Tham quan tại nhà máy sản xuất của Công ty Phương Linh. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư đã làm thay đổi sâu sắc toàn diện phương thức sản xuất trên toàn thế giới. Theo các chuyên gia, với chi phí lao động và đất đai tại Việt Nam có sức cạnh tranh yếu hơn so với các nước mới phát triển, cùng với đó nền kinh tế đã hội nhập sâu với toàn cầu, độ mở nền kinh tế lớn yêu cầu Việt Nam phải thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa với một tư duy mới và cách tiếp cận mới.
Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược và cạnh tranh (BCSI), các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực công nghiệp và khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, gắn với thực tiễn, tăng cường liên kết các doanh nghiệp trong nước với khu vực FDI và thị trường quốc tế.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh huy động hiệu quả mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế trong nước và từ bên ngoài để phát triển, tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng hiện đại. Đặc biệt, doanh nghiệp phải chú trọng đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp có kỹ năng, có kỷ luật, có năng lực sáng tạo; ưu tiên phát triển và chuyển giao công nghệ đối với các ngành, các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh và công nghệ hiện đại, tiên tiến ở một số lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản, điện tử, viễn thông, năng lượng mới và tái tạo, cơ khí chế tạo và hóa dược.
Với cơ quan quản lý, có điều chỉnh phân bố không gian công nghiệp hợp lý nhằm phát huy sức mạnh liên kết giữa các ngành, vùng, địa phương để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, TS Võ Trí Thành cho hay.
Doanh nghiệp Phương Linh là một trong những đơn vị sản xuất quạt công nghiệp, thay thế được hàng nhập khẩu trong nhiều công trình lớn.
Ông Trần Văn Lê - Giám đốc công ty TNHH Phương Linh trong chương trình tham quan kiến tập được phối hợp thực hiện với Công ty Cổ phần Đào tạo và phát triển nhân lực Dgroup cho hay, ngành công nghiệp là trụ đỡ cho nền kinh tế trong giai đoạn tới.
“Từ hai bàn tay trắng và quá trình tạo dựng nên cơ ngơi như hiện tại, chúng tôi đã gặp phải không ít khó khăn, thách thức. Nhưng sau tất cả với tâm niệm: “Khách hàng là ân nhân; Con người là cốt lõi; Gia tăng giá trị tối đa cho khách hàng là quyền lợi” và Phương Linh thực hiện theo đúng những điều này, mọi bài toán khó đều được giải quyết một cách dễ dàng”, ông Trần Văn Lê nói.
Hiện Phương Linh đã sản xuất được hầu hết các loại quạt công nghiệp và thay thế được hàng nhập khẩu. Các loại quạt công nghiệp do Phương Linh sản xuất đã có mặt ở mọi miền đất nước, trong những công trình trọng điểm quốc gia, được khách hàng nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… đón nhận. Không dừng lại ở đó, Phương Linh đang từng bước nỗ lực đưa doanh nghiệp trở thành công ty lớn mạnh của Việt Nam và Đông Nam Á trong lĩnh vực này.
CEO Lê Dung, Ủy viên BCH Hanoisme, Tổng giám đốc công ty CP Đào tạo và phát triển nhân lực Dgroup cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa cần có hướng tiếp cận mới để phát triển, trong đó bà Dung nhấn mạnh việc kết nối với nhau để tạo giá trị, thành công. Năm 2022 sẽ là năm DGroup tiếp tục sứ mệnh đồng hành cùng cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp với nhiều chương trình thiết thực và ý nghĩa.
TS Nguyễn Đình Cung chia sẻ về tăng trưởng bền vững trong công nghiệp.Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN
Theo TS Nguyễn Đình Cung (Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương), ngoài việc tiếp cận với nguồn nhân lực công nghệ, phát triển sáng tạo, để duy trì bền vững, ngành công nghiệp Việt Nam cần phát triển thân thiện với môi trường tạo ra xu hướng công nghiệp xanh.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 01/2022 tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 2,8%.
Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành trọng điểm có chỉ số sản xuất tăng cao như: khai thác quặng và kim loại tăng 21,9%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 16,8%; sản xuất trang phục tăng 11,4%; sản xuất thiết bị điện tăng 11,5%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 11,3%; dệt tăng 8,8%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 15,3%.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung chỉ đạo sản xuất, đặc biệt là các dự án trọng điểm ngay từ đầu năm nhằm tạo nguồn hàng hóa phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Cùng với đó, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh theo hướng rà soát thủ tục, quy trình cấp phép, thực hiện tối đa việc cấp phép trực tuyến đảm bảo đơn giản, công khai, minh bạch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện kết nối liên thông các hệ thống thông tin...
Giấy phép số: 218/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp
Địa chỉ: Tầng 3, nhà D, Khách sạn La Thành, số 226 Vạn Phúc, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại: 024.62 9191 37 - Email: info@bcsi.edu.vn
Website: www.bcsi.edu.vn
Copyright © 2016 by BCSI