Tăng sức cạnh tranh cho thương hiệu Việt Nam tại thị trường Hàn Quốc

Tăng sức cạnh tranh cho thương hiệu Việt Nam tại thị trường Hàn Quốc

Hàn Quốc là quốc gia ai đăng ký thương hiệu trước thì người đó được sử dụng cho nên có rất nhiều trường hợp bị chiếm quyền thương hiệu tại đây.


Các mặt hàng như dệt may, nông thủy sản, da giày… của Việt Nam sẽ có lợi thế lớn khi xuất khẩu. Ảnh: TTXVN

Trong những năm gần đây, thương mại song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc tăng trưởng đáng kể với kim ngạch từ 0,5 tỷ USD (năm 1992) lên trên 43 tỷ USD (năm 2016).

Bên cạnh đó, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam, sau Trung Quốc và Mỹ, còn Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Hàn Quốc. Đạt được kết quả trên thời gian qua quan hệ đối tác hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Hàn Quốc luôn được Chính phủ hai nước đặc biệt quan tâm. 

Ông Lê An Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, điểm nổi bật trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc là cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu có tính bổ sung rõ nét, cơ bản không cạnh tranh trực tiếp.

Việt Nam nhập khẩu từ Hàn Quốc các sản phẩm chủ yếu như: máy móc thiết bị, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; nguyên phụ liệu dệt may da giày, sắt thép, chất dẻo, hóa chất. Đồng thời, xuất khẩu sang Hàn Quốc hàng dệt may, điện thoại các loại và linh kiện, thủy sản, gỗ, máy móc, thiết bị, giày dép, xơ, sợi dệt các loại....

Đặc biệt, kim ngạch mặt hàng dệt may của Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc cũng khá cao với con số 1 tỷ USD trong năm 2016. 

Hàng công nghệ, điện tử cũng chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc nhưng về bản chất đa số là những sản phẩm do công ty Hàn Quốc như Samsung, LG sản xuất và xuất khẩu ngược trở lại. 

Tuy nhiên, theo ông Hải, số lượng nhãn hiệu hàng hóa thuần Việt trên thị trường Hàn Quốc chưa nhiều. Hiện chỉ có sản phẩm cà phê Trung Nguyên G7 là đã xuất hiện trên kệ của các hệ thống phân phối lớn. Còn lại một số sản phẩm như: phở Xưa và Nay, tương ớt Trung Thành, nước mắm Nam Ngư… được bán ở những hệ thống phân phối không chính thức. 

Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương Đỗ Kim Lang cho rằng, Việt Nam phải học hỏi Hàn Quốc rất nhiều trong việc phát triển thương hiệu. Khởi điểm của Việt Nam và Hàn Quốc là như nhau khi mới bắt đầu hội nhập, nhưng việc đưa sản phẩm, xây dựng hình ảnh doanh nghiệp của Hàn Quốc ra thế giới lại rất hiệu quả. 

Việt Nam hiện có 88 doanh nghiệp được công nhận đạt tiêu chí có sản phẩm mang thương hiệu quốc gia. Tuy nhiên, Chương trình Thương hiệu Quốc gia dù đã được khởi động từ năm 2003, nhưng do thời điểm đó Việt Nam nhập siêu lớn, nên việc quảng bá hình ảnh của doanh nghiệp và giới thiệu sản phẩm còn hạn chế.

Hơn nữa, doanh nghiệp Việt Nam đa phần là nhỏ và vừa, hàng hóa xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm gia công nên giá trị gia tăng hay nhãn hiệu, thương hiệu riêng của sản phẩm khi xuất khẩu còn yếu thế. 

Hiện nay, Việt Nam đang nỗ lực xây dựng thương hiệu nhưng vẫn chưa khẳng định thương hiệu nổi tiếng ở thị trường nước ngoài; trong đó có Hàn Quốc. Một trong những lý do quan trọng là doanh nghiệp chưa làm tốt khâu thiết kế bao bì sản phẩm. 

Ông Phạm Duy Khương, Giám đốc Công ty S&B Law cũng cho hay, việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa của Việt Nam khi xuất khẩu sang Hàn Quốc tuy đã có sự chuyển biến nhưng là rất nhỏ.

Bởi vậy, Hàn Quốc mặc dù được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng của Việt Nam nhưng hiện nay hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường này đều gặp thách thức; trong đó có quy định về an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa và đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tại nước này.

Nhiều sản phẩm nông sản Việt Nam được nhiều người tiêu dùng trong khu vực ASEAN đánh giá cao về chất lượng, song vì hình thức kém bắt mắt nên vẫn chưa thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng các nước. 

Do vậy, ngoài việc tuân thủ các quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm, các doanh nghiệp trong nước cần chú trọng hơn đến khâu thiết kế, phong cách hơn, đẹp mắt hơn. Đây là điều kiện cần và đủ để hàng hóa nông sản Việt thâm nhập thành công vào thị trường này. 

"Điều đầu tiên chúng ta phải quan tâm đến nhu cầu tập tính văn hóa tiêu dùng của từng thị trường như thị trường Hàn Quốc có những đặc điểm gì, bởi lẽ chúng ta phải bán những thứ thị trường cần chứ không phải bán những thứ mà họ đã có.

Khi xuất khẩu hàng hóa nào đó sang Hàn Quốc thường phải xuất khẩu thông qua nhà nhập khẩu hay những kênh phân phối của Hàn Quốc và họ có những yêu cầu riêng, tiêu chuẩn riêng về thiết kế, mẫu mã, chất lượng" - ông Lê An Hải nói. 

Để tăng cường cạnh tranh cho thương hiệu doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường Hàn Quốc, ông Yoon Sang Ho, Giám đốc Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc Small Medium Business Link (SMBL), cho biết: “Chúng ta đều biết tới Cocacola, nhưng ít ai biết rằng họ đã tồn tại được 125 năm, vì chưa bao giờ họ đề cập đến lịch sử hình thành của họ. Con người chúng ta chi phối hoạt động kinh tế và nhận thức quyết định đến thương hiệu”. 

Theo ông Kim Yu Ho, Luật sư của Công ty Logos Law LLC, Hàn Quốc có cùng xuất phát điểm như Việt Nam nhưng chỉ sau 20 năm (1976), Hàn Quốc đã có những bước phát triển vượt bậc mà phương Tây phải mất 200 năm mới đạt được. 

Ông Phạm Duy Khương lại cho rằng, việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tại thị trường Hàn Quốc có 2 phương thức mà các doanh nghiệp Việt Nam vẫn biết là nộp đơn trực tiếp hoặc wipo madrit (điều ước quy định đăng ký nhãn hiệu theo tiêu chuẩn quốc tế).

Hàn Quốc là quốc gia ai đăng ký thương hiệu trước thì người đó được sử dụng cho nên có rất nhiều trường hợp bị chiếm quyền thương hiệu tại đây. Bởi vậy, doanh nghiệp cần lưu ý vấn đề này để tăng tính cạnh tranh trên thị trường Hàn Quốc./.

Theo Hằng Trần/Bnews/TTXVN

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang