Vận chuyển hàng hóa tại cảng ở thành phố Thiên Tân, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN hát
Trước nguy cơ thuế quan của Mỹ đe dọa xuất khẩu, Trung Quốc đã cam kết tăng cường các biện pháp kích thích kinh tế trong năm tới.
Trong bối cảnh đó, theo ông George Efstathopoulos, quản lý danh mục đầu tư tại Fidelity, các nhà đầu tư có thể tận dụng sự phục hồi của Trung Quốc bằng cách mua cổ phiếu nội địa, vốn “mang lại dòng lợi nhuận ít bị ảnh hưởng bởi rủi ro thuế quan và nhạy cảm hơn với các chính sách hỗ trợ trong nước”.
Theo các chiến lược gia của UBS Group AG, trong khi các cổ phiếu tiêu dùng và bất động sản có thể là những đối tượng hưởng lợi trực tiếp nhất từ các gói kích thích, cổ phiếu ngân hàng - với mức định giá thấp và cổ tức cao - có thể mang lại một số sự bảo vệ trong bối cảnh bất ổn vĩ mô.
Trong khi Trung Quốc đang vật lộn với đà tăng trưởng chậm lại, Ấn Độ có khả năng trở thành một điểm đến sản xuất thay thế. Nền kinh tế lấy động lực từ nội địa giúp nước này tự vệ trước các rủi ro toàn cầu, và giai đoạn tăng trưởng chậm gần đây được coi chỉ là tạm thời. Ông Vis Nayar, Giám đốc đầu tư tại Eastspring Investments, cho biết các cải cách đang diễn ra, quá trình đô thị hóa ngày càng tăng và sự dịch chuyển chuỗi cung ứng được dự đoán sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận của Ấn Độ trong dài hạn. Quản lý danh mục đầu tư cấp cao của Amundi, bà Esther Law, vẫn lạc quan về trái phiếu của Ấn Độ, do mức nợ nước ngoài thấp và lợi ích từ việc nước này được đưa vào chỉ số trái phiếu toàn cầu.
Tuy nhiên, một số nhà đầu tư bày tỏ sự thận trọng về mức định giá vẫn còn cao của các cổ phiếu Ấn Độ, trong bối cảnh chỉ số chứng khoán chuẩn của nước này sắp kết thúc năm tăng điểm thứ chín liên tiếp.
Ngoài ra, sự dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc đang tác động tích cực đến các nước Đông Nam Á, trong đó Indonesia (In-đô-nê-xi-a) nổi bật nhờ nền kinh tế nội địa vững mạnh, ngành hàng hóa mạnh mẽ và ngân hàng trung ương tập trung vào sự ổn định tiền tệ. Các công ty tài chính lớn như Amundi, Allianz Global Investors và Fidelity đều nhấn mạnh trái phiếu chính phủ Indonesia - đặc biệt là trái phiếu bằng USD - là những lựa chọn tiềm năng.
Ngoài ra, chuyên gia Wenting Shen của công ty T. Rowe Price cho biết Việt Nam sẽ “củng cố vị thế là cường quốc xuất khẩu trong tương lai”. Theo bà, khả năng được đưa vào chỉ số thị trường mới nổi FTSE vào năm tới cũng có thể thúc đẩy triển vọng trong ngắn hạn của đất nước.
Tuy nhiên, châu Á vẫn đối mặt với rủi ro do nằm trong số những khu vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ chính sách thương mại của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Bên cạnh đó, biến động tiền tệ, lợi nhuận doanh nghiệp sụt giảm và tăng trưởng chậm lại trong năm tới là cũng là những thách thức, trong bối cảnh nhiều ngân hàng trung ương trong khu vực còn ít dư địa để nới lỏng chính sách hơn nữa.
Nhiều đồng tiền trong khu vực có thể tiếp tục suy yếu so với đồng USD trong năm tới, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận của các nhà đầu tư nước ngoài. Chỉ riêng trong năm 2024, đồng USD mạnh đã khiến tỷ suất lợi nhuận khi đầu tư vào trái phiếu bằng nội tệ châu Á giảm khoảng ba điểm phần trăm.