: “Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ người dân sử dụng internet rất cao, chiếm hơn 50% dân số. Mỗi ngày người Việt dùng laptop, tablet hơn 4 giờ, điện thoại là 2 giờ 30 phút và khoảng 1 giờ 30 phút xem tivi. Tổng cộng mỗi người mất gần 8 giờ mỗi ngày để kết nối với hệ thống kỹ thuật số”.
Giờ đây doanh nghiệp đã không còn làm chủ được thông tin, nên nếu không ý thức được điều này sẽ dễ dàng đánh mất khách hàng cũng như gặp khó khăn trong việc xây dựng khách hàng trung thành.
Nếu không có thương hiệu, không ai biết đến doanh nghiệp là ai, doanh nghiệp như thế nào. Không hiện diện trong tâm trí khách hàng, doanh nghiệp không là gì cả.
Bà Hương chia sẻ: “Khác với tên công ty, bởi có thể tiếp nhận bằng các hình thức nghe nhìn, còn thương hiệu doanh nghiệp hiện diện trong tâm trí người tiêu dùng. Với lượng thông tin khổng lồ tràn ngập các trang mạng, xây dựng uy tín thương hiệu là một trong những yếu tố cạnh tranh đắc lực bên cạnh các giá trị cốt lõi, giá trị chất lượng sản phẩm, giá cạnh tranh.
Trên mạng xã hội, các diễn đàn, mỗi một khách hàng là một nhà đầu tư, là người có quyền quyết định chọn thương hiệu. Không còn nữa các công cụ có thể kiểm soát tình cảm và nhận thức của khách hàng, cũng như phát ngôn hay đánh giá nhận xét của họ”.
Marketing phải phù hợp
Để đối mặt với những thách thức mới, chiến lược marketing thương hiệu được nhiều doanh nghiệp đưa ra để nhận diện chính mình và để khách hàng biết đến mình nhiều hơn.
Tuy nhiên, theo nhận định chung, đối phó với truyền thông thời đại kỹ thuật số, việc ai tạo ra thông tin, ai nắm giữ thông tin không quan trọng bằng việc doanh nghiệp xây dựng được chiến lược phát triển thương hiệu phù hợp với giá trị cốt lõi. Chỉ khi hiểu và xác định rõ giá trị cốt lõi thì doanh nghiệp mới có thể làm thương hiệu hiệu quả.
Ông Huỳnh Ngọc Duy – CEO Công ty Mắt Bão chia sẻ: “Phần lớn doanh nghiệp cho rằng cứ làm marketing thương hiệu giống như các doanh nghiệp lớn thì sẽ thành công. Thực ra trước khi thành công, những doanh nghiệp lớn không làm truyền thông như bây giờ. Họ không đổ ra hàng đống tiền để thực hiện những chiến dịch quảng cáo, khuyến mãi, họ không làm các nghiên cứu thị trường tốn kém, họ không có phòng R&D, không chi tiền để các hãng truyền thông tạo ra những câu chuyện trên mạng xã hội hay bất cứ kênh truyền thông nào đó chỉ với mục đích lôi kéo người tiêu dùng chú ý. Họ chỉ nỗ lực hoàn thiện sản phẩm và làm thật tốt dịch vụ. Họ giải quyết vấn đề của khách hàng chứ không phải giải quyết vấn đề do truyền thông tạo ra”.
Cùng nhận định của ông Duy, bà Nguyễn Hương Quỳnh – Tổng giám đốc Neilsen Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp thương mại điện tử thường chi rất nhiều tiền vào chương trình khuyến mãi để lôi kéo khách hàng thông qua các trang web, mạng xã hội, diễn đàn nhưng chỉ giữ được khách hàng một khi nắm rõ yêu cầu của khách hàng đối với sản phẩm, dịch vụ và đã nỗ lực ra sao để mang đến cho khách hàng điều tốt nhất có thể”.
Mặc dù truyền thông kỹ thuật số đã khiến tình thế đảo chiều khi người tiêu dùng giờ có thể tạo ra thông tin, nhưng không thể phủ nhận thương hiệu tốt đặc biệt phát huy hiệu quả với công cụ digital trong việc kết nối với khách hàng và giữ khách hàng trung thành.
Đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), việc tận dụng tốt các công cụ số như website, mạng xã hội, diễn đàn thì sẽ lắng nghe người tiêu dùng nhanh nhất, hiểu được người tiêu dùng muốn gì để phát huy tốt nhất giá trị cốt lõi, cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp xây dựng thương hiệu hiệu quả mà ít tốn kém.
Theo DNSG