Đây là năm thứ 13 liên tiếp Bảng xếp hạng VNR500 được nghiên cứu và công bố nhằm tôn vinh những doanh nghiệp có quy mô lớn nhất Việt Nam, đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh việc công bố Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2019, Vietnam Report cũng công bố Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2019.
Với công tác thẩm định và đánh giá minh bạch, công khai và khoa học, Bảng xếp hạng VNR500 được xây dựng nhằm góp phần nâng cao uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thu hút nguồn lực, tiếp cận cơ hội kinh doanh mới thông qua việc gia tăng lòng tin của các đối tác, các nhà đầu tư, đồng thời giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế khu vực và thế giới. Những doanh nghiệp xuất sắc và tiêu biểu trong Bảng xếp hạng VNR500 năm nay cũng đặc biệt được vinh danh trong danh sách Top 50 Doanh nghiệp Việt Nam xuất sắc năm 2019 – Top 50 Vietnam the Best.
Chiếm hơn 98% tỷ trọng doanh thu năm 2019, các doanh nghiệp trong top đầu đã thuộc về nhóm ngành dịch vụ và công nghiệp. Các vị trí tiếp theo có tiềm năng thuộc về các doanh nghiệp trong nhóm ngành thực phẩm, ăn uống, ngành viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính ngân hàng, bất động sản, ngành dược, vận tải...
Ngược lại với nhóm doanh nghiệp nêu trên, nhóm doanh nghiệp thuộc ngành nông nghiệp lại phát triển khiêm tốn, khi doanh thu chỉ chiếm dưới 2% tỷ trọng.
Bảng xếp hạng cũng chỉ ra có tới gần 90% doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định và tăng lên trong năm 2019. Có tới 2/3 doanh nghiệp cho rằng chiến tranh thương mại giữa các quốc gia đã ảnh hưởng một phần tới việc sản xuất của họ.
Trong khuôn khổ sự kiện, Vietnam Report đã tiến hành nghiên cứu và xuất bản Sách trắng Kinh tế Việt Nam 2020 với chủ đề “Doanh nghiệp lớn Việt Nam và các thách thức tăng trưởng 2020”, tập hợp góc nhìn của nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu và các doanh nghiệp lớn trong nước về tình hình kinh tế Việt Nam trong giai đoạn vừa qua, những tiềm năng và thách thức tăng trưởng của các doanh nghiệp – nhất là các doanh nghiệp lớn, để từ đó đưa ra những giải pháp đề xuất hỗ trợ định hướng phát triển doanh nghiệp trong năm 2020. Trong năm 2019, kinh tế Việt Nam tiếp tục ghi nhận nhiều thành tựu, đặc biệt là hai năm liên tiếp GDP tăng trưởng trên 7%. Mặc dù kinh tế thế giới đang có nhiều biến động và vẫn còn những hạn chế nhất định về môi trường đầu tư kinh doanh trong nước, năng lực công nghệ, năng lực quản trị của doanh nghiệp… nhưng cùng với sự phát triển của đất nước, các doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng lớn mạnh cả về số lượng, quy mô và hiệu quả cạnh tranh. Các doanh nghiệp nằm trong Bảng xếp hạng VNR500 và Top 10 uy tín vẫn giữ vững được vị thế và vai trò là những doanh nghiệp hàng đầu trong một nền kinh tế sôi động thực sự là một thành tích rất đáng khích lệ.
Những kết quả sản xuất kinh doanh trong năm 2019 là tiền đề và đồng thời là một trong những động lực thúc đẩy các doanh nghiệp tiếp tục phấn đấu sản xuất kinh doanh trong năm 2020. Ngoài ra, để hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cần sự đồng hành của các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp, hiệp hội doanh nghiệp có những chính sách tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp. Kết quả khảo sát của Vietnam Report vào tháng 10/2019 ghi nhận có 87,1% doanh nghiệp mong muốn Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính và cải thiện môi trường pháp lý; 80,6% doanh nghiệp cần Nhà nước hỗ trợ tăng cường các biện pháp hỗ trợ tìm kiếm thị trường đầu ra thông qua các hình thức như hội chợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, nghiên cứu thị trường…