Bảo hộ sở hữu trí tuệ 'lá chắn pháp lý' cho thương hiệu Việt trong hội nhập

Bảo hộ sở hữu trí tuệ 'lá chắn pháp lý' cho thương hiệu Việt trong hội nhập

Việt Nam đã ký 17 FTA, chủ động bảo hộ sở hữu trí tuệ sẽ giúp các doanh nghiệp Việt bảo vệ sản phẩm, thương hiệu của mình ở thị trường trong và ngoài nước.

Nguồn:Thương hiệu quốc gia

Bảo hộ sở hữu trí tuệ: “lá chắn pháp lý” cho thương hiệu Việt

Theo ông Trần Lê Hồng, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), việc bảo hộ sở hữu trí tuệ (SHTT) trong các FTA được áp dụng không phân biệt giữa tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài. Vì vậy, ở cả thị trường trong nước và thị trường các nước thành viên các FTA, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được hưởng sự bảo hộ cao đối với thành quả đầu tư cho hoạt động sáng tạo, từ sáng tạo, đổi mới công nghệ, mẫu mã, bao bì đến nhãn hiệu.

Bảo hộ sở hữu trí tuệ “lá chắn pháp lý” cho thương hiệu Việt trong hội nhập

Sản phầm Trà Hoa Vàng được giới thiệu tại ngày hội Sở hữu trí tuệ tháng 3/2024. Ảnh: Thu Hường

Ngày nay, xây dựng và phát triển thương hiệu của Việt Nam tại thị trường quốc tế vừa có nhiều cơ hội thuận lợi nhưng cũng không ít những khó khăn, thách thức. Cùng với sự phát triển thời đại số, của internet và sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng của khách hàng đã tạo ra một môi trường kinh doanh toàn cầu mới, nơi các doanh nghiệp cần phải thích ứng nhanh chóng để xây dựng, duy trì và phát triển thương hiệu của mình.

Trong xu thế đó, ông Trần Lê Hồng cho rằng các doanh nghiệp cần xác định chiến lược/kế hoạch SHTT phải gắn với chiến lược kinh doanh, chiến lược xuất khẩu.

“Trong đó với mỗi thị trường doanh nghiệp lựa chọn ngoài nghiên cứu về nhu cầu sản phẩm dịch vụ, yêu cầu kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu cần tìm hiểu quy định về bảo hộ quyền SHTT ở từng quốc gia vì mỗi quốc gia có những quy định về bảo hộ khác nhau”- ông Hồng cho hay.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần xác định các tài sản trí tuệ cốt lõi của doanh nghiệp để có kế hoạch bảo hộ. Đồng thời cân nhắc để lựa chọn thời điểm, đối tượng phù hợp để đăng ký bảo hộ ở nước ngoài do chi phí đăng ký ở nước ngoài khá cao.

Theo vị chuyên gia này, đối với các sản phẩm, dịch vụ có uy tín các doanh nghiệp cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa xâm phạm, đặc biệt là đối với các dấu hiệu chỉ dẫn thương mại tránh vướng vào các khiếu kiện, tranh chấp không cần thiết ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp và tốn kém chi phí.

“Trong các hợp tác kinh doanh với đối tác nước ngoài, cần lưu ý về các điều khoản SHTT để đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp mình và đặc biệt cần lưu ý trong nâng cao nhận thức và kỹ năng về bảo hộ quyền SHTT của nhân viên, người lao động trong doanh nghiệp, có các chính sách khuyến khích người lao động tạo ra các tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp. Điều này vừa là để bảo vệ các tài sản trí tuệ của doanh nghiệp vừa tạo động lực cho người lao động”- ông Hồng nhấn mạnh và cho rằng doanh nghiệp muốn phát triển bền vững, muốn trụ vững trên thị trường thì cần sớm bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm, hàng hóa và tài sản trí tuệ của doanh nghiệp- đây được xem là “lá chắn pháp lý” của doanh nghiệp.

Những điều doanh nghiệp cần lưu ý

Lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ cũng đưa ra một số khuyến nghị cho doanh nghiệp khi doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu ở thị trường quốc tế.

Một là, văn hóa thương hiệu phù hợp. Quá trình xây dựng thương hiệu doanh nghiệ cần phải hiểu và tôn trọng văn hóa địa phương là rất quan trọng. Mỗi quốc gia, mỗi khu vực đều có những giá trị, tín ngưỡng và phong tục riêng. Điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cách mà khách hàng tiếp nhận và tương tác với thương hiệu.

Bảo hộ sở hữu trí tuệ “lá chắn pháp lý” cho thương hiệu Việt trong hội nhập

Huyện Tân Yên giới thiệu sản phẩm sâm Nam núi Dành được cấp chỉ dẫn địa lý và đang xúc tiến thương mại tại thị trường Hoa Kỳ. Ảnh: Thu Hường

Do đó, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ lưỡng về văn hóa của thị trường mục tiêu, từ đó điều chỉnh thông điệp và chiến lược tiếp thị sao cho phù hợp để xây dựng thương hiệu ở thị trường quốc tế đạt hiệu quả. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần lưu ý đến ngôn ngữ và cách diễn đạt trong các chiến dịch tiếp thị. Sự khác biệt về ngôn ngữ không chỉ là vấn đề về dịch thuật mà còn liên quan đến sắc thái, cách dùng từ và cách truyền đạt thông điệp. Một thông điệp quảng cáo có thể mang ý nghĩa tích cực ở quốc gia này nhưng lại bị hiểu nhầm hoặc mang ý nghĩa tiêu cực ở quốc gia khác. Vì vậy, doanh nghiệp cần thực hiện các thử nghiệm và khảo sát nhỏ trước khi triển khai chiến dịch rộng rãi để đảm bảo rằng thông điệp của mình được truyền tải một cách chính xác và phù hợp.

Hai là, đo lường và theo dõi chỉ số. Để đảm bảo chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu của Việt Nam tại thị trường quốc tế quốc tế đạt hiệu quả, việc đo lường và theo dõi các chỉ số hiệu suất là cần thiết. Các chỉ số này có thể bao gồm mức độ nhận diện thương hiệu, tương tác của khách hàng, doanh thu từ thị trường quốc tế và mức độ hài lòng của khách hàng. Sử dụng các công cụ phân tích và theo dõi hiệu suất sẽ giúp doanh nghiệp có cái nhìn tổng quan và chi tiết về kết quả hoạt động. Từ đó, doanh nghiệp có thể đưa ra các điều chỉnh cần thiết để cải thiện chiến lược. Việc theo dõi liên tục cũng giúp nhận diện sớm các vấn đề và cơ hội mới, từ đó tối ưu hóa chiến lược thương hiệu.

Ba là, xây dựng lòng tin với khách hàng ở thị trường quốc tế. Xây dựng lòng tin là yếu tố then chốt trong việc xây dựng thương hiệu ở thị trường quốc tế. Khách hàng ở các quốc gia khác nhau thường có những tiêu chuẩn và kỳ vọng khác nhau đối với sản phẩm và dịch vụ. Doanh nghiệp cần chứng minh sự cam kết của mình đối với chất lượng và uy tín thông qua việc tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, việc cung cấp dịch vụ khách hàng tốt và tạo mối quan hệ lâu dài với khách hàng cũng rất quan trọng. Đánh giá và phản hồi tích cực từ khách hàng có thể tạo ra sự lan tỏa mạnh mẽ, giúp thương hiệu xây dựng được lòng tin và danh tiếng tại thị trường quốc tế.

Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp sản phẩm và dịch vụ chất lượng, doanh nghiệp cũng cần chú trọng đến các hoạt động xã hội và trách nhiệm cộng đồng. Những hành động như tham gia các hoạt động từ thiện, bảo vệ môi trường hoặc hỗ trợ các dự án cộng đồng tại địa phương có thể giúp nâng cao hình ảnh khi xây dưng thương hiệu quốc tế và tạo dựng lòng tin với khách hàng. Khách hàng ngày nay không chỉ quan tâm đến chất lượng sản phẩm mà còn chú trọng đến giá trị và đạo đức của thương hiệu. Do đó, việc thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp có thể là một yếu tố quan trọng giúp xây dựng và duy trì lòng tin của khách hàng ở thị trường quốc tế.

Bảo hộ sở hữu trí tuệ “lá chắn pháp lý” cho thương hiệu Việt trong hội nhập

Đoàn Công tác của Bộ Nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản cùng Cục Sở hữu trí tuệ về Lục Ngạn kiểm tra đánh giá lại chỉ dẫn địa lý cho quả vải thiều Lục Ngạn. Ảnh: Thu Hường

Bốn là, đầu tư vào nghiên cứu thị trường. Nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng trước khi xây dựng thương hiệu tại thị trường quốc tế và tham gia vào một thị trường mới là điều không thể thiếu. Thông qua nghiên cứu, doanh nghiệp có thể hiểu rõ hơn về nhu cầu, sở thích và thói quen tiêu dùng của khách hàng địa phương. Điều này giúp doanh nghiệp phát triển các sản phẩm và dịch vụ phù hợp, đồng thời xây dựng chiến lược tiếp thị hiệu quả hơn. Nghiên cứu thị trường cũng giúp doanh nghiệp nhận diện đối thủ cạnh tranh và tìm ra các cơ hội tiềm năng. Đầu tư vào nghiên cứu thị trường không chỉ giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro mà còn tăng cơ hội thành công khi mở rộng thương hiệu ra quốc tế.

Tuy nhiên, điều tiên quyết để xây dựng và phát triển thương hiệu Việt Nam tại thị trường quốc tế, các doanh nghiệp Việt cần thực hiện thủ tục đăng ký nhãn hiệu tại nước mà mình có dự định đưa sản phẩm/dịch vụ vào sản xuất, kinh doanh. Việc được bảo hộ nhãn hiệu tại nước sở tại là cơ sở để thực hiện xây dưng và phát triển thương hiệu của Việt Nam tại thị trường quốc gia đó.

Thương hiệu quốc gia
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang