Nhận diện nông nghiệp hữu cơ dưới góc nhìn sở hữu trí tuệ

Nhận diện nông nghiệp hữu cơ dưới góc nhìn sở hữu trí tuệ

“Nông nghiệp hữu cơ” (NNHC) đang trở thành một từ khóa hot và tương tự như vậy là các sản phẩm từ nông nghiệp hữu cơ. Người tiêu dùng thực sự lúng túng khi rất nhiều nhãn hàng có vẻ Organic nhưng thực sự có đúng như vậy không? Làm sao để nhận diện NNHC và các sản phẩm Organic – những yếu tố rất quan trọng để bảo vệ hệ sinh thái, môi trường và sức khỏe con người?

Nguồn:Tạp chí Điện tử Sức khỏe & Môi trường

Đó là những câu hỏi then chốt mà các đại biểu đặt ra trong Tọa đàm về vấn đề này được Trung tâm Ứng dụng KHCN và khởi nghiệp (COSTAS) thuộc Hội Nữ trí thức Việt Nam tổ chức mới đây.

Diễn giả Từ Thị Tuyết Nhung tại toạ đàm
Diễn giả Từ Thị Tuyết Nhung tại toạ đàm

Bà Từ Thị Tuyết Nhung - Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ (CODAS), trực thuộc Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam, Giám sát cấp cao nghiên cứu NIFAM, diễn giả chính của Tọa đàm này - chia sẻ:

Hiện nay, trên thị trường, các nhãn mác sản phẩm có gắn chữ Organic, Helthy, Green, Eco, Bio, Vegan, Fresh…được sử dụng tràn lan mà rất nhiều trong số đó không ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, không có sự thẩm định của cơ quan chức năng về sở hữu trí tuệ (SHTT), gây hoang mang cho người tiêu dùng. Một sản phẩm chỉ được coi là hữu cơ khi nó được kiểm soát chặt chẽ kể từ khâu sản xuất, đến chế biến.

Cũng theo bà Tuyết Nhung, hiện CODAS đang thực hiện một nghiên cứu liên ngành với nhiều đối tác (Học viện Nông nghiệp, Đại học Y tế Công cộng, Viện rau quả Trung ương, mạng lưới người tiêu dùng sẵn có...) về "Nghiên cứu dự báo và giám sát can thiệp dinh dưỡng – NIFAM (Nutrition Intervention Forecasting and Monitoring)”.

Theo Liên đoàn các tổ chức nông nghiệp hữu cơ (IFOAM), NNHC là một hệ thống sản xuất nhằm duy trì sức khỏe của đất, hệ sinh thái và con người. Để đạt được tiêu chuẩn NNHC, người sản xuất phải tuân thủ các nguyên tắc nghiêm ngặt, dựa trên các tiến trình sinh thái, đa dạng sinh học và chu trình thích nghi với điều kiện địa phương thay vì sử dụng các yếu tố đầu vào bất lợi khác. NNHC kết hợp phương pháp canh tác truyền thống với những tiến bộ khoa học kỹ thuật, mang lại lợi ích cho môi trường, thúc đẩy mối quan hệ bình đẳng và nâng cao chất lượng cuộc sống con người.

Các tiêu chuẩn sản xuất NNHC trong nước hay quốc tế thường bao gồm các lĩnh vực như: Quản lý đất, nước, dinh dưỡng, sâu/bệnh; việc thu hoạch cây trồng, giết mổ động vật…Tiếp theo nữa là khâu chế biến, đóng gói, dán nhãn trước khi đưa ra thị trường để đến tay người tiêu dùng.

Một sản phẩm ăn uống được gọi là “hữu cơ” khi và chỉ khi nó có xuất xứ từ một nền NNHC và có một quy trình bảo quản, chế biến hợp khoa học, đạt chuẩn quy định, được xác nhận bởi các cơ quan chức năng đánh giá. Nghĩa là nó phải theo một quy trình đánh giá từ hệ tiêu chuẩn đến việc chứng nhận, cuối cùng mới thể hiện ở nhãn mác dán trên sản phẩm.

Như vậy, nếu sản phẩm hữu cơ là cây trồng thì phải đảm bảo được sản xuất từ NNHC, nghĩa là đảm bảo sức khỏe của đất, hệ sinh thái và con người, bao gồm phân bón hữu cơ, nước tưới, trừ sâu bệnh bằng phương pháp sinh học, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa chất, xen canh gối vụ... Còn nếu sản phẩm hữu cơ là vật nuôi thì phải đảm bảo từ điều kiện chuồng nuôi và chăn thả đúng mật độ quy định, thức ăn cho vật nuôi cũng được chứng nhận hữu cơ, không dùng kháng sinh/vaccine tổng hợp, kể cả đảm bảo sức khỏe tinh thần của vật nuôi khi không làm cho chúng bị stress.

Trong đời sống tự nhiên, các sinh vật tồn tại theo quy luật cùng có lợi cho nhau, hài hòa với nhau và cùng tạo ra sự cân bằng hoàn hảo. Vì vậy, thiết lập một hệ thống sản xuất giúp duy trì sức khỏe của đất, hệ sinh thái và con người chính là làm nên một nền NNHC, góp phần tạo dựng nền kinh tế xanh và phát triển bền vững.

Ảnh 2 là ThS Lê Thị Khánh Vân - Giám đốc Trung tâm ứng dụng và khởi nghiệp COSTAS
ThS Lê Thị Khánh Vân - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHCN và Khởi nghiệp COSTAS

ThS Lê Thị Khánh Vân, Giám đốc Trung tâm COSTAS cho biết: Hiện nay, có rất nhiều nhà khoa học nữ quan tâm đến nhu cầu tất yếu của môi trường và sức khỏe là xây dựng một nền NNHC. Có rất nhiều lĩnh vực khoa học có thể tham gia vào công cuộc này. Trung tâm COSTAS là một cầu nối để các nhà khoa học và doanh nhân khoa học có thể giao lưu học hỏi, công bố và chuyển giao các công nghệ phục vụ NNHC. Mặt khác, Dự án “Nâng cao nhận thức, năng lực sử dụng công cụ sở sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu khoa học và sản xuất kinh doanh cho cộng đồng nữ trí thức Việt Nam” - một nhiệm vụ mà COSTAS thực hiện hai năm qua cũng là một cơ hội để các nhà khoa học và doanh nhân nữ có thể đảm bảo quyền lợi chính đáng của mình thông qua việc đăng ký sở hữu trí tuệ để chứng thực tính “chính danh” của các sản phẩm khoa học của mình, trong đó có sản phẩm của NNHC.

Hi vọng rằng, trên cơ sở những nhận thức đầy đủ về NNHC, về sản phẩm hữu cơ và về sở hữu trí tuệ, các nhà khoa học, nhà sản xuất và nhà phân phối sản phẩm sẽ vừa tạo được thương hiệu chính đáng của mình, vừa góp phần vào công cuộc bảo vệ môi trường và sức khỏe bằng vào việc tham gia xây dựng một nền NNHC đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế xanh và bền vững.

Tạp chí Điện tử Sức khỏe & Môi trường
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang