Là người tham gia THQG ngay từ những ngày đầu triển khai, PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh rất thấu hiểu những khó khăn mà các doanh nghiệp gặp phải trong việc đáp ứng những tiêu chí của chương trình. Bộ tiêu chí của Chương trình THQG được xây dựng dựa trên 2 bộ tiêu chí đo lường sức mạnh thương hiệu của Tập đoàn InterBrad - Anh và Giải thưởng chất lượng quốc gia - Hoa Kỳ. Tuy nhiên, bộ tiêu chí không phải quá khó đến mức không thể làm được, chỉ có điều DN có thực sự đầu tư để làm. Bằng chứng có nhiều DN đã đạt và duy trì THQG qua nhiều năm. Hơn nữa, ngoài chức năng lựa chọn thương hiệu sản phẩm đủ điều kiện để công nhận THQG, bộ tiêu chí còn là bộ KIT hướng dẫn cụ thể cho DN xây dựng thương hiệu.
Dù vậy, có lẽ đã đến lúc phải chỉnh sửa lại một số biểu mẫu trong bộ tiêu chí sao cho đơn giản và dễ hiểu hơn để DN có thể dễ dàng thực hiện khi tiến hành xây dựng và hoàn thiện bộ hồ sơ tham gia chương trình.
Ông Thịnh cũng đưa ra những khuyến cáo thêm về chất lượng sản phẩm THQG để tiếp cận sâu rộng hơn với thị trường thế giới. Đầu tiên, cơ chế của chương trình cần có sự điều chỉnh. THQG là chương trình của Chính phủ nhưng giao trực tiếp cho Bộ Công Thương làm đầu mối, do vậy uy lực vẫn còn điểm hạn chế. Nếu chương trình được chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ thì uy lực cũng như khả năng kết nối giữa các bộ, ngành và địa phương sẽ mạnh hơn. Hiệu lực của chương trình theo đó sẽ tăng cao.
Thứ hai là vấn đề nhận thức của DN. THQG không chỉ dành cho DN lớn, những DN có quy mô nhỏ, đặc biệt là DN khởi nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, tiên phong trong lĩnh vực bảo vệ môi trường hoàn toàn có thể tham gia chương trình. Hơn nữa, quá trình xây dựng thương hiệu không phải chỉ được đo lường bằng sự tăng trưởng về doanh số, mà quan trọng nhất là đo lường bằng sự nhận thức, đánh giá của người tiêu dùng đối với sản phẩm cung ứng ra thị trường. Vì vậy, muốn xây dựng sản phẩm mang THQG có chất lượng tốt, cũng như cạnh tranh bền vững trên thị trường, buộc DN phải nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo dựng uy tín trên thị trường.
Cuối cùng là vấn đề truyền thông cho chương trình. Kết quả khảo sát năm 2018 cho thấy, mới có 42% DN biết đến chương trình THQG. Điều đó, chứng tỏ công tác truyền thông làm chưa tốt. Mức độ biết đến của các DN Việt Nam với chương trình cũng chưa cao. Đây chính là vấn đề cần phải có sự điều chỉnh tích cực hơn trong giai đoạn tới.
Đề xuất, đóng góp cho dự thảo Đề án Chương trình THQG giai đoạn 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ông Thịnh chia sẻ: “Xây dựng THQG của Việt Nam có 3 mục tiêu, trong đó cao nhất là làm thế nào để xây dựng được hình ảnh quốc gia Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế. Mục tiêu thứ nhất, một quốc gia năng động, sáng tạo, thân thiện, có sản phẩm chất lượng cao. Thứ hai, hỗ trợ và giúp đỡ DN nâng cao năng lực xây dựng thương hiệu của chính DN thông qua rất nhiều chương trình tập huấn, đào tạo, tư vấn. Mục tiêu thứ ba, lựa chọn những đối tác tham gia chương trình là thương hiệu sản phẩm của DN nhằm xét chọn THQG. Với những mục tiêu đó, chương trình THQG rất cần sự kết nối mạnh mẽ của tất cả các bộ, ngành.
Mặt khác, những năm qua, chương trình lựa chọn xây dựng THQG thông qua thương hiệu sản phẩm. Đây là cách đi dễ và khôn ngoan trong giai đoạn đầu xây dựng THQG. Tuy nhiên, sau 15 năm thực hiện, đã đến lúc phải mở rộng hơn mối kết nối này và cần sự cộng hưởng của nhiều vấn đề: Ngoại giao, phát triển thương hiệu cho sản phẩm, phát triển thương hiệu cho các điểm đến du lịch, kết nối cộng đồng, chính sách đầu tư, thậm chí cả chính sách định cư và cả phát huy những giá trị bản sắc văn hóa dân tộc.
Trong dự thảo Đề án Chương trình THQG giai đoạn 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Ban Thư ký chương trình cùng lãnh đạo Bộ Công Thương xem xét, bổ sung công nhận THQG cho sản phẩm vùng miền, sản phẩm theo chỉ dẫn địa lý.”