Xu hướng sản xuất công nghiệp tại TPHCM đang gắn liền với mục tiêu chuyển đổi và phát triển bền vững, phù hợp với bối cảnh quốc tế và các cam kết thương mại, TPHCM đang đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp để chuyển sang các ngành có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn và phát thải thấp.
Các sản phẩm như gian hàng cà phê hay trái cây được làm từ container của Công ty Cơ Khí Tân Thanh được nhiều người tin dùng. Ảnh: VGP/LA
Đây là một bước tiến để thích nghi với các tiêu chuẩn toàn cầu, các hiệp định thương mại thế hệ mới. Thành phố cũng đặt mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp trọng điểm để làm động lực phát triển, do đó, cần có những DN tiên phong, phát triển thương hiệu, để chuyển đổi giá trị sản xuất công nghiệp.
Theo bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT), Sở Công Thương TPHCM, các doanh nghiệp (DN) sản xuất Việt Nam nói chung, đặc biệt là các DN CNHT trên địa bàn TPHCM nếu xây dựng và phát triển được thương hiệu mạnh thì họ có "tài sản" rất quý, đó là họ có năng lực cạnh tranh tốt, có cơ hội phát triển tại thị trường trong nước và tiềm năng khai thác tại thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, với năng lực cạnh tranh tốt, các DN có thương hiệu mạnh sẽ có cơ hội giúp đỡ các DN ngành công nghiệp phụ trợ trong nước để có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, khai thác chuỗi giá trị toàn cầu. Qua đó, góp phần giúp kinh tế TPHCM phát triển bền vững theo hướng sản xuất công nghiệp tạo ra các giá trị gia tăng.
Bà Oanh cho biết, thời gian qua, TPHCM đang định hướng, hỗ trợ phát triển các DN đạt giải thưởng "Thương hiệu vàng" thành động lực quan trọng để thúc đẩy cho tiến trình chuyển đổi giá trị công nghiệp của Thành phố. Các DN "thương hiệu vàng" sẽ là đầu tàu, dẫn dắt các DN công nghiệp phụ trợ tham gia và khai thác sâu hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Gia tăng giá trị thương hiệu trong mắt người tiêu dùng
Theo các chuyên gia, sức mạnh của thương hiệu có thể tạo ra tác động mãnh liệt hơn khi thương hiệu có thể dẫn dắt thay đổi thói quen, hành vi người tiêu dùng, hướng đến lối sống và tiêu dùng bền vững.
Ông Trần Vĩnh Phước, Phó Tổng Giám đốc Công ty Thang máy Thiên Nam, một DN đạt danh hiệu "Thương hiệu vàng TPHCM" chia sẻ: Thiên Nam khởi nghiệp từ việc bảo trì, sửa chữa thang máy nhập khẩu, từ đó hiểu rõ sự hạn chế phụ thuộc công nghệ nước ngoài. Bằng quyết tâm và nội lực, công ty đã xây dựng nên thương hiệu thang máy nội địa nhằm đáp ứng phù hợp với nhu cầu sử dụng đa dạng của khách hàng trong nước. Từ thành công đó, công ty bắt đầu mở rộng xuất khẩu và cho đến nay là đơn vị duy nhất xuất khẩu tủ điều khiển cho một DN Nhật Bản chuyên về bảo trì thang máy tại Nhật.
Theo ông Phước, khi nói tới sản phẩm công nghiệp, tâm lý người Việt nghĩ ngay tới sản phẩm thương hiệu ngoại. Mặc dù vậy, giải thưởng "Thương hiệu vàng" mà DN đạt được gần đây đã giúp cho công chúng biết tới DN nhiều hơn.
Cũng giống Thiên Nam, Công ty Cơ Khí Tân Thanh (Tân Thanh), một DN "Thương hiệu vàng" của TPHCM cũng đặt sự hài lòng của khách hàng là ưu tiên trọng tâm. Bà Kiều Ngọc Phương, Phó Tổng Giám đốc công ty Cơ Khí Tân Thanh chia sẻ, một trong những chiến lược cốt lõi của Tân Thanh là tập trung vào tái chế container – một giải pháp vừa tiết kiệm chi phí vừa hạn chế lãng phí tài nguyên. "Chúng tôi không chỉ tái sử dụng container cũ mà còn cải tiến, nâng cấp để biến chúng thành những sản phẩm có giá trị cao hơn, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường hiện đại" bà Phương cho biết.
Tân Thanh đã từng khẳng định vị thế tiên phong trong việc áp dụng công nghệ hiện đại vào khâu quản lý khi phát triển các sản phẩm giám sát container lạnh từ xa. Theo bà Phương, đây không chỉ là giải pháp mang tính đột phá mà còn thể hiện sự thấu hiểu khách hàng khi đặt trải nghiệm của họ lên hàng đầu.
Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả vận hành và phát triển bền vững, Tân Thanh đang triển khai các giải pháp tiên tiến như ứng dụng công nghệ đo lường khí thải trong từng công đoạn. Song song đó, công ty cũng đang lên kế hoạch để đầu tư vào năng lượng mặt trời cho container lạnh, vốn sử dụng điện liên tục. Việc lắp đặt pin năng lượng mặt trời trên nóc container giúp giảm nhu cầu kết nối với nguồn điện bên ngoài, tiết kiệm chi phí và giảm phát thải, hướng tới các tiêu chuẩn phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM (Huba), cho rằng, trong bối cảnh khi nền kinh tế Việt Nam đang thực sự hội nhập mạnh mẽ với thế giới, đồng thời các doanh nghiệp (DN) cũng đang mãnh liệt khai phá các cơ hội thị trường mới, chúng ta tin rằng đây là thời khắc vàng để cùng liên kết các nguồn lực hiệu quả, thúc đẩy các thương hiệu Việt Nam vươn tầm thế giới, phát triển cộng đồng DN Việt Nam có tầm ảnh hưởng quốc tế, từ đó tạo động lực để xây dựng và nâng tầm Thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Theo Chủ tịch Huba Nguyễn Ngọc Hòa, một trong những trọng tâm xây dựng Thương hiệu quốc gia Việt Nam là câu chuyện về phát triển bền vững, tạo bệ phóng giúp các doanh nghiệp vững vàng ở cả thị trường nội địa và quốc tế.