"Trong khủng hoảng sẽ luôn có rất nhiều cơ hội"
Với chỉ 332 ca nhiễm và không có ca tử vong nào, đại dịch Covid-19 gần như "bỏ qua" Việt Nam. Nhưng từ "đại bản doanh" ở Hà Nội, tỷ phú Phạm Nhật Vượng vẫn nhìn thấy 1 nhu cầu rất lớn và nhu cầu đó còn vượt ra cả bên ngoài Việt Nam. Hồi tháng 4, sau khi xem xét kỹ lưỡng, tỷ phú giàu nhất Việt Nam đưa ra 1 quyết định táo bạo: tập đoàn của ông sẽ sản xuất máy thở.
Trong trường hợp tồi tệ nhất, virus corona chủng mới sẽ tấn công vào phổi, khiến quá trình đưa oxy vào dòng máu rất khó khăn. Khi đó sự trợ giúp của máy thở tạo ra sự khác biệt rất lớn giữa việc người bệnh sống hay chết. Tuy nhiên thế giới rất thiếu máy thở.
Tình trạng thiếu máy thở đặc biệt nghiêm trọng ở những nước đang phát triển, ví dụ như Nam Sudan chỉ có 4 máy thở trên mỗi 12 triệu dân, nhưng kể cả nước giàu nhất thế giới cũng thiếu máy thở. Sau những báo cáo rằng một số bệnh viện quá tải nhất ở New York cũng chỉ có đủ máy thở để phục vụ 2 bệnh nhân trong cùng 1 thời điểm, Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu các nhà sản xuất ô tô ngay lập tức bắt tay sản xuất loại thiết bị này. Ford và General Electric đã cùng tham gia 1 hợp đồng thầu với chính phủ Mỹ trị giá 336 triệu USD để giao 50.000 máy thở trước ngày 13/7.
Ảnh: Maika Elan/Bloomberg
Và tỷ phú Vượng tin rằng công ty của ông, Vingroup JSC, có thể sản xuất máy thở nhanh hơn mà lại rẻ hơn. Sử dụng 1 thiết kế mã nguồn mở từ công ty chuyên sản xuất máy thở Medtronic, trong thời gian chờ đợi được chính phủ cấp phép, dây chuyền sản xuất của công ty đã bắt đầu sản xuất.
Những chiếc máy thở của Vingroup có giá vào khoảng 7.000 USD (khoảng hơn 160 triệu đồng), rẻ hơn 30% so với chính mẫu do Medtronic thiết kế. Công ty cũng cho biết có thể sản xuất 55.000 chiếc mỗi tháng và sẽ xuất khẩu sang bất cứ nơi nào có nhu cầu.
Mặc dù Vingroup đang sở hữu 1 hệ thống các bệnh viện và phòng khám, trở thành nhà sản xuất thiết bị y tế chưa bao giờ nằm trong kế hoạch của tập đoàn. Nhưng tỷ phú Vượng vốn được biết đến là người có tham vọng rất hợp thời với tham vọng của cả đất nước. Chẳng hạn như khi chính phủ khuyến khích các công ty sản xuất trong nước làm ra những sản phẩm phức tạp hơn thay vì gia công đơn thuần, Vingroup đã bắt đầu sản xuất ô tô và smartphone.
Và trong thời dịch bệnh, khi chính phủ nói về những chiếc khẩu trang Made-in-Vietnam được bán cho nước ngoài, Vingroup lại sản xuất máy thở. Đây cũng là một phần của chiến dịch đầy tham vọng mang tầm cỡ toàn cầu: bán những chiếc xe hơi do Việt Nam sản xuất cho thế giới. Trong 1 bài phỏng vấn với Bloomberg, ông từng chia sẻ tự bỏ tiền túi 2 tỷ USD để biến tham vọng này thành hiện thực.
