Định vị thương hiệu du lịch sau sáp nhập

Định vị thương hiệu du lịch sau sáp nhập

Các địa danh du lịch nổi tiếng ở Đà Lạt, Nha Trang, Vũng Tàu và Phú Quốc được đề xuất giữ tên trong phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

Nguồn:Lao động

Mới đây, UBND TP Đà Lạt đề xuất sắp xếp 16 phường, xã trên địa bàn thành phố thành 2 đến 4 đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Lâm Đồng. Ba phương án đều đề xuất giữ Đà Lạt trong tên gọi hành chính.

Đà Lạt được mệnh danh là “thành phố ngàn hoa“, điểm đến du lịch hấp dẫn du khách Việt Nam và quốc tế. Ảnh: Hữu Long

Đà Lạt được mệnh danh là “thành phố ngàn hoa“, điểm đến du lịch hấp dẫn du khách Việt Nam và quốc tế. Ảnh: Hữu Long

Tương tự, TP Nha Trang (Khánh Hòa), TP Phú Quốc (Kiên Giang), Bà Rịa - Vũng Tàu đều đề xuất phương án giữ lại tên một số địa danh đặc trưng như Nha Trang, Phú Quốc, Vũng Tàu… sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp cơ sở.

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội, tán thành việc ưu tiên giữ lại tên các địa danh du lịch nổi tiếng sẵn có.

“Nhiều điểm đến du lịch như Nha Trang, Phú Quốc, Đà Lạt… đã rất nổi tiếng và xuất hiện trên bản đồ du lịch thế giới. Chúng ta đã mất rất nhiều thời gian, công sức, thậm chí cả tiền bạc để quảng bá những điểm đến này không chỉ trong nước mà với cả bạn bè quốc tế. Do đó, nên ưu tiên giữ lại những cái tên này”, ông Nguyễn Tiến Đạt nói.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội, nếu xóa bỏ hoặc đổi tên các địa danh, ngành du lịch địa phương có thể gặp khó khăn khi phải truyền thông điểm đến lại từ đầu, gây tốn kém thời gian, công sức và tiền bạc.

Ông Đạt cho rằng việc sáp nhập các tỉnh thành có thể mở ra cơ hội để phát triển tour tuyến trong khu vực, thúc đẩy ngành du lịch địa phương cùng nhau tăng trưởng. Tuy nhiên, để làm được điều này cần có sự góp sức, hỗ trợ từ nhà nước và chính quyền địa phương.

“Việc thay đổi ranh giới địa lý có thể khiến người dân, du khách trong nước và quốc tế cảm thấy lạ lẫm, chưa quen thuộc với các tên điểm du lịch mới. Do đó, nhà nước và các địa phương cần hỗ trợ đẩy mạnh truyền thông về điểm đến, bản đồ du lịch.

Thay vì chỉ hướng dẫn những điểm đến đơn lẻ, chúng ta nên truyền thông một bản đồ du lịch tổng thể, giúp du khách dễ dàng tiếp cận và trải nghiệm hơn. Một bản đồ du lịch hoàn chỉnh cần thể hiện đầy đủ các địa danh cũ, địa danh mới, cũng như các điểm đến nổi bật của các tỉnh”, ông Đạt nói thêm.

Khi sắp xếp đơn vị hành chính, ngành du lịch cần bàn giải pháp tiếp thị du lịch điểm đến, và làm việc với các địa phương.

Đối với các địa danh không thể giữ lại tên gọi hành chính, ông Bùi Thanh Tú - Giám đốc Marketing của Best Price, đề xuất giải pháp truyền thông: “Trong giai đoạn chuyển tiếp, sử dụng cả tên cũ và tên mới để du khách dần quen với sự thay đổi mà không mất kết nối với thương hiệu cũ.

Đồng thời, cần tăng cường truyền thông, đẩy mạnh quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội, công cụ tìm kiếm và bản đồ số, đảm bảo rằng dù tên hành chính thay đổi, thông tin về điểm đến vẫn dễ dàng tiếp cận”.

Bên cạnh đó, ông Tú gợi ý nên gọi địa danh gắn liền với đặc điểm nổi bật của địa phương, ví dụ Đà Lạt - Thành phố ngàn hoa. Điều này giúp duy trì hình ảnh quen thuộc của điểm đến trong tâm trí du khách mà không cần đến tên gọi hành chính.

Các địa phương mới được thành lập nên nhanh chóng thực hiện các chiến dịch quảng bá, kể chuyện về sự đổi mới của điểm đến du lịch.

“Dù rằng đổi tên gọi, giá trị cốt lõi như vẻ đẹp thiên nhiên, khí hậu, văn hóa... của điểm đến vẫn được giữ nguyên. Đồng thời, phạm vi địa phương được mở rộng giúp điểm đến liên kết với nhiều danh thắng khác, đem tới cho du khách nhiều trải nghiệm hơn so với trước đây”, ông Tú nói.

Lao động
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang