Dựa trên phân tích kỹ thuật, những đáy nhọn của VN-Index thường rơi vào thời điểm thanh khoản thấp, điều này mô tả hành vi nhà đầu tư là dòng tiền không phải lướt sóng ngắn hạn đang tham gia dần vào thị trường khi định giá rẻ. Đây là giai đoạn “lên trong nghi ngờ”..
Sau khi có một nhịp nhúng xuống 1.200 điểm, nhờ cầu bắt đáy nhảy vào Vn-Index ngay lập tức hồi phục và đi lên thẳng vùng 1.244 điểm tính đến hôm nay. Tâm lý nhà đầu tư đã bớt căng thẳng hơn trong khi khối ngoại cũng chấm dứt đà bán ròng liên tiếp, trong 4 phiên qua nhóm này bất ngờ mua ròng hơn 600 tỷ đồng.
Câu hỏi được nhà đầu tư quan tâm nhất lúc này liệu thị trường đã tạo đáy chưa? Nhận định về thị trường ở thời điểm hiện tại, ông Đào Hồng Dương, Giám đốc phân tích ngành và cổ phiếu Công ty CP Chứng khoán VPBank cho hay dữ liệu lịch sử đo lường 16 ngành cấp 2 trong 8 năm cho thấy có 9/16 ngành cấp 2 đang giao dịch ở mức PE dưới mức bình quân 8 năm, trong đó có 5 ngành về gần mức thấp nhất của chu kỳ 8 năm.
Đối với chỉ tiêu PB thì có 14/16 ngành giao dịch dưới mức bình quân 8 năm, trong đó có 6 ngành gần mức thấp nhất 8 năm. Đồng thời, PB của VN-Index đang ở 1,6 lần trong khi mức thấp nhất trong 8 năm là 1,5 lần và bình quân là 2,2 lần. Như vậy, định giá của VN-Index cũng đã về mức thấp hơn rất nhiều so với bình quân và chỉ còn cách đáy một chút.
Dựa trên phân tích kỹ thuật, những đáy nhọn của VN-Index thường rơi vào thời điểm thanh khoản thấp, điều này mô tả hành vi nhà đầu tư là dòng tiền không phải lướt sóng ngắn hạn đang tham gia dần vào thị trường khi định giá rẻ. Người ta thường nói giai đoạn này là “lên trong nghi ngờ” bởi đến khi thanh khoản tăng trở lại và xác nhận thị trường phục hồi thì thường đã tăng được một khoảng rồi.
Thêm vào đó, các nhà đầu tư đổ xô bán cổ phiếu thì thanh khoản tăng và giá giảm, trong trường hợp thanh khoản giảm dần nhưng giá không còn giảm nữa là một trong những dấu hiện cho thấy đáy ngắn hạn.
Hiện tại, hầu hết ngành nghề và cổ phiếu đều đang đi vào vùng giá hấp dẫn rồi.
Những ngành đang có định giá hấp dẫn, PE thấp hơn mức bình quân 8 năm như thực phẩm và đồ uống, tài nguyên cơ bản, bất động sản, hàng và dịch vụ công nghiệp, điện nước và xăng dầu khí đốt, bảo hiểm, ngân hàng.
Nếu xét về PB thì con số ngành về mức hấp dẫn nhiều hơn nữa, gồm bất động sản, dầu khí, bán lẻ, thực phẩm đồ uống, ngân hàng, bảo hiểm, điện, nước, xây dựng… Tức là gần như toàn bộ lĩnh vực.
"Số liệu thống kê cho thấy bức tranh về mặt bằng định giá của các ngành trên thị trường đang ở mức hấp dẫn, thấp nhất trong chu kỳ 8 năm. Việc đầu tư vào ở vùng định giá thấp giúp hạn chế rủi ro. Tuy nhiên, mức độ lợi nhuận là bao nhiêu thì phải đi sâu vào triển vọng của ngành trong tương lai", ông Dương nhấn mạnh.
Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng danh mục đầu tư, ngoài câu chuyện định giá và triển vọng, theo ông Dương, nhà đầu tư phải đánh giá về khẩu vị chấp nhận rủi ro, từ đó mới đưa ra danh mục với tỷ trọng ngành nghề khác nhau. Không bao giờ để trứng vào 1 giỏ.
Chúng ta đầu tư tỷ trọng lớn vào 1 cổ phiếu là bỏ trứng vào 1 giỏ hay đầu tư nhiều cổ phiếu của cùng 1 ngành đỡ rủi ro hơn một chút nhưng cũng bỏ trứng vào 1 giỏ. Để phân tán rủi ro, nên chia ra nhiều ngành khác nhau.
Chuyên gia của VPBankS nói: "Cá nhân tôi có khẩu vị rủi ro thấp, tương đối thận trọng nên yếu tố đầu tiên tôi quan tâm là định giá của ngành nghề. Bởi với một ngành có định giá thấp và triển vọng ngành đã tạo đáy thì thường ổn định và ít rủi ro".
Yếu tố thứ 2 là quy mô và vị thế. Ông Dương cho biết thường chọn ngành nghề có vốn hóa chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường, thanh khoản cao như ngân hàng, bất động sản, thép. Đồng thời, những ngành nghề này cũng phản ánh xu hướng nền kinh tế, thường lĩnh vực này không tăng được thì thị trường khó tăng. Hay, một số ngành nghề có triển vọng tăng trưởng bứt phá như bất động sản, chứng khoán, bán lẻ. Mặt khác, trong bối cảnh định giá hấp dẫn thì ngành công nghệ thông tin cũng đáng lưu ý bởi tăng trưởng ổn định.
"Khi xây dựng danh mục cá nhân, tôi thường đặt 50% tỷ trọng danh mục vào ngành nền tảng như ngân hàng, bất động sản, thép. Tôi thực hiện trading tăng, giảm tỷ trọng phần còn lại vào các ngành như bán lẻ, chứng khoán, công nghệ thông tin…", vị này nhấn mạnh.