Liệu người Mỹ có xem xét mua xe hơi Made-in-Vietnam hay không đến giờ vẫn là 1 câu hỏi còn bỏ ngỏ. Nhưng máy thở là sản phẩm mà 1 thế giới đang bị đại dịch tấn công không thể từ chối. "Bài học mà chúng tôi học được từ khủng hoảng là sẽ luôn có rất nhiều cơ hội. Điều chúng tôi phải làm là đưa ra quyết định đúng và hành động thật nhanh", ông Vượng chia sẻ với phóng viên Bloomberg.
Con đường không trải hoa hồng
Trong 2 thập kỷ qua, Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Thu nhập trung bình của người dân tăng hơn 6 lần, và kể cả trước khi đại dịch ập đến thì ông vẫn luôn đặt mục tiêu xây dựng 1 công ty đủ nhanh để bắt kịp với tầng lớp trung lưu đang tăng trưởng rất nhanh của đất nước. Ngày nay Vingroup có hàng chục mảng kinh doanh có thể phục vụ người dân từ khi lọt lòng đến lúc già yếu.
Một đứa trẻ có thể được sinh ra ở bệnh viện Vinmec, lớn lên trong 1 căn hộ Vinhome, đi học ở Vinschool và học đại học ở VinUniversity. 1 gia đình sẽ lái xe VinFast và đi nghỉ dưỡng ở Vinpearl. Trong cuộc sống hàng ngày, họ có thể liên lạc với nhau bằng điện thoại VinSmart và mua sắm trong các trung tâm thương mại Vincom.
Ông Vượng từng chia sẻ mong muốn giải quyết những vấn đề mà mọi người đều cho là khó, những thứ mà doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam chưa thể thực hiện thành công. "Phát triển 1 thương hiệu Việt Nam đạt tầm quốc tế chính là sứ mệnh và trách nhiệm của Vingroup ", ông nói.
Trên hành trình thực hiện tham vọng đó, máy thở có thể trở thành 1 lời chào hấp dẫn đối với thị trường toàn cầu. Nếu Vingroup có thể sản xuất ở quy mô như ông dự tính, tập đoàn sẽ giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt máy thở trên toàn cầu, đồng thời dựa vào đòn bẩy từ thương hiệu của Medtronic để tạo uy tín. Và nếu thành công, Vingroup sẽ chứng minh được khả năng có thể sản xuất 1 thiết bị phức tạp, đáng tin cậy và giúp cứu sống mạng người – khác biệt so với hình ảnh 1 nhà sản xuất ô tô mang tính truyền cảm hứng.
Nhận xét về Vingroup, nhà sáng lập Mark Mobius của Mobius Capital Partners, cho rằng "trên thế giới có rất ít công ty như vậy". Ông đã đầu tư vào Việt Nam suốt hơn chục năm nay và có một số thương vụ đầu tư dưới dạng quỹ cổ phần tư nhân ở Việt Nam. "Tham vọng của họ thật đáng kinh ngạc".
Theo tỷ phú Vượng, những sự kiện gần đây càng khiến tham vọng vươn ra toàn cầu của công ty lớn mạnh hơn nữa. Vingroup vẫn dự tính sẽ thuê hàng trăm kỹ sư để mở rộng trung tâm nghiên cứu và thiết kế ở Australia, nhằm phục vụ việc phát triển các mẫu xe hơi và xe điện tiếp theo của VinFast. Theo nguồn tin thân cận tập đoàn đang quan tâm đến việc thâu tóm một số tài sản của Holden, nhà sản xuất ô tô phá sản của Úc.
Những cánh tay robot ở nhà máy VinFast ở Hải Phòng. Ảnh: Yen Duong/Bloomberg
Tất nhiên trên con đường thực hiện tham vọng không phải lúc nào cũng trải đầy hoa hồng. Vingroup cũng từng trải qua nhiều quãng thời gian khó khăn nhưng đều vượt qua được. Năm 2011, khi tỷ lệ lạm phát lên tới 23% và thị trường bất động sản vỡ bong bóng, mảng bất động sản của Vingroup lại cho ra mắt khu đô thị Vinhomes Riverside với những căn biệt thự xa hoa chạy dọc theo 1 kênh đào nhân tạo. Năm đó thu nhập ròng của tập đoàn sụt giảm tới 64%. Sau đó mảng bất động sản và mảng du lịch được hợp nhất thành Vingroup.
