Vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa
Trong nền kinh tế thị trường, cạnh tranh giữa DN, giữa hàng hóa và dịch vụ đang hết sức gay gắt. Tuy nhiên, giai đoạn hiện nay còn chịu tác động hết sức mạnh mẽ của bối cảnh kỷ nguyên số, đặt ra nhiều cơ hội cũng nhiều thách thức cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nếu không cải thiện năng lực cạnh tranh của sản phẩm, DN Việt có nguy cơ thua trên sân nhà là rất cao. Nâng cao năng lực cạnh tranh không chỉ vừa là nhu cầu cấp thiết, liên tục và lâu dài mà là nội dung sống còn của DN và nền kinh tế. Đây cũng chính là nội dung chủ đạo của buổi Hội thảo “Chiến lược cạnh tranh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa” do Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh phối hợp với các bên liên quan tổ chức chiều 16/1 tại Hà Nội.
Toàn cảnh hội thảo
Theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thì Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (DNNVV) hiện nay chiếm khoảng 98 % tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước, trong đó số doanh nghiệp vừa chỉ chiếm 2,2%, doanh nghiệp nhỏ chiến 29,6% và còn lại 68,2% là siêu nhỏ. Nhưng trên thực tế, DNNVV đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. DNNVV là nơi tạo ra việc làm chủ yếu và tăng thu nhập cho người lao động, giúp huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, xóa đói giảm nghèo…Hàng năm các DNNVV đã tạo ra trên một triệu lao động mới; sử dụng tới 51% lao động xã hội và đóng góp hơn 40% GDP cho đất nước.
Chia sẻ tại buổi hội thảo, Ông Lê Anh Văn, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, cả nước hiện nay đã có hơn 600.000 doanh nghiệp. Trong 11 tháng năm 2016, đã có 102.000 doanh nghiệp thành lập mới, đây là con số cao kỷ lục, mục tiêu đến năm 2020 dự kiến Việt Nam có khoảng 1 triệu doanh nghiệp. Tuy nhiên chỉ có khoảng 21% DN liên kết được với chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi ở Thái Lan là 30%, Malaysia 46%. “Chúng ta có chưa đến 0,1% DN khoa học công nghệ trong tổng số DN. Đa số DN nhỏ và vừa làm dịch vụ, chỉ khoảng 20% hoạt động sản xuất”
Cũng theo kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê, khoảng 20% số doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động có thể trụ được trong cạnh tranh, 60% đang phải cố gắng để tồn tại, 20% đã bị giải thể hoặc ngừng hoạt động.
Thực trạng này đặt ra những thách thức lớn đối với năng lực cạnh tranh của Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhất là trong bối cảnh tái cơ cấu nền kinh tế mạnh mẽ như hiện nay.
Điều đó cho thấy, Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đang phải cạnh tranh trong điều kiện không cân sức, chưa bắt tay sản xuất kinh doanh đã thua kém đối thủ vì chi phí vốn vẫn còn cao so với các công ty đa quốc gia. Không chỉ khó cạnh tranh, việc giữ và phát triển thương hiệu Việt trước sự xâm lấn, thôn tính của các DN nước ngoài cũng đang là vấn đề sống còn của các DNNVV.
Liên kết trong chuỗi giá trị toàn cầu
Một trong những giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh được chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành đưa ra, đó là tạo sự liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm, đây là giải pháp nhanh và hữu hiệu để các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể xây dựng thương hiệu của mình, cũng như cần có chính sách, giải pháp thông thoáng hơn khuyến khích sự dẫn dắt, lan tỏa của các doanh nghiệp lớn đã có thương hiệu, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tới các doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Theo đó, để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, thay đổi kiểu dáng mẫu mã thì doanh nghiệp phải cạnh tranh bằng thương hiệu. Ngoài ra, khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng các công nghệ mới, hiện đại , tạo sức ép buộc các doanh nghiệp phải sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của mình để giảm giá thành, nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, tạo ra các sản phẩm mới khác biệt có sức cạnh tranh cao
"Đừng chỉ quan tâm xem đối thủ làm gì. Hãy tìm hiểu khách hàng muốn gì và cố gắng đáp ứng”, PGS.TS. Nguyễn Quốc Thịnh, chuyên gia cố vấn Chương trình Thương hiệu Quốc gia chia sẻ.
Nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của thương hiệu trong chiến lược cạnh tranh, PGS.TS. Nguyễn Quốc Thịnh, Chuyên gia cố vấn Chương trình Thương hiệu Quốc gia nhận định, trong bối cảnh đang có sự cạnh tranh khốc liệt về thị trường như hiện nay, với sự đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường, người tiêu dùng tìm kiếm sản phẩm của DN thông qua chính thương hiệu sản phẩm, thương hiệu DN. Thương hiệu chính là công cụ để kéo khách hàng đến với sản phẩm của DN. Khi được hỏi làm cách nào để nâng cao năng lực cạnh tranh, thì 90% doanh nghiệp trả lời rằng là nâng cao chất lượng và hạ giá thành của sản phẩm. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, thì doanh nghiệp không nên bàn đến cạnh tranh về giá nữa, mà phải cạnh tranh bằng thương hiệu.Vì vậy, DN phải hiểu được khách hàng đang cần gì thay vì chỉ để ý xem “đối thủ” cần gì, ông Thịnh chia sẻ.
Nhiều chuyên gia cũng chỉ ra rằng, trình độ, năng lực tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế trong quản trị doanh nghiệp của DNNVV cũng còn nhiều hạn chế, các DN chưa có chiến lược kinh doanh mà vẫn chủ yếu dựa trên kinh nghiệm, kinh doanh theo phi vụ. Tầm hoạt động và mạng lưới phân phối sản phẩm hẹp, hoạt động xúc tiến thương mại còn giản đơn, sơ lược và không có hiệu quả thiết thực. Kiến thức quản trị và kỹ năng, kinh nghiệm quản lý của lãnh đạo và quản lý của DNNVV còn hạn chế. Phần lớn các chủ doanh nghiệp và giám đốc doanh nghiệp tư nhân chưa được đào tạo một cách bài bản về kiến thức kinh doanh, quản lý, kinh tế - xã hội, luật pháp....
Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Văn Toàn – Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, Giám đốc Dự án Năng lực thương mại Việt Nam cho rằng, cần tạo điều kiện tối đa để các DNNVV tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Hiện tại thiếu vốn là căn bệnh trầm kha của các DNNVV song tiếp cận nguồn vốn tín dụng luôn là bài tóan khó với các doanh nghiệp này vì không đủ tài sản thế chấp, không đủ điều kiện tín chấp, tổng vốn vay không lớn. Chính phủ cần có chính sách khuyến khích các công ty lớn, tập đòan kinh tế, những nhà hảo tâm góp vốn thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm, đồng thời ban hành chính sách khuyến khích nhà đầu tư nước ngòai thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam nhằm tạo ra nguồn lực cho doanh nghiệp mới ra đời trong đó có doanh nghiệp khởi nghiệp.
Bên cạnh những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, thì theo các đại biểu trong hội thảo, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh của chính doanh nghiệp mình.
Chia sẻ những kinh nghiệm trong chiến lực cạnh tranh, bà Đỗ Thùy Dương, Giám đốc Công ty Cổ phần Hội tụ Nhân tài - một doanh nghiệp nhỏ và vừa đã thành công cho rằng, nếu doanh nghiệp nhỏ và vừa không nỗ lực vươn lên, mà vẫn giữ quy mô siêu nhỏ thì không thể cạnh tranh, định vị được trên thị trường thế giới.
Trong khi đó, đặc điểm của thị trường hiện đại là cạnh tranh mang tính tòan cầu và ngày càng khốc liệt, cạnh tranh về giá đã nhường bước cho cạnh tranh về chất lượng và tốc độ, khách hàng ngày càng trở nên khó tính hơn, đòi hỏi cao hơn và được chiều chuộng hơn thông qua cạnh tranh, như vậy các doanh nghiệp không thể tránh khỏi mà phải tìm mọi cách vươn lên để chiếm ưu thế và chiến thắng.
BCSI