Theo số liệu của ngành mỹ phẩm Việt Nam, mỹ phẩm và các sản phẩm, dịch vụ làm đẹp phát triển tốt khi có đến 60% dân số là người trẻ quan tâm đến sức khỏe và sắc đẹp. Mỗi năm, ngành mỹ phẩm có tốc độ tăng trưởng bình quân lên đến 30%.
Hút nhà đầu tư ngoại
Sau sự thâm nhâp thị trường của các thương hiệu mỹ phẩm đến từ các nước châu Âu như Pháp, Ý và các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc..., vài năm trở lại đây, sản phẩm Hàn Quốc liên tiếp đổ bộ vào Việt Nam. Nhiều thương hiệu mỹ phẩm đến từ nước này như The Face Shop, Ohui, Laneige... đã phát triển cửa hàng ở nhiều tỉnh - thành. Khách hàng trẻ đặc biệt yêu thích các thương hiệu mỹ phẩm Hàn Quốc. Bởi với họ, mỹ phẩm Hàn có chất lượng tốt, giá cả lại phù hợp với túi tiền.
Trong khi đó, các thương hiệu đến từ châu Âu như Vichy, Lancome, Loreal... đã có chỗ đứng trong phân khúc cao cấp vẫn không ngừng ra mắt các sản phẩm mới song song với các chương trình "o bế" khách hàng. Hằng năm, các thương hiệu này đều dành nguồn kinh phí khá lớn kết hợp với các siêu thị giảm giá sản phẩm kèm theo đó là các chương trình hướng dẫn chăm sóc da, sử dụng sản phẩm đúng cách...
Chẳng hạn như tại siêu thị Co.opmart, Big C..., mỗi năm đều có các "lễ hội làm đẹp" mà ngoài giảm giá sản phẩm, khách hàng còn được tư vấn, chăm sóc da, được tặng quà và tham gia nhiều chương trình hoạt náo do các nhãn hiệu mỹ phẩm thực hiện.
Ông Dominic OH - Giám đốc của INTEX, một doanh nghiệp chuyên tổ chức các triển lãm về mỹ phẩm và làm đẹp đến từ Hàn Quốc cho rằng, Việt Nam là thị trường mới nổi và sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới. Có nhiều lý do giúp thị trường phát triển nhưng quan trọng nhất là GDP của Việt Nam tăng trưởng ổn định ở mức trên 6%/năm và xu hướng làm đẹp phát triển không ngừng. Đó cũng chính là lý do để INTEX quyết định tổ chức triển lãm quốc tế về mỹ phẩm và làm đẹp Mekong Beauty Show vào tháng 6 tới.
Đặc biệt, Việt Nam còn hấp dẫn nhà đầu tư ngoại bởi quy mô thị trường tiêu thụ lớn. Đại diện Công ty Nghiên cứu thị trường Neilsen cho biết, hiện dân số Việt Nam đã lên đến hơn 100 triệu người, đứng thứ 14 trên thế giới. Trong đó, khoảng 60% trong độ tuổi dưới 35 tuổi. Mặt khác, thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam đang tăng nhanh trong thời gian qua, hiện ước 53,5 triệu đồng/năm (tương đương 2.385 USD, tăng 170 USD so với năm 2016). Chỉ tính riêng kim ngạch xuất nhập khẩu mỹ phẩm trong nước đã tăng nhanh từ 3 tỷ USD năm 2016 lên 6 tỷ USD năm 2017, trong đó, 95% là mỹ phẩm nhập khẩu.
Thị trường mỹ phẩm Việt Nam sôi động hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi Việt Nam tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do, khiến cho mức thuế nhập khẩu loại hàng hóa này được kéo xuống mức từ 0 - 5%.
Đây chính là những nguyên nhân khiến cho thị trường mỹ phẩm càng trở nên hấp dẫn đối với các doanh nghiệp ngoại.
Mỹ phẩm nội ở đâu?
Trong khi nhà đầu tư ngoại đang hướng về Việt Nam với nhiều dự án sản xuất và mở rộng hệ thống phân phối mỹ phẩm, các thương hiệu mỹ phẩm Việt, nhiều công ty mỹ phẩm nội địa lại đang rơi vào tình trạng bị thu hẹp đáng kể thị phần tiêu thụ.
Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội tinh dầu, Hương liệu, Mỹ phẩm Việt Nam phân tích, trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu mỹ phẩm Việt Nam 6 tỷ USD năm 2017, chỉ có 5% là thuộc về doanh nghiệp nội. Nhiều sản phẩm thiên nhiên như nghệ, mũ trôm, nha đam, dừa… được xem là nguyên liệu quý trong xu hướng sản xuất mỹ phẩm organic nhưng doanh nghiệp nội chỉ mới sản xuất nguyên liệu thô, không chiết xuất tinh chất để tạo ra dòng mỹ phẩm cao cấp. Số ít mỹ phẩm Việt Nam còn trụ được trên thị trường như Thorakao, Miss Sài Gòn… nhưng chỉ tập trung phân khúc thấp và chiếm lĩnh vị trí hết sức khiêm tốn trong thị phần tiêu thụ nội địa.
Bên cạnh đó, rào cản của doanh nghiệp Việt Nam là chưa sản xuất được trọn bộ sản phẩm, tức là chỉ có thể chuyên về một loại sản phẩm như mặt nạ, chăm sóc da, hay trang điểm.
Những hạn chế như quy mô sản xuất nhỏ, công nghệ dây chuyền thấp, vốn đầu tư hạn chế của các doanh nghiệp nội chưa thể khắc phục trong thời gian ngắn tới. Trong khi đó, để có thể phát triển sản phẩm giá trị gia tăng cao đòi hỏi phải có vốn mạnh, có dây chuyền công nghệ đủ hiện đại để chiết xuất tinh chất thiên nhiên từ nguồn nguyên liệu thô để tạo ra dòng sản phẩm cao cấp. Đặc biệt hơn, doanh nghiệp nội cần có tiềm lực tài chính đủ mạnh để xây dựng và phát triển thương hiệu. Hiệp hội đã nhiều lần kiến nghị cơ quan chức năng liên quan hỗ trợ thành lập trung tâm nghiên cứu, chế tạo sản phẩm mỹ phẩm thiên nhiên nhằm tận dụng tối đa lợi thế dược liệu phong phú tại Việt Nam nhưng kiến nghị này vẫn đang bị bỏ ngỏ.
Mặt khác, việc kiểm tra xuất xứ, nguồn gốc nguyên liệu mỹ phẩm tại Việt Nam còn nhiều bất cập nên tình trạng mỹ phẩm giả, kém chất lượng và hoá chất cấm bày bán tràn lan ra thị trường. Nhiều doanh nghiệp không có giấy phép cũng sản xuất mỹ phẩm, gây ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin tiêu dùng của người Việt. Thực tế này kéo theo hệ quả dòng sản phẩm mỹ phẩm nội có uy tín và thương hiệu, thân thiện với sức khỏe người tiêu dùng tại Việt Nam đã khiêm tốn lại ngày càng teo tóp hơn.
Theo các chuyên gia kinh tế, bên cạnh việc thu hút đầu tư nước ngoài nói chung, Chính phủ Việt Nam cần có chính sách để khuyến khích ngành mỹ phẩm Việt phát triển. Trong đó, tập trung đầu tư xây dựng trung tâm nghiên cứu, chế tạo mỹ phẩm mới, nghiên cứu chiết xuất tinh chất mỹ phẩm thiên nhiên để phát huy tối đa lợi thế nguồn nguyên liệu sản xuất mỹ phẩm phong phú đang có. Về phía các doanh nghiệp cần chủ động cập nhật và tiệm cận với tiêu chuẩn sản phẩm organic trên thế giới để có định hướng đầu tư và sản xuất dòng sản phẩm phù hợp với xu hướng phát triển mới. Nếu không có sự chuyển động kịp thời, e rằng với tâm lý chuộng hàng ngoại của người tiêu dùng Việt, các doanh nghiệp mỹ phẩm nội sẽ mất dần thị phần vào tay nhà đầu tư ngoại.
Từ góc độ doanh nghiệp, Bà Kelly Luu, TGĐ Centdegres Vietnam cho biết vấn đề mẫu mã, bao bì sản phẩm là một điểm yếu của các doanh nghiệp ngành mỹ phẩm Việt Nam. Từ đó, TGĐ Centdegres Vietnam lưu ý, việc thiết kế bao bì sản phẩm để gia tăng giá trị cho thương hiệu cũng quan trọng không kém chất lượng sản phẩm. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam nên đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực này.
Theo enternews
Nội dung đang cập nhật...
Giấy phép số: 218/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp
Địa chỉ: Tầng 3, nhà D, Khách sạn La Thành, số 226 Vạn Phúc, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại: 0877459777 - Email: nhat.cao@bcsi.edu.vn
Website: www.bcsi.edu.vn
Copyright © 2016 by BCSI