Doanh nghiệp chú trọng xây dựng thương hiệu bên cạnh gia tăng lợi nhuận

Doanh nghiệp chú trọng xây dựng thương hiệu bên cạnh gia tăng lợi nhuận

Câu chuyện xây dựng thương hiệu luôn là vấn đề được các doanh nghiệp (DN) chú trọng bên cạnh vấn đề lợi nhuận. Đặc biệt là chiến lược xây dựng thương hiệu trong bối cảnh thương mại điện tử đang chiếm ưu thế lớn.

Nguồn:Tạp chí Hải quan

Khách quốc tế tham quan gian hàng quảng bá cà phê Việt Nam.  Ảnh: CTV

Khách quốc tế tham quan gian hàng quảng bá cà phê Việt Nam. Ảnh: CTV

Nhiều cơ hội mới

Thời gian qua, tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn, thiếu đơn hàng và thiếu thị trường khiến cộng đồng DN phải cạnh tranh gay gắt. Trong đó, câu chuyện thương hiệu chính là yếu tố quan trọng để DN có thể vững chân ở thương trường.

Theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, thương hiệu chính là cái “giá” mà đối tác, khách hàng, người tiêu dùng sẵn sàng trả thêm cho sản phẩm. Rất nhiều DN Việt Nam hiện nay có những thương hiệu giá trị như vậy. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, thương hiệu chính là diện mạo của DN. “Hình bóng thương hiệu trên trường quốc tế là rất quan trọng, bởi đằng sau là sức sáng tạo, công nghệ... Trong xây dựng thương hiệu, nếu chúng ta xuất khẩu được sang một nước phát triển, thị trường khó tính, đòi hỏi cao mà ta xuất khẩu được bền vững thì đây là thước đo chứng tỏ được năng lực, chất lượng, tên tuổi của DN”, TS Võ Trí Thành khẳng định.

Đặc biệt, trên sân chơi toàn cầu, thương hiệu không còn chỉ là phương tiện để thúc đẩy, hỗ trợ bán hàng mà thực sự là một tài sản có giá trị, có thể định giá, thậm chí được định giá hàng tỉ USD. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã dần bắt kịp với xu thế toàn cầu, đầu tư vào giá trị vô hình trong doanh nghiệp, tiêu biểu là giá trị thương hiệu để từ đó góp phần đáng kể trong việc gia tăng giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Chia sẻ về câu chuyện xây dựng thương hiệu, ông Gruber Alexander Lukas, Giám đốc Công ty CP Dịch vụ rang xay chuyên nghiệp Sài Gòn, đại diện thương hiệu Alambe' Finest Vietnamese Coffee cho rằng, Việt Nam nổi tiếng với cà phê số lượng lớn, giá rẻ. Do đó, cần đầu tư xây dựng thương hiệu, tạo nên chất lượng độc đáo, phân loại cà phê thành các hạng tốt, thượng hạng, tiêu chuẩn… Chỉ như vậy xuất khẩu cà phê mới có giá trị gia tăng. Theo đó, DN đã đầu tư cà phê rang xuất khẩu, cà phê cao cấp ALAMBE, tạo giá trị gia tăng thông qua việc cá nhân hóa cà phê cộng với việc rang và đóng gói tại Việt Nam. Tăng tiêu dùng nội địa, tạo thêm giá trị bằng cách tạo ra một loại cà phê địa phương.

Coi thương hiệu là vũ khí chiến lược

Ở một khía cạnh khác, chiến lược khác biệt hóa chính là một công cụ quan trọng để khẳng định thương hiệu của DN. Theo các chuyên gia, chiến lược khác biệt hóa là một phương pháp xây dựng thương hiệu, tập trung vào việc tạo ra sự độc đáo cho sản phẩm, dịch vụ hoặc thương hiệu của DN so với đối thủ cạnh tranh. Việc tạo ra một chiến lược khác biệt hóa nhằm mục đích định vị một chỗ đứng riêng trong tâm trí khách hàng, thu hút và giữ chân khách hàng, bằng cách cung cấp cho họ những giá trị và trải nghiệm khác biệt.

Chia sẻ với phóng viên, ông Phan Văn Hiệu, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc CVI Pharma cho biết, trên sân chơi toàn cầu, DN Việt không thể tập trung cạnh tranh về giá hay quy mô sản xuất mà phải tập trung vào câu chuyện thương hiệu, thế mạnh về sản vật đặc trưng như cây cỏ, thảo dược, văn hoá. Vì khách hàng quốc tế hiện quan tâm nhiều về yếu tố cộng đồng văn hoá bản địa tạo ra chính sản phẩm đó đặc biệt ra sao và việc bán sản phẩm này tác động ra sao tới đời sống của họ. “Hiện CVI Pharma đã đầu tư công nghệ sản xuất đạt chuẩn của hầu hết các nước khó tính như Mỹ, EU. Tuy nhiên khi xuất khẩu rộng khắp thế giới buộc doanh nghiệp phải thiết kế lại, đầu tư R&D (nghiên cứu và phát triển) lại sao cho phù hợp với tiêu chuẩn khắt khe của từng thị trường. Hệ quản lý chất lượng, hậu kiểm phải siết chặt hơn”, ông Hiệu chia sẻ.

Ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam cho biết, xây dựng và phát triển thương hiệu là một bước quan trọng, và cần có một lộ trình để phát triển thương hiệu một cách bền vững. Đây chính là nỗ lực của chúng tôi trong những năm vừa qua để làm sao các doanh nghiệp Việt Nam có thể nhận thức được câu chuyện xây dựng thương hiệu và có thể sử dụng những công cụ, công nghệ, giải pháp tiên tiến từ Amazon để phát triển một chiến lược xây dựng thương hiệu một cách hiệu quả và dài lâu.

Trong 5 năm qua, số lượng các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chương trình Brand Registry của Amazon tăng gấp 35 lần. Điều này cho thấy sự nhìn nhận nghiêm túc của các doanh nghiệp trong câu chuyện xuất khẩu online qua Amazon. Không chỉ là câu chuyện bán sản phẩm, vận hành, hay làm sao tối ưu doanh thu mà phải đạt được câu chuyện xây dựng thương hiệu để phát triển bền vững.

Tuy nhiên, sức cạnh tranh trong xuất khẩu online cũng vô cùng lớn. Dẫn chứng, trên Amazon có nhiều doanh nghiệp cung cấp sản phẩm trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ đến từ Ấn Độ, Thái Lan và hoạt động rất hiệu quả. Bởi các DN đó có kinh nghiệm lâu năm bán hàng trên Amazon nên thủ tục đưa sản phẩm lên sàn rất chuẩn và nhanh chóng, sản lượng đơn hàng cung ứng tốt, giá thành tốt cộng với mẫu mã đa dạng bắt mắt.

Bởi vậy, các DN cần coi thương hiệu là một vũ khí chứ không chỉ là công cụ. Chỉ khi sở hữu vũ khí đó, DN mới có thể cạnh tranh một cách sòng phẳng với các DN và thương hiệu khác.

Tạp chí Hải quan
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang