Người dân mua sắm hàng hóa tại siêu thị. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Tổng cục Thống kê vừa cho biết tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng năm 2024 tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 12,5% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 14,2%.
Lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho biết nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước thường tăng vào những tháng cuối năm góp phần thúc đẩy tăng trưởng của ngành dịch vụ.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10/2024 ước tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 10 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 12,5% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 14,2%.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 10/2024 tăng cao, đạt 1,42 triệu lượt người, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 14,1 triệu lượt người, tăng 41,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 10/2024 ước đạt 545,7 nghìn tỷ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 12,0% và nhóm phương tiện đi lại (trừ ôtô) tăng 21,4%.
Tính chung 10 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 5.246,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 9,8%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 4,6% (cùng kỳ năm 2023 tăng 7,3%).
Doanh thu bán lẻ hàng hóa 10 tháng năm 2024 ước đạt 4.048,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 77,2% tổng mức và tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước.Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 10,7%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 8,0%; may mặc tăng 8,7%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 7,5%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 6,6%.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa 10 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương như sau: Quảng Ninh tăng 9,6%; Hải Phòng tăng 9,5%; Thừa Thiên-Huế tăng 8,1%; Cần Thơ tăng 7,6%; Đà Nẵng tăng 7,5%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 10 tháng năm 2024 ước đạt 602,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,5% tổng mức và tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 10 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương như sau: Khánh Hòa tăng 17,1%; Hải Phòng tăng 13,1%; Cần Thơ tăng 11,6%; Bình Dương tăng 8%.Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 50,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,9% tổng mức và tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu du lịch lữ hành 10 tháng năm 2024 của một số địa phương như sau: Cần Thơ tăng 31,2%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 15,9%; Khánh Hòa tăng 15,4%; Bình Định tăng 11,9%; Hà Nội tăng 9,8%; Đà Nẵng tăng 6,1%.
Doanh thu dịch vụ khác 10 tháng năm 2024 ước đạt 545 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,4% tổng mức và tăng 9% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu dịch vụ khác 10 tháng năm 2024 của một số địa phương như sau: Bình Định tăng 20%; Vũng Tàu tăng 13,7%; Cần Thơ tăng 11,7%; Hưng Yên giảm 9,9%; Đà Nẵng giảm 0,7%.
Nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu, phát triển thị trường trong nước từ nay đến cuối năm, Tổng cục Thống kê đề xuất, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy nhanh việc rà soát, sửa đổi, xây dựng và hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thị trường trong nước bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, phục vụ hiệu quả cho công tác điều hành kinh tế vĩ mô và hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân và doanh nghiệp.
Ngoài ra, tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân, không để xảy ra tình trang thiếu hàng, sốt giá; phối hợp với các bộ, ngành trong việc tham mưu điều hành giá các mặt hàng do nhà nước quản lý giá.