Vụ sáp nhập đó đã thành công. Doanh thu ròng đạt mức cao kỷ lục năm 2012 và lợi nhuận hồi phục nhanh chóng. Kể từ đó đến nay doanh thu đã tăng gấp 17 lần, chạm mốc 130,8 nghìn tỷ đồng (5,6 tỷ USD) năm 2019. Năm ngoái, công ty tuyên bố tái cấu trúc, từ bỏ kế hoạch tham gia thị trường hàng không và bán mảng bán lẻ cũng như nông nghiệp.
Tỷ phú Vượng chia sẻ những bộ phận mà công ty hiện đang giữ lại là những mảng có tiềm năng lớn nhất. "Chúng tôi sẽ không thay đổi chiến lược kinh doanh. Nếu như kinh tế toàn cầu suy thoái quá nặng thì chúng tôi có thể điều chỉnh một vài kế hoạch ngắn hạn".
Ở vị tỷ phú này có sự tự tin của một người đã đọc rất nhiều và từng thay đổi cả khẩu vị của người tiêu dùng. Khi ông khởi nghiệp bằng cách bán mì ăn liền Việt Nam ở Ukraine, để thuyết phục những người dân Ukraine vốn lớn lên cùng với món súp củ cải đỏ ăn kèm với bánh bao chuyển sang yêu thích những tô mì ăn liền, ông đã đi thẳng tới trung tâm thương mại, nấu mì cho khách xem và cho họ ăn thử miễn phí. Cuối cùng thì loại mì của ông đã trở thành món ăn phổ biến trong các hộ gia đình ở Ukraine và sau này ông bán lại công ty cho Nestle với giá khoảng 150 triệu USD.
Năm 2000, ông quay trở lại Việt Nam và nhìn thấy rất nhiều cơ hội. "Cơ sở hạ tầng quá lạc hậu so với thế giới. Hà Nội chỉ có vài tòa nhà cao tầng và khách sạn 5 sao. Tôi có tiền và đã nghĩ rằng nếu như mình đầu tư mà không thu lại được gì thì chí ít thành phố cũng có những tòa nhà to đẹp", ông nói.
Chỉ trong 3 năm, ông mở ra khách sạn cao cấp đầu tiên do chính tay 1 công ty Việt Nam phát triển – Vinpearl Resort & Spa tọa lạc trên đảo Hòn Tre của tỉnh Khánh Hòa, cách không xa thành phố du lịch biển Nha Trang. Khu này có công viên nước đầu tiên của Việt Nam và 1 sân golf 18 lỗ.
Năm ngoái chỉ trong 17 ngày mảng bất động sản dân cư của Vingroup đã bán được 10.000 căn hộ ở dự án Vinhomes Grand Park (tại thành phố Hồ Chí Minh). Đây là khu đô thị bao quanh Landmark 81 – tòa nhà cao nhất Việt Nam do Vingroup xây dựng.
Tháng 9/2017, Vingroup thông báo kế hoạch sản xuất và bán xe hơi. 9 tháng sau, kế hoạch sản xuất smartphone được tiết lộ. Tham vọng quá lớn và tốc độ triển khai quá nhanh khiến tất cả mọi người, thậm chí là những đối tác, phải ngạc nhiên.
"Dù cho quy mô lớn hay nhỏ thì mọi thứ cần phải được triển khai trong thời gian rất ngắn. Tôi từng nhận được nhiều cuộc gọi lúc nửa đêm nếu như họ đang chờ một báo cáo hay thứ gì đó chưa được hoàn thành", theo chia sẻ của Stephen Wyatt, người phụ trách thị trường Việt Nam tại Jones Lang Lassalle, công ty từng tham gia định giá Vinhomes trước thềm IPO năm 2018.
Năm ngoái VinFast tung ra 3 mẫu xe mới và cho biết đã nhận được hơn 17.000 đơn đặt hàng. Tháng 11 này công ty dự tính cho ra mắt mẫu xe điện đầu tiên tại sự kiện Los Angeles Auto Show. Với pin sử dụng linh kiện từ LG Chem, mẫu xe này sẽ chạy được 510km chỉ với 1 lần sạc, chỉ ngắn hơn 15% so với mẫu Model S của Tesla. Công ty sẽ thử nghiệm trên diện rộng trong mùa đông năm nay và bắt đầu bán xe từ mùa hè sang năm.
Mâu xe điện chạy thử của VinFast. Nguồn: VinFast
Một số chuyên gia trong ngành cho rằng Vingroup sẽ không thể xuất khẩu xe điện sang Mỹ vào năm 2021 và 2022 như dự tính vì thường phải mất 2 đến 3 năm để được chính phủ Mỹ phê duyệt. Bên cạnh đó hãng xe điện hàng đầu nước Mỹ là Tesla cũng vẫn chưa thể có lãi.
Tỷ phú Vượng không chối bỏ những rủi ro này. Ông nói rằng "bất kỳ công ty nào cũng có thể sụp đổ". Mới đây Vingroup đã chạy thử các kịch bản khẩn cấp (ví dụ như thị trường bất động sản có thể sụp đổ như năm 2009) và tiếp tục lên kế hoạch thoái vốn khỏi một số mảng. Với dự báo thị trường bất động sản chỉ có thể tăng trưởng nhẹ trong năm nay, Vingroup đang đầu tư vào bất động sản khu công nghiệp, đón làn sóng các nhà sản xuất dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Còn đối với những người hoài nghi về tham vọng xe điện, ông chỉ ra rằng VinFast đã biến 1 vùng đầm lầy thành nhà máy hiện đại bậc nhất, với những dây chuyền sản xuất hoàn toàn tự động hóa và chỉ mất 21 tháng để xuất xưởng chiếc xe đầu tiên. Ít ai nghĩ rằng VinFast có thể làm được điều đó cho đến khi nó thực sự diễn ra.
Hiện nhà máy Vinsmart đang sử dụng những kim loại, nhựa và chip bán dẫn của điện thoại để sản xuất máy thở. Vingroup cho biết khoảng 70% nguyên liệu được lấy từ trong nước. Chỉ cần 85 công nhân đã sản xuất được 160 máy thở mỗi ngày và công ty đang chờ phê duyệt cuối cùng của chính phủ để đẩy mạnh sản xuất. Trong tháng này sẽ có kết quả thử nghiệm lâm sàng và công ty sẽ sớm được cấp phép sản xuất trên diện rộng.
Ông Vượng cho biết ở mức giá hiện nay giá bán máy thở thấp hơn chi phí sản xuất, nhưng mục đích của việc sản xuất máy thở hoàn toàn là để đóng góp cho xã hội ở thời điểm quan trọng như hiện nay. Và đó cũng chỉ là tạm thời. "Chúng tôi không có kế hoạch mở rộng sang mảng này", ông nói.
Vị tỷ phú cho biết ông muốn Vingroup tiếp tục làm dài thêm danh sách những điều đầu tiên của Việt Nam. "Tôi luôn nói với các đồng nghiệp là đừng để cuộc đời trôi qua vô nghĩa. Đừng để đến cuối đời bạn hoàn toàn không có điều gì để hồi tưởng và kể lại. Đó sẽ là cái kết đáng thương nếu như cuộc đời của bạn không tạo ra được bất kỳ giá trị nào".
Theo Bloomberg
Nội dung đang cập nhật...
Giấy phép số: 218/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp
Địa chỉ: Tầng 3, nhà D, Khách sạn La Thành, số 226 Vạn Phúc, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại: 0877459777 - Email: nhat.cao@bcsi.edu.vn
Website: www.bcsi.edu.vn
Copyright © 2016 by BCSI