
Toàn cảnh Hội nghị
Đây là một trong những nội dung của dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh: Áp dụng đồng bộ công cụ sở hữu trí tuệ và tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, kết hợp chuyển đổi số để phát huy giá trị của chỉ dẫn địa lý "Tân Cương" cho sản phẩm chè gắn với Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "Tri thức trồng và chế biến chè Tân Cương".
Chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ năm 2007. Qua gần 18 năm được bảo hộ, chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” không ngừng được mở rộng, tổ chức quản lý bài bản, hiệu quả, được cộng đồng quốc tế công nhận. Ngày 1/8/2020, “Tân Cương” là 1 trong 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được Liên minh châu Âu (EU) bảo hộ theo Hiệp định Thương mại tự do châu Âu - Việt Nam (EVFTA). Đến ngày 14/2/2023, “Tri thức trồng và chế biến chè Tân Cương” được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được chia sẻ các nội dung như: Tổng quan về sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý; quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng và bảo vệ chỉ dẫn địa lý; ghi nhãn hàng hóa, mã số mã vạch, đo lường hàng đóng gói sẵn; áp dụng tiêu chuẩn ISO 9001, ISO 22000 trong quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm; giải pháp chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc sản phẩm chè. Đặc biệt là các quy định về quản lý, sử dụng, bảo vệ và phát triển chỉ dẫn địa lý “Tân Cương”...
Thông qua hội nghị tập huấn, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành chính sách pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh chè. Qua đó, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững chỉ dẫn địa lý “Tân Cương”./.