Nông sản Việt - tài sản quý nhưng vẫn còn treo trên gác bếp

Nông sản Việt - tài sản quý nhưng vẫn còn treo trên gác bếp

Là một trong những quốc gia đứng đầu về xuất khẩu nông sản hiện nay nhưng các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam lại có giá trị và khả năng cạnh tranh thấp so với các nước trong khu vực. Bà Vũ Kim Hạnh - Giám đốc BSA, cho rằng: “Nông sản Việt còn kém ưu thế cạnh tranh. Đây là một gia tài quý nhưng vẫn còn treo trên gác bếp, chưa được lấy xuống để làm sáng hơn”.


Tại hội thảo “Đi tìm ưu thế cạnh tranh của nông sản Việt để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu” chiều 22/9, các diễn giả đồng ý rằng dù Việt Nam có nhiều điều kiện để phát triển nông nghiệp nhưng ưu thế cạnh tranh vẫn còn kém so với Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Myanmar, hay Campuchia.

Nghịch lý nông sản lớn nhất mà vẫn phải nhập nông sản nước ngoài

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, rau củ quả là một trong những mặt hàng nhập khẩu nhiều nhất trong 8 tháng đầu năm. Hai thị trường lớn nhất cung ứng nông sản lớn nhất cho Việt Nam là Thái Lan (hơn 500 triệu USD) và Trung Quốc (khoảng 250 triệu USD).

Ông Huỳnh Kim Tước - Giám đốc điều hành SIHUB, nói rằng: “Nông sản Việt cứ xuất khẩu 3 đồng thì lại nhập về 1 đồng. Trong khi khu vực Tây Nam Bộ với rất nhiều loại trái cây, hoa quả nhiệt đới thì lại nhập hàng của Thái Lan và Lâm Đồng là thủ phủ của cà rốt, khoai tây, bắp cải thì lại đầy hàng Trung Quốc”

Giải thích về nghịch lý này, ông Phạm Minh Quang - Phó Giám đốc dự án Mekong Business Initiative (MBI) chuyên hỗ trợ các hoạt động nông nghiệp cho rằng cách thức làm nông nghiệp của Việt Nam hiện còn quá truyền thống theo hình thức sản xuất hàng loạt.

Theo ông, nông dân Việt vẫn còn quá chú trọng số lượng mà chưa quan tâm nhiều đến chất lượng nông sản làm ra. Trong khi đó, nhu cầu của người dùng ngày càng cao, họ đòi hỏi chất lượng nông sản, những loại thực phẩm trên bàn ăn hàng ngày phải chất lượng hơn.

“Chẳng hạn với cây lúa, người Campuchia và các nước khác chỉ làm 1 vụ/năm, lúa Việt Nam mỗi năm 2-3 vụ với năng suất hơn gấp nhiều lần. Tôi cho rằng nếu không thay đổi tư duy này nông nghiệp trong nước vẫn không thể giàu lên nổi, làm càng nhiều thì sẽ càng giải cứu nhiều”, ông Quang nhấn mạnh.

Phó giám đốc MBI kiến nghị thay vì sản xuất đại trà, việc trồng và phân phối nông sản theo các tiêu chuẩn an toàn trong và ngoài nước theo đơn đặt hàng sẽ khiến nông sản có giá trị cao hơn. Việc này cũng khắc phục “điệp khúc” được mùa mất giá ở chuối, dưa hấu, khoai lang, hành tím… thời gian qua.

giải cứu dưa hấu.jpg

Việc trồng hàng loạt không theo nhu cầu thị trường khiến nhiều nông sản mất giá trầm trọng

Làm gì để nâng cao giá trị nông sản Việt Nam?

Ngoài chất lượng thì bộ nhận diện thương hiệu, hình thức, mẫu mã nông sản để người tiêu dùng biết và nhớ hiện rất quan trọng tại thị trường các nước. Tuy nhiên, ý thức thương hiệu của nông sản Việt trên thị trường vẫn còn yếu. Trong khi đó, để tăng giá trị nông sản, các nước khác rất coi trọng vấn đề này. Vì vậy, nông sản vẫn chưa gây được ấn tượng.

Chính vì thế, Việt Nam tuy là vựa lúa lớn của thế giới nhưng khi nhắc đến gạo thơm, người tiêu dùng nước ngoài chỉ biết đến các thương hiệu của Thái Lan, Myanmar, Campuchia, còn hàng Việt khá mờ nhạt.

Ông Phạm Minh Quang - Phó giám đốc MBI cũng nhấn mạnh việc nâng cao giá trị nông sản Việt Nam cần có sự hỗ trợ giữa doanh nghiệp và Nhà nước.

Phó chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Trung Quốc - ASEAN cũng khẳng định điểm yếu của nông sản Việt còn nằm ở ý thức thương hiệu và quảng bá cho thương hiệu. Vì vậy, nông sản vẫn chưa gây được ấn tượng.

thanh long.jpg

Thanh long Việt Nam được nhiều nước ưa chuộng nhưng vẫn chưa làm tốt nhận diện thương hiệu.

Ông dẫn chứng thanh long Việt Nam rất được ưa chuộng tại thị trường nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, tuy nhiên khâu truyền thông, quảng bá thương hiệu hầu như không có. Gần đây, sản phẩm này mới được bao bì và truy xuất nguồn gốc nhưng còn ít

Trong khi đó, trái cây từ Australia, Nam Phi, Chile, Hàn Quốc… lại rất bài bản với các ủy ban tiêu thụ, công ty xuất nhập khẩu quốc để thống nhất thương hiệu cho hàng nghìn nhà sản xuất khác nhau.

Mục tiêu nâng cao giá trị nông sản Việt Nam sẽ khó đạt được nếu như không nâng cao ý thức thương hiệu của nông sản Việt. Tuy nhiên, để thực hiện được yêu cầu này, nhiều “điểm nghẽn” cần được tháo gỡ bằng một gói giải pháp tổng thể, đồng bộ và cần phải được nhà nước ưu tiên hỗ trợ.

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang