Những động thái này cho thấy, thị trường dược phẩm đang thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Một công đoạn sản xuất thực phẩm chức năng của một công ty dược tại TPHCM. Ảnh: N.L
Thị trường nhiều tiềm năng
Theo số liệu thống kê từ hãng nghiên cứu thị trường IBM, quy mô thị trường dược phẩm Việt Nam năm 2017 khoảng 4,7 tỉ đô la Mỹ (tương đương trên 105.500 tỉ đồng), dự báo thị trường này sẽ tăng lên 7,7 tỉ đô la ( trên 184.500 tỉ đồng) vào năm 2021.
Theo đánh giá của các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư từ thị trường châu Âu (EU), Việt Nam được đánh giá là thị trường hấp dẫn cho ngành dược: riêng trong năm 2017, chi tiêu bình quân cho thuốc của người Việt khoảng 56 đô la/người (khoảng 1,3 triệu đồng).
Trong khi đó, năm 2015, chi tiêu cho dược phẩm ở Việt Nam là 4,2 tỉ đô la, mức độ chi tiêu cho dược phẩm đạt khoảng 38 đô la/người. Việt Nam dành gần 7% GDP cho y tế (trong khi Ấn Độ là 3,5%, Nhật Bản là 9%); 60% chi phí y tế là vào dược phẩm.
Triển vọng tăng trưởng về dược phẩm rất đáng kể bởi kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng, thu nhập đầu người được cải thiện và dân số đông; một tỷ lệ đáng kể trong tổng dân số là người trung niên có mức thu nhập đang tăng, khả năng chi trả chi phí y tế cao; dân số đang có dấu hiệu già hóa, nhu cầu chăm sóc sức khỏe tăng. Bên cạnh đó, hệ thống phân phối dược phẩm đang phát triển mạnh, tăng khả năng tiếp cận dược phẩm của người sử dụng.
Nhiều nhà đầu tư
Đầu tháng 4, Tập đoàn Vingroup công bố tham gia lĩnh vực dược phẩm với thương hiệu Vinfa. Dự án “Trung tâm nghiên cứu sản xuất thuốc Vinfa” có tổng vốn đầu tư 2.200 tỉ đồng, chuyên về hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu dược phẩm. Vinfa sẽ tập trung bảo tồn, nghiên cứu và phát triển các bài thuốc Đông y cổ truyền có nguồn gốc từ dược liệu quý Việt Nam.
Cùng thời điểm trên, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế - Domesco cho biết sẽ giao mảng phân phối thực phẩm chức năng cho Công ty cổ phẩn thế giới số (Digiworld).
Vào đầu năm 2017, cuộc khảo sát của hãng tư vấn Grant Thornton cho thấy y tế và dược phẩm tiếp tục nằm trong top 3 ngành nghề thu hút nhiều vốn đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam, nó được coi là thỏi nam châm thu hút vốn ngoại tệ cực mạnh. Do đó, gần đây nhiều doanh nghiệp nước ngoài “tranh nhau” mua cổ phần các công ty dược Việt Nam.
Các nhà đầu tư đang đẩy mạnh sự hiện diện của mình thông qua việc mua cổ phần ở các công ty dược phẩm hàng đầu trong nước như Traphaco, Domesco, Dược Hậu Giang…
Một vài thương vụ được kể đến như Tập đoàn Abbott (Mỹ) sở hữu 51,69% cổ phần tại Công ty CP Xuất nhập khẩu y tế Domesco và nắm quyền chi phối hoạt động của công ty này rất lớn; vào tháng 8-2016, Abbott đã hoàn thành thủ tục mua lại Công ty TNHH Dược phẩm Glomed của Việt Nam và nắm trong tay hai nhà máy chuyên sản xuất tân dược tại khu công nghiệp Việt Nam - Singapore ở Bình Dương; Tập đoàn Taisho của Nhật cũng đã mua lại cổ phần và trở thành cổ đông lớn của công ty Dược Hậu Giang với tỷ lệ sở hữu lên đến 24,4%; tháng 9-2016, tập đoàn Sanofi đã mở rộng quan hệ hợp tác chiến lược với Tổng công ty Dược Việt Nam Vinapharm. Theo đó, Vinapharm sẽ sản xuất và tiếp thị các loại dược phẩm của Sanofi với thị trường Việt Nam…
Đây sẽ là "miếng bánh béo bở" cho các nhà đầu tư nước ngoài muốn có chỗ đứng ở thị trường Việt và đương nhiên Abbott không bỏ lỡ cơ hội này để sở hữu và chi phối hoàn toàn Domesco.
Gần đây, nhiều doanh nghiệp bán lẻ cũng công bố thông tin về việc tham gia vào lĩnh vực phân phối dược phẩm, thực phẩm chức năng, có thể kể tới như Thế Giới Di Động, Thế Giới Số hay mới đây nhất là Nguyễn Kim…
Bên cạnh đó, hàng loạt chuỗi nhà thuốc cũng thành lập để phân phối bán lẻ và không ngừng mở rộng về quy mô, số lượng để cạnh tranh lẫn nhau. Cũng trong tháng 4 này, chuỗi nhà thuốc Pharmacity đã đạt mốc 100 nhà thuốc tây ở TPHCM, chuỗi nhà thuốc Phano đạt 60, Medicare là 59, Guardian là 49…
Có thể nói, thị trường dược Việt Nam đang rất sôi động về việc mua bán, sáp nhập, thành lập nhiều chuỗi bán lẻ nhằm thúc đẩy việc phân phối mặt hàng chăm sóc sức khỏe từ nơi sản xuất đến từng ngõ nhỏ cung cấp đến tận tay người tiêu dùng.
Sản xuất dược nội địa còn thiếu chủ động
Theo nhận định của Liên minh Châu Âu và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vào năm 2017, những năm gần đây một phần đáng kể dược phẩm, dược liệu sử dụng tại Việt Nam có nguồn gốc nhập khẩu. Giá trị nhập khẩu khoảng trên 2 tỉ đô la/năm.
Các doanh nghiệp sản xuất lớn hiện đồng thời cũng là các doanh nghiệp nhập khẩu lớn các loại dược phẩm, dược liệu. EU là nguồn cung dược phẩm, dược liệu lớn nhất của Việt Nam (trong đó Pháp đứng đầu không chỉ EU mà là tất cả các nước trên thế giới trong xuất khẩu dược sang Việt Nam).
So với nhập khẩu, xuất khẩu dược phẩm của Việt Nam có kim ngạch nhỏ (113 triệu đô la năm 2015, bằng khoảng 5% kim ngạch nhập khẩu). Hình thức xuất khẩu: xuất khẩu trực tiếp, xuất khẩu sản phẩm gia công cho khách hàng thị trường xuất khẩu: Đức, Nga, các nước ASEAN, Nhật, một số nước châu Phi.
Việc nhập khẩu chủ yếu dưới hình thức khách hàng EU cung cấp dược liệu, thuê nhà máy Việt Nam gia công, và nhập khẩu lại thành phẩm. Như vậy, với thị trường này, Việt Nam xuất khẩu trong tình trạng bị động, phụ thuộc vào các đơn hàng gia công từ khách hàng EU.
Bên cạnh đó, thị trường phân phối ở Việt Nam còn quá phức tạp, nhiều tầng nấc trung gian nên đẩy giá thuốc lên cao và người tiêu dùng Việt Nam phải gánh chịu.
Theo Bà Phạm Khánh Phong Lan, Đại biểu Quốc hội TPHCM, nguyên Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cho rằng, việc tăng giá thuốc có rất nhiều nguyên nhân, một là, một số mặt hàng có cấu kết độc quyền để tăng giá. Hai là, tầng nấc trung gian của chúng ta quá nhiều.
Bà Lan cũng đã đặt vấn đề rằng, rất cần một quy định rõ ràng trong luật. Ví dụ, chúng ta đã quy định, doanh nghiệp nước ngoài thì không có quyền phân phối tại Việt Nam, thế tại sao chúng ta lại không quy định một loại thuốc từ khâu sản xuất trong nước ban đầu hay nhập khẩu từ nước ngoài cho đến tay người bệnh không được vượt quá bao nhiêu tầng nấc trung gian? Còn chuyện sau đó thì để cho thị trường điều tiết. Như vậy, cần tìm cách để giảm thiểu tầng nấc trung gian, để bớt đi chi phí trung gian. Thực ra thì chúng ta vẫn phải điều chỉnh theo Luật Giá để tuân theo quy luật thị trường.
Giám đốc một nhà máy sản xuất dược Việt Nam cho rằng, nguyên nhân của vấn đề giá thuốc cao ở Việt Nam bắt nguồn từ việc đấu thầu thuốc. Bởi vì, xã hội còn nhiều mối quan hệ lợi ích nhóm thông qua nhiều tầng nấc trung gian nên đội giá thuốc lên cao. Mặc dù hiện nay, Bộ Y tế đã có quy định thuốc vào theo giá trúng thầu và được công bố trên Cổng thông tin điện tử Cục Quản lý dược, khi bán ra chỉ được lãi tối đa 2 - 15%.
Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp chặn đường ngọn chứ chưa chặn đường gốc, khi mà tất cả các công cụ quản lý hiện nay từ thuế quan nhập khẩu đến chuyển tiền ngân hàng và kiều hối vẫn đang còn kiểm soát kém hiệu quả. Bên cạnh đó, việc kiểm soát giá vẫn chưa chặt chẽ, luật pháp vẫn chưa nghiêm khi thuốc kê khai giá vào Việt Nam cao hơn so với giá nhập vào các thị trường khác…
Do đó, các công cụ kiểm soát giá thuốc của Việt Nam cần phải được thực hiện đồng bộ, giám sát chặt chẽ và phải có những bằng chứng chặt chẽ để chừng phạt những công ty nhập khẩu thuốc vào Việt Nam kê khai giá cao hơn so với các quốc gia khác.
Theo KTSG