Dầu thô Brent giảm hơn 30% xuống còn 31 USD/thùng vào ngày hôm nay (9/3). Cổ phiếu của Saudi Aramco - công ty dầu khí quốc gia của Saudi Arabia đã ghi nhận mức giảm lên tới 9% vào hôm 8/3 và tiếp tục giảm 10% trong hôm nay 9/3 trước dấu hiệu bất ổn trước mắt. Goldman Sachs Group Inc. dự đoán rằng giá dầu còn có thể giảm mạnh xuống mức 20USD/thùng.
Nếu giá dầu tiếp tục sụt giảm kéo dài, sẽ làm thâm hụt nặng ngân sách quốc gia từ Venezuela đến Iran, đe dọa hoạt động của nhiều công ty khai thác dầu đá phiến của Mỹ cũng như các doanh nghiệp năng lượng khác. Đối với các ngân hàng trung ương, sự bất ổn về giá cả sẽ càng gây khó khăn khi họ cố gắng mô hình hóa tác động của dịch virus Covid-19 đối với nền kinh tế. Và nếu sự sụt giảm vẫn tiếp diễn, thậm chí điều này có thể làm ảnh hưởng tới cuộc chiến chống biến đổi khí hậu do sẽ làm chậm quá trình chuyển đổi từ dầu sang năng lượng tái tạo.
Rohitesh Dhawan, giám đốc năng lượng, khí hậu và tài nguyên tại Eurasia Group ở London cho biết, việc giá dầu bị giảm mạnh có thể gây tác động toàn cầu nặng nề hơn là cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ vì dầu liên quan đến rất nhiều thứ trong nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, nhu cầu về dầu giảm do ảnh hưởng từ dịch bệnh sẽ phần nào làm giảm những tác động gây ra bởi giá dầu rẻ. Và với Trung Quốc - nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới thậm chí còn có thể sẽ được hưởng lợi khi giá dầu giảm sâu. Sự phục hồi của Trung Quốc sau dịch bệnh sẽ là chìa khóa cho nền kinh tế toàn cầu.
Saudi Arabia - nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất trong OPEC, hy vọng các nhà sản xuất trong và ngoài khối (OPEC+), trong đó có Nga, thỏa thuận về cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ nhằm siết chặt nguồn cung, đối phó với những tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Tuy nhiên, cuộc đàm phán hôm 6/3 đã đi đến thất bại khi Nga đã không nhất trí về kế hoạch do Saudi Arabia đề xuất. Theo giới quan sát, ưu tiên hàng đầu của Nga, nhà sản xuất dầu lớn thứ hai thế giới, là tránh để mất thị phần vào tay Mỹ, trong bối cảnh nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ có sản lượng khai thác tăng vọt trong những năm gần đây trong khi các quốc gia OPEC+ lại liên tục cắt giảm.
Theo các chuyên gia, sở dĩ Nga sẵn sàng bỏ qua các cuộc đàm phán với OPEC để gây áp lực lên các đối thủ cạnh tranh tại Mỹ là vì nước này có khả năng phục hồi tốt hơn khi giá dầu thấp. Không giống như Saudi Arabia, Nga hiện áp dụng chế độ tỷ giá hối đoái thả nổi, có thể duy trì ngân sách quốc gia với doanh thu dầu thấp hơn. Nền kinh tế Nga cũng được nhận định là đa dạng hơn so với hầu hết các quốc gia OPEC và ít phụ thuộc vào dầu mỏ.
Giá dầu sụt giảm mạnh gây ảnh hưởng nặng nề đến các quốc gia xuất khẩu dầu, trong đó có Mỹ. Với các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ, giá dầu duy trì ở mức thấp 40 USD/thùng trong 5 năm qua đã gây ra khủng hoảng ở Oman trước tiên, sau đó là Saudi Arabia và Bahrain, với việc doanh nghiệp không trả được nợ, chính phủ buộc phải cắt giảm chi tiêu và thu thuế cao hơn, và ngân hàng thì mất khả năng thanh toán. "Ở mức 20 USD, nó sẽ dẫn đến những sự thay đổi cả về chính trị ở Saudi Arabia và khu vực", Rory Fyfe, chuyên gia kinh tế tại MENA Advisors cho biết.
Với diễn biến giá hiện nay, nhiều nhà khai thác dầu đá phiến tại Mỹ cũng sẽ phải chịu lỗ trên mỗi thùng dầu họ sản xuất và sẽ đứng trước nguy cơ phá sản nếu không có sự phục hồi mạnh mẽ về giá. Trước khi cuộc họp diễn ra tại trụ sở của OPEC tại Vienna (Áo) hôm 6/3, các ngân hàng cũng đã dự kiến sẽ hạn chế cho vay đối với các doanh nghiệp khai thác đá phiến. Lần phá sản gần nhất của ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ là năm 2016 - khi giá xuống thấp chỉ còn 26 USD/thùng.
"Sự sụt giảm giá dầu trong thời gian liên tục cùng với cú sốc cung từ OPEC+ và cú sốc cầu từ dịch bệnh gần như có nghĩa là kế hoạch chuyển đổi năng lượng của các chuyên gia dầu mỏ và tham vọng về chống biến đổi khí hậu sẽ bị cản trở hoặc chậm lại, ít nhất trong thời gian tới," chuyên gia phân tích tại Bloomberg, Will Hares nhận định. "Khi giá dầu ở mức 40 USD hoặc thấp hơn, những công ty này sẽ phải sẵn sàng chiến đấu trước khó khăn. Ưu tiên hàng đầu là bảo vệ cổ tức cho các cổ đông."
Sự sụp đổ của giá dầu cũng giáng một đòn nặng nề với thị trường tín dụng, bởi ngành công nghiệp năng lượng nắm giữ một số lượng lớn chứng khoán có lãi suất cao tại Mỹ. Mỹ và châu u đã ngừng phát hành trái phiếu mới, và cuộc khủng hoảng dầu mỏ hiện đang đe dọa sẽ gây ra một sự siết chặt tài trợ, khiến những người đi vay không thể quay vòng các khoản nợ đến hạn. Phí bảo hiểm cho "trái phiếu rác" của Mỹ cũng đã tăng vọt vào tuần trước, lên 550 điểm cơ bản so với trái phiếu Kho bạc, đây là mức cao nhất kể từ năm 2016.
Sự chậm lại trong kế hoạch chuyển đổi xanh không phải là rủi ro duy nhất mà sự sụp đổ giá dầu có thể gây ra cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế "sạch hơn". Xu hướng sử dụng nhiên liệu hóa thạch giá rẻ tăng lên, đồng nghĩa với việc tăng lượng khí thải và cản trở người dùng chuyển sang những nhiên liệu thay thế khác.
Tuy nhiên, giá dầu rẻ hơn có thể cho phép các chính phủ cắt giảm trợ cấp và tăng thuế đối với mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch và sử dụng những khoản tiền này để đầu tư vào các dự án tái tạo, Ivetta Gerasimchuk tại Viện Phát triển bền vững Quốc tế cho biết. Và đối với châu u - nơi đang dẫn đầu về các chính sách biến đổi khí hậu - tác động của giá dầu rẻ vẫn là một sự thúc đẩy kinh tế, có khả năng hỗ trợ các chính phủ trong việc tài trợ cho các dự án xanh.
Câu hỏi đặt ra bây giờ là sự hỗn loạn này sẽ kéo dài trong bao lâu. "Ý định của Saudi là buộc Nga quay trở lại bàn đàm phán bằng cách giảm giá dầu. Tuy nhiên, hầu hết các chỉ số cấu trúc đều cho rằng, Nga có khả năng phục hồi tốt hơn so với Saudi Arabia về việc giá giảm, vì vậy không rõ điều này sẽ có hiệu quả hay không," ông Hertog của LSE, tác giả cuốn ‘Princes, Brokers, and Bureaucrats: Oil and the State in Saudi Arabia’ cho biết. "Cuối cùng thì, đây sẽ là quyết định của Putin, nhưng chúng ta có thể dự đoán một kịch bản giá dầu thấp hơn nữa trong một thời gian dài."