Sớm định vị thương hiệu MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo) Việt Nam trên bản đồ du lịch quốc tế

Sớm định vị thương hiệu MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo) Việt Nam trên bản đồ du lịch quốc tế

Nhu cầu du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo) ngày càng tăng, nhất là lượng khách tìm kiếm cơ hội đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Tuy vậy, du lịch MICE vẫn còn quy mô nhỏ, manh mún.

Nguồn:Tuổi trẻ

Vẫn thiếu sự liên kết

Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Cục Du lịch Quốc gia) nhận định, khi quá trình chuyển đổi số ngày càng mạnh mẽ, người dân có thể tự đặt các dịch vụ du lịch, thì phân khúc du lịch MICE sẽ là mảng hoạt động chính của nhiều đơn vị làm du lịch. Dự báo, từ nay đến 2030, thị trường du lịch MICE toàn cầu tăng mạnh, trải đều các mùa trong năm.

Việc tổ chức phục vụ các đoàn khách MICE được các đơn vị du lịch chuẩn bị kỹ.

“Nhu cầu du lịch MICE của khách ngày càng tăng, nhất là lượng khách tìm kiếm cơ hội đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. MICE là lĩnh vực phục hồi tốt nhất, chiếm 60-70% lượng khách nội địa. Việt Nam có nhiều tiềm tăng, thế mạnh về tài nguyên du lịch để trở thành điểm đến của du lịch MICE trên toàn thế giới, với nhiều cảnh quan thiên nhiên ưu đãi, di sản văn hóa và kỳ quan thế giới, bãi biển đẹp... Các tỉnh, thành phố có thể phát triển và đón khách MICE như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang, Thanh Hoá…”, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn cho biết.

Bên cạnh đó, hạ tầng du lịch của Việt Nam trong thời gian qua đã được các doanh nghiệp du lịch đầu tư tạo thành khu du lịch và hệ sinh thái đa dạng. Dù vậy, theo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, hiện du lịch MICE của Việt Nam vẫn còn ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún, thiếu sự kết nối hệ thống liên ngành và liên vùng. Du lịch MICE còn gặp nhiều hạn chế về tính chuyên nghiệp, năng lực cạnh tranh thua kém một số nước trong khu vực. Do đó, dù được coi như "gà đẻ trứng vàng", du lịch MICE chưa đóng góp được nhiều cho du lịch Việt như kỳ vọng.

Phó Chủ tịch Câu lạc bộ MICE Việt Nam Phùng Hữu Hoàng chía sẻ, ngành du lịch đang tìm kiếm những giải pháp "tự thân" để không ngừng đẩy mạnh nguồn khách này. Tuy nhiên, vấn đề giá vé máy bay tăng cao đang trở thành thách thức lớn. Việt Nam cần đưa ra các giải pháp thực tiễn để khôi phục du lịch MICE đi bằng đường hàng không. Đối với thị trường khách du lịch MICE bằng đường thủy, đường bộ và tàu hỏa, cần tiếp tục bình ổn giá và đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ. Ngành du lịch cần làm mới hoặc cải tạo cơ sở hạ tầng tại các khách sạn và nhà hàng để có thể phục vụ các đoàn khách MICE quy mô 500 - 1.000 người.

Chia sẻ về thị trường khách du lịch MICE quốc tế, Tiến sĩ Trịnh Lê Anh, Trưởng bộ môn Quản trị sự kiện, Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định: "Trước đây, Việt Nam là điểm đến của một phận khách du lịch MICE Âu Mỹ. Gần đây, một số lượng khách du lịch MICE cao cấp ở Trung Quốc đã chọn Việt Nam. Đấy là một tín hiệu đáng mừng. Sau dịch COVID-19, các thị trường khách truyền thống đã trở lại và tạo ra một lượng khách MICE Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore. Gần đây là thị trường Ấn Độ với những đoàn khách lớn". 

Để phát triển du lịch MICE chuyên nghiệp, bền vững, Tiến sĩ Trịnh Lê Anh cho rằng, trước mắt cần "khai phóng" về mặt chính sách, tạo điều kiện cho du lịch MICE ở Việt Nam "cất cánh". Ví dụ, các địa điểm MICE nổi tiếng như Hàn Quốc, Thái Lan, Chính phủ các nước có những chính sách ưu đãi chuyên biệt cho đoàn khách nước ngoài 100-500 người, trên 500 người, để du lịch MICE không phải đau đầu với bài toán về giá.

Cần nhân sự chuyên nghiệp

Theo nghiên cứu từ Cục Du lịch Quốc gia năm 2020, mới chỉ có 30% nhân viên trong ngành MICE có đủ trình độ chuyên môn, kỹ năng đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang phải đối mặt sự thiếu hụt đội ngũ nhân sự có trình độ chuyên môn về quản lý sự kiện quy mô lớn. Đặc biệt, số lượng nhân viên sở hữu các chứng chỉ quốc tế chuyên ngành cần thiết để quản lý và tổ chức các sự kiện MICE tầm cỡ toàn cầu vẫn còn hạn chế.

Nhân sự trong lĩnh vực MICE cần chuyên nghiệp và chuyên môn hoá.

Do vậy, theo Tiến sĩ Trịnh Lê Anh, nhân sự trong lĩnh vực này cần phải chuyên nghiệp và chuyên môn hóa. Hiện nay, nhìn vào mặt bằng đào tạo ở Việt Nam, hầu như không có một trường đại học nào ở Việt Nam đào tạo chuyên sâu về MICE hay sự kiện (Event). Trong khi đó, MICE và Event là một lĩnh vực khá mới và đang bị lẫn lộn ở nhiều lĩnh vực xã hội khác nhau như là sự kiện văn hoá...

Tiếp đó, để trở thành điểm đến MICE quốc tế, các cơ quan chức năng cần nhấn mạnh về yêu cầu ngoại ngữ, những ngoại ngữ không phổ biến, với những thị trường trong 3-5 năm tới sẽ là những thị trường chủ lực của MICE Việt Nam, như thị trường Ấn Độ là tiếng Hindi...

Ông Nguyễn Đức Anh, Chủ tịch Câu lạc bộ du lịch MICE cũng cho rằng, hiện nay chưa có đơn nào vị đào tạo chuyên nghiệp về MICE. Từ góc độ những người thực hành trong lĩnh vực này đều mong muốn có nhân lực tốt đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhưng cách thức và cơ hội đào tạo phải đến từ chính sách, từ MICE. Bên cạnh đó cần bảo đảm đầu ra cho người học đạt tiêu chuẩn theo đúng khung tiêu chuẩn nghề quốc tế. Đồng thời, cũng có thể tổ chức thêm các khóa đào tạo ngắn hạn để cải thiện cũng như nâng cao chuyên môn của đội ngũ nhân viên làm việc trong lĩnh vực này.

Để làm tốt công việc này, các đơn vị cũng cũng phải thường xuyên tổ chức cho cán bộ, nhân viên học tập thực tế về du lịch MICE ở những nước dẫn đầu về công nghiệp MICE như: Mỹ, Anh, Australia, Nhật Bản, Thái Lan…

"Chính sách riêng biệt cho MICE ở Việt Nam cần được bàn thảo sớm, trong đó có những ưu đãi về visa, những vấn đề về thông quan, mua sắm, lưu trú, đi lại và đặc biệt là ưu đãi về giá để khách MICE có cảm nhận luôn được chào đón đến Việt Nam. Bên cạnh đó, cần tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp du lịch, liên kết giữa ngành du lịch với chính quyền địa phương nhằm xây dựng thương hiệu phù hợp với nhiều yếu tố, từ an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, cảnh quan đến các chương trình du lịch thu hút khách trong và ngoài nước", Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn phân tích.

Tuổi trẻ
